Sẽ khó bắt Việt Nam chọn phe

Trước việc Việt Nam bỏ phiếu chống lại Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền của Nga, đã có quan điểm cho rằng, “Việt Nam chọn phe Nga”.
Sputnik
Tuy nhiên, phát biểu ngày 8/4 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa thể hiện rằng, Việt Nam đứng về chính nghĩa và công đạo với lựa chọn riêng cân nhắc lợi ích quốc gia dân tộc là “thượng tôn”. Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và có trách nhiệm với quốc tế.
Lá phiếu phản đối của Việt Nam thể hiện đúng đường lối chủ trương ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa, “ngoại giao tâm công” và là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Tướng Nguyễn Chí Vịnh: Không nước nào có thể buộc Việt Nam chọn phe

Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ

Ngày 8/4, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Đại sứ Kairat Sarybay, Giám đốc Điều hành Ban Thư ký Hội nghị phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Tại cuộc gặp này, nhà lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có những chia sẻ sâu sắc, tái khẳng định lập trường đối ngoại công bằng và chính nghĩa của Việt Nam, thượng tôn lợi ích quốc gia dân tộc nhưng luôn đảm bảo trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Trong bối cảnh biến động chính trị thế giới ngày càng nhanh, khó lường, trước nguy cơ trật tự thế giới có thể bị thay đổi, nhất là tình hình xung quanh quan hệ Nga – Ukraina đang bị Mỹ và phương Tây chính trị hóa với nhiều toan tính nhằm vào Nga, qua đó đe dọa ổn định, hòa bình của khu vực và toàn cầu, có rất nhiều nước, tổ chức đã thăm dò, tìm hiểu lập trường của Việt Nam về vấn đề này.
Trước đó, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Tredene Dobson đã hỏi Thủ tướng Phạm Minh Chính hay Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đề nghị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng quan điểm, đánh giá về chiến dịch quân sự đặc biệt của Tổng thống Putin ở Ukraina.
Tại cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Đại sứ Kairat Sarybay, dù vấn đề này không trực tiếp được nêu ra, hoặc chưa được các cơ quan truyền thông xác nhận, tuy nhiên, có thể hiểu lập trường chung của Việt Nam là không thay đổi.
Đặc biệt, sau khi Việt Nam là một trong 24 nước quyết định bỏ phiếu chống lại Nghị quyết loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền, có nhiều báo đài phương Tây đã quy kết rằng “Việt Nam chọn phe Nga”. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn sự áp đặt vô căn cớ.
Thực tế, Việt Nam đã từng bỏ phiếu trắng trước các quyết định gây bất lợi cho Nga và lần này là nỗ lực phản đối quyết định vội vàng khi chưa điều tra rõ ràng sự thật chân tướng vụ Bucha của Liên Hợp Quốc, cơ quan đã bị suy giảm uy tín nghiêm trọng sau phiên họp đặc biệt và phán quyết “bị chính trị hóa và dắt mũi” ngày 7/4. Việt Nam là một quốc gia độc lập, có tiếng nói và phán xét riêng mà không bị tác động bởi bất cứ nước nào hay thế lực can thiệp bên ngoài nào khác.
Cũng tại phiên họp đặc biệt ngày 7/4, Việt Nam lên tiếng kêu gọi điều tra khách quan và minh bạch sự việc. Đó là quan điểm mà một quốc gia với những lãnh đạo luôn giữ thái độ công tâm, sự trí huệ và tình yêu hòa bình, vì lợi ích chung – nên có.
Trở lại với cuộc gặp ở Phủ Chủ tịch, theo cổng thông tin Chính phủ, nhân dịp cuộc gặp với Đại sứ Kairat Sarybay, Giám đốc Điều hành Ban Thư ký Hội nghị phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA), Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn hướng đến lợi ích chung vì hòa bình, thịnh vượng, ổn định và phát triển của tất cả các nước.
“Việt Nam kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đồng thời luôn tích cực tham gia hoạt động của CICA và thúc đẩy quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại, nông nghiệp, du lịch và bảo vệ môi trường giữa các nước thành viên”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina
Thủ tướng Việt Nam lần đầu tiên nêu suy nghĩ về xung đột Nga – Ukraina

Nguyên tắc “không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”

Tiếp đó, trao đổi thêm về các vấn đề quốc tế, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực và trên thế giới có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Do đó, tất cả quốc gia cần đóng góp hết sức mình để tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, ứng phó với những thách thức toàn cầu, nhất là biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, CICA cần tiếp tục phát huy hiệu quả tôn chỉ, mục đích và những nguyên tắc hoạt động của mình.
Nhà lãnh đạo Việt Nam nêu rõ, cần có tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
“Không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp, không can thiệp vào công việc nội bộ, thúc đẩy hợp tác đa phương, tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc”, nguyên thủ Việt Nam nhấn mạnh.
Về tình hình ở Biển Đông, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng mong muốn CICA ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam nhằm bảo đảm hòa bình, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
“Giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) và Hiến chương Liên Hợp Quốc”, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Ngưỡng mộ dân tộc Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cũng tại cuộc gặp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chuyển lời thăm hỏi và những tình cảm tốt đẹp tới lãnh đạo và nhân dân Kazakhstan.
“Việt Nam và Kazkhstan có quan hệ hữu nghị hợp tác tốt đẹp”, ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Quan hệ hai nước phát triển trên nhiều lĩnh vực, trong đó, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 tăng gấp đôi so với năm 2020. Việt Nam cũng đồng thời đánh giá cao vai trò của Kazakhstan, là một trong những nước sáng lập CICA, đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Diễn đàn trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Phú Trọng đã nói gì với Thủ tướng Đức về xung đột Nga – Ukraina?
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng sau 30 năm hình thành và phát triển, CICA đang ngày càng lớn mạnh, thực sự trở thành Diễn đàn lớn, quan trọng về thúc đẩy tăng cường đối thoại, củng cố lòng tin chiến lược, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên vì hòa bình, hợp tác phát triển và thịnh vượng ở khu vực châu Á. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng tin tưởng Hội nghị Thượng đỉnh CICA lần thứ 6 tổ chức tại Kazakhstan vào tháng 10/2022 sẽ thành công tốt đẹp và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự với những đóng góp tích cực, thực chất.
Tiếp kiến nguyên thủ Việt Nam, thay mặt Ban thư ký CICA, Giám đốc Điều hành CICA Kairat Sarybay bày tỏ biết ơn sâu sắc đối với sự đón tiếp chân tình của Chủ tịch nước. Ông Sarybay cho biết tình cảm ngưỡng mộ của lãnh đạo và nhân dân Kazakhstan đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc hào hùng, cũng như đổi mới kinh tế, xã hội vượt bậc của Việt Nam.
Đại sứ Sarybay cho rằng, thế kỷ 21 chính là thế kỷ phát triển của châu Á nên Diễn đàn CICA cần có tầm nhìn, cách tiếp cận mới để đáp ứng các nhu cầu về an ninh, phát triển của khu vực.
Cũng nhân dịp này, Đại sứ bày tỏ hy vọng với uy tín, vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, Việt Nam sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp ý nghĩa vào công việc chung của CICA vì lợi ích hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực.
Tại cuộc gặp với Chủ tịch nước Việt Nam, Giám đốc Điều hành CICA cũng đã chuyển thư của Tổng thống Kazakhstan Kassym Jomart Tokayev mời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Thượng đỉnh CICA tại Kazakhstan vào tháng 10/2022.

Quan điểm của lãnh đạo Việt Nam về biến động chính trị thế giới

Như Sputnik thông tin, trong các tuyên bố chính thức và tại nhiều cuộc gặp song phương hay đa phương, Việt Nam đã nhiều lần nêu quan điểm chính thức về xung đột Nga – Ukraina.
Cụ thể, Việt Nam kêu gọi các bên liên quan chấm dứt xung đột, giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong cuộc tiếp Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Tredene Dobson, đã lần đầu tiên lên tiếng về xung đột Nga – Ukraina.
Đại sứ New Zealand là người nêu câu hỏi với người đứng đầu Chính phủ Việt Nam. Đáp lại, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam là đất nước từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh, chịu nhiều hậu quả nặng nề và đến giờ vẫn đang phải giải quyết. Do đó, Việt Nam là đất nước yêu chuộng hòa bình, luôn đóng góp tích cực và hành động vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, nhất là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Kairat Sarybay, Giám đốc điều hành Ban thư ký CICA
“Việt Nam luôn theo dõi sát và hết sức quan ngại trước tình hình xung đột vũ trang tại Ukraina, kêu gọi các bên kiềm chế, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, tránh gây thương vong, tổn thất cho dân thường”, Thủ tướng Phạm Minh Chính lên tiếng cho biết.
Ông Phạm Minh Chính cũng bày tỏ, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam mong các bên sớm tìm giải pháp hòa bình cho các bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế và tính đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên liên quan, bảo đảm an ninh, an toàn và nhu cầu thiết yếu dành cho người dân, đồng thời thúc đẩy cứu trợ nhân đạo.
Tiếp đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã lần đầu tiên có phản hồi và bộc lộ quan điểm về vấn đề xung đột Nga – Ukraina trong cuộc điện đàm cấp cao với Thủ tướng Liên bang Đức, Lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Đức Olaf Scholz hôm 31/3 vừa qua.
Có vẻ, Thủ tướng Olaf Scholz là bên nêu chủ kiến, đề nghị nhà lãnh đạo Việt Nam lên tiếng về tình hình ở Ukraina. Đáp lại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Liên Hợp Quốc, trong đó có việc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng mong muốn các bên liên quan thúc đẩy đối thoại, đàm phán để chấm dứt chiến sự, lập lại hòa bình trên cơ sở tôn trọng lợi ích chính đáng của các bên, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Việt Nam và Lào ủng hộ Nga ở LHQ như đã từng sát cánh bên nhau trong chiến tranh
Như vậy, có thể thấy, quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng thống nhất với các tuyên bố chính thức được Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ Ngoại giao, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ đề cập trước đó xung quanh tình hình Ukraina hay không trực tiếp như việc kêu gọi không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp, không can thiệp vào công việc nội bộ, thúc đẩy hợp tác đa phương, tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

“Việt Nam không chọn phe”

Cần nhấn mạnh rằng, cả về đường lối ngoại giao lẫn đối ngoại quốc phòng của Việt Nam đều thống nhất quan điểm lập trường ấy. Việt Nam không chọn bên và cũng khó nước nào có thể tác động buộc Việt Nam phải chọn phe. Việt Nam đứng về công lý, hòa bình và chính nghĩa.
Như Sputnik đã từng dẫn phát biểu của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh về việc Việt Nam sẽ không đứng bên này để chống lại bên kia.
Cụ thể, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, có những nước đã buộc phải chọn bên, nhưng Việt Nam không làm như vậy.
“Chúng ta có quan hệ tốt hay xấu, gần hay xa, ủng hộ hay không ủng hộ nhưng luôn giữ độc lập, tự chủ trên cơ sở tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác. Có người đã hỏi tôi “Các ông có sợ nước lớn buộc các ông phải chọn bên?”. Tôi bảo “Chúng tôi chọn chính chúng tôi. Không ai và không nước nào có thể bắt Việt Nam phải chọn bên vì chúng tôi độc lập, tự chủ, giành và giữ độc lập bằng sức của mình”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.
Theo tướng Vịnh, có những nước luôn nói, khi họ sinh ra thế giới này đã là của họ, họ sẽ lãnh đạo, chi phối thế giới, nhưng Việt Nam không như thế.
“Chúng tôi quan niệm, Việt Nam là của thế giới, Việt Nam vì thế giới, nhưng giá trị của Việt Nam là của Việt Nam và Việt Nam tự bảo vệ lấy”, tướng Vịnh bày tỏ.
Cũng theo nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam nêu rõ chúng ta tuân thủ nguyên tắc "không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế". Điều này nằm trong hiến chương Liên Hợp Quốc, là cách ứng xử của mọi quốc gia. Trên cơ sở đó, Việt Nam quy định "ba không" về mặt quân sự là không đứng bên này chống bên kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không tham gia liên minh quân sự. Ba không này là bất biến.
Trong khi đó, đối với việc “tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết...”, được hiểu là quan hệ sẽ thay đổi tuỳ theo diễn biến tình hình.
“Dĩ bất biến ở chỗ ta bảo vệ lợi ích của ta, lý lẽ đúng trên cơ sở giá trị chung của nhân loại, luật pháp quốc tế. Nhưng nếu đối tác của ta không tôn trọng cái đó thì ta phải thay đổi, không thể giữ quan hệ với họ như trước”, theo tướng Vịnh.
Chỉ là kết quả của những “màn kịch” được Mỹ, NATO và Ukraina tạo dựng
Khi các nước tôn trọng lợi ích, chế độ chính trị, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, ứng xử phù hợp với luật pháp quốc tế thì Việt Nam cũng sẽ tôn trọng họ.
“Như vậy, ta không cứng nhắc coi anh này luôn tốt, anh kia luôn xấu mà tuỳ thái độ, việc làm của họ để xử lý mối quan hệ, đảm bảo lợi ích tối cao của đất nước”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định.
Dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Để giành độc lập dân tộc và tự do, bảo vệ nền hòa bình của Tổ quốc, nhân dân Việt Nam đã phải hy sinh biết bao xương máu.
Bằng các cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất qua nhiều thế hệ, dân tộc Việt Nam đã khẳng định rằng, quyền thiêng liêng, cơ bản nhất của con người là quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, quyền được tự quyết vận mệnh của mình.
Do đó, hơn ai hết, nhân dân Việt Nam luôn mong muốn xây dựng một môi trường hòa bình, hiểu biết, đoàn kết và yêu thương nhau, cùng xây dựng thế giới ngày càng tốt đẹp.
Thảo luận