Thị trường ô tô Việt: Làn sóng xe tăng giá, khan hàng, bán kiểu ‘bia kèm lạc’

HÀ NỘI (Sputnik) - Chỉ ngay sau Tết Nguyên đán, thị trường ô tô Việt bất ngờ rơi vào tình trạng khan hàng, một số mẫu còn đội giá cao ngất ngưởng. Thậm chí, bước sang tháng 4, nhiều hãng còn thông báo kế hoạch tăng giá bán, gây bất lợi cho người tiêu dùng.
Sputnik

Tăng giá ồ ạt, cung không đủ cầu

Còn nhớ cùng thời điểm này vào năm ngoái hoặc 2 năm trước đó, các hãng ô tô đồng loạt đưa ra những chương trình ưu đãi, khuyến mãi vô cùng hấp dẫn nhằm cải thiện doanh số do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Tất nhiên, người tiêu dùng được hưởng lợi trong cuộc đua này.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 thị trường đã ghi nhận sức mua “khủng” từ khách hàng. Đáng chú ý hơn, nguồn cung không đủ cầu. Giá bán các loại xe tăng chóng mặt chỉ trong 4 tháng đầu năm. Các “ông lớn” của ngành này cũng phải thay đổi mức giá phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Vì sao giá xe ô tô sản xuất tại Việt Nam khó giảm?
Từ ngày 1/5 tới đây, hệ thống đại lý Toyota dự kiến sẽ áp dụng mức giá mới với mức tăng tùy thuộc vào từng mẫu xe. Trong đó, tăng cao nhất là Land Cruiser và Alphard (tăng 40 triệu đồng), thấp nhất là Vios (tăng 5 triệu đồng). Mẫu xe ăn khách Toyota Corolla Cross tăng 16 triệu đồng. Đây cũng là lần thứ hai Corolla Cross tăng giá kể từ đầu năm tới nay.
Không nằm ngoài cuộc đua, Suzuki cũng đã điều chỉnh, tăng giá bán một số dòng xe. Giá của Ertiga, Swift, Ciaz, đều tăng thêm từ 5,9 đến 10 triệu đồng.
Hãng Ford cũng đã tăng giá của Everest và Ranger khoảng 12 triệu đồng, viện lý do nguồn cung phụ tùng bị khan hiếm. Ở phân khúc xe sang, Mercedes-Benz cũng đã tăng giá một số mẫu GLC, GLS, cao nhất khoảng 70 triệu đồng, song song điều chỉnh tùy chọn.
Multimedia
Những điểm mới của ngành công nghiệp ô tô thế giới tại Triển lãm ô tô quốc tế Bangkok

Bán kiểu ‘bia kèm lạc’ do khan phụ tùng?

Ghi nhận trên thực tế cho thấy, giá nhiều mẫu xe như Hyundai Tucson, Hyundai SantaFe, và Ford Ranger,... hiện bán “bia kèm lạc” lên đến hơn 100 triệu đồng, khách vẫn phải “dài cổ” xếp hàng chờ nhận xe khiến mọi người không khỏi bức xúc.
Tuy nhiên, đây cũng là tình trạng chung của cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Nguyên nhân chính vẫn là khan nguồn cung do tác động mạnh của dịch COVID-19 đến các nhà sản xuất ô tô. Ngoài ra, việc Trung Quốc - công xưởng thế giới - hiện nay vẫn đóng cửa triển khai chính sách “Zero COVID” cũng góp phần làm tăng “cơn khát” phụ tùng ô tô.
Theo dữ liệu gần đây nhất từ công ty nghiên cứu và định giá ô tô Kelley Blue Book, có trụ sở tại Mỹ, giá giao dịch trung bình cho một chiếc xe mới đạt 46.085 USD trong tháng 2 giảm nhẹ so với tháng trước nhưng vẫn gần mức giá cao kỷ lục của tháng 12/2021 - và tăng 11,4%, tương đương hơn 4.700 USD so với tháng 2/2021.
Bất chấp xăng tăng giá: Nhu cầu mua ô tô của người Việt ước tính tăng 16%
Lý giải nguyên nhân giá xe trong nước “phi mã” cũng phải đề cập đến việc áp dụng gói ưu đãi 50% phí trước bạ áp dụng từ đầu tháng 12/2021 đến hết tháng 5/2022 của Chính phủ Việt Nam. Đây còn là cái cớ để các hãng ô tô và đại lý “thi nhau” cắt giảm khuyến mãi.
Với tư cách là người trong cuộc, anh Nguyễn Mạnh Tiến, trưởng phòng kinh doanh một đại lý Toyota ở Hà Nội chia sẻ với VietnamNet mới đây, cho biết:
“Cung thấp hơn cầu, cùng với việc biến động kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến thị trường nguyên vật liệu đầu vào bị đội giá do thiếu linh kiện, chất bán dẫn. Chi phí vận tải cũng tăng cao khiến các đại lý buộc phải điều chỉnh giá, cân đối lợi nhuận cho hợp lý để bù đắp chi phí đầu vào ngày càng tăng”.
Các chuyên gia ô tô cũng nhìn nhận, thị trường xe ô tô quý 1 vừa rồi tăng trưởng khá tốt vì dịch bệnh đã được kiểm soát tốt và nhu cầu mua xe cá nhân tăng cao. Không những thế, do nguồn cung thiếu cũng như chi phí logistic tăng nên giá xe dự kiến sẽ tăng tiếp tục trong thời gian tới.
Việt Nam bất ngờ tăng nhập xe ô tô Trung Quốc nguyên chiếc

Người tiêu dùng Việt Nam còn 'quá hiền'?

Tăng giá bán, bán hàng kiểu "bia kèm lạc", hoặc yêu cầu khách trả thẳng khoản chênh giá nếu muốn nhận xe sớm là ba kiểu phổ biến nhất mà nhiều showroom ô tô hiện đang áp dụng với những mẫu xe "hot", khan hàng.
Hiện một số dòng xe nhập khẩu và lắp ráp đang bị hiếm hàng, cũng như số lượng bị hạn chế do thiếu nguồn cung linh kiện, thiếu chip trên toàn cầu ... dẫn đến thời gian đặt xe và nhận xe có thể kéo dài, thậm chí có xe có thể chờ đến qua quý 3.
Trong khi thời gian ưu đãi thuế trước bạ cho xe lắp ráp chỉ đến ngày 31/5/2022 dẫn đến một số dòng xe khách hàng muốn nhận sớm phải trả thêm tiền mua thêm phụ kiện hoặc phải mua thêm bảo hiểm đi kèm.
Việt Nam giảm doanh số ô tô trong hai tháng liên tiếp, người dân thắt chặt chi tiêu?
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Đồng lại cho rằng, việc đại lý, hãng ô tô lấy lý do gặp khó về linh kiện, chất bán dẫn để tăng giá, bán chênh giá là sai.

“Nguồn cung khó khăn, đây là vấn đề chung của toàn cầu. Nhưng không đến nổi phải ép người tiêu dùng phải chi thêm tiền, mua thêm phụ kiện. Đó là viện cớ để ”xin" tiền". Nếu điều này mà xảy ra ở Châu Âu, hay Mỹ là đại lý chỉ có nước sạt nghiệp. Bởi hợp đồng đã ghi rõ giá bán lúc đầu thì lúc giao xe cũng phải đúng theo giá thỏa thuận. Chứ không thể bắt chẹt người mua phải mua “lạc” mới được nhận xe.

Theo chuyên gia trên, thay vì chấp nhận những điều khoản vô lý của bên bán, người mua có thể liên hệ Hội bảo vệ người tiêu dùng để phản ánh và yêu cầu đòi quyền lợi.
Thảo luận