Tiêu chuẩn kép: loại bỏ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền hạ thấp uy tín của tổ chức

Tuần trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong Hội đồng Nhân quyền. Matxcơva coi quyết định này là bất hợp pháp và có động cơ chính trị.
Sputnik
Theo quan điểm của ông Mã Hữu Quân chuyên gia về hợp tác chiến lược tổng hợp Trung-Nga tại Đại học Hắc Long Giang, việc đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong Hội đồng Nhân quyền là biểu hiện tiêu chuẩn kép. Ông Mã lưu ý rằng quyết định này sẽ làm giảm đáng kể uy tín của tổ chức nhân quyền và sẽ tác động đáng kể đến tương lai và sự phát triển của tổ chức này.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong Hội đồng Nhân quyền (United Nations Human Rights Council - UNHRC). Trong khuôn khổ phiên họp đặc biệt về Ukraina, 93 nước đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết do Hoa Kỳ khởi xướng, 24 nước bỏ phiếu chống, 58 phiếu trắng.
Bỏ phiếu chống là các nước Algeria, Belarus, Bolivia, Burundi, Cộng hòa Trung Phi, Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ Congo, Cuba, Bắc Triều Tiên, Eritrea, Ethiopia, Gabon, Iran, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Lào, Mali, Nicaragua, Nga, Syria, Tajikistan, Uzbekistan, Việt Nam, Zimbabwe. Một số nước bỏ phiếu «tán thành» vì nỗi sợ rơi vào diện trừng phạt thứ cấp. Ví dụ, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã tuyên bố về điều này.
Đại hội đồng LHQ đình chỉ sự tham gia của Nga trong Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Lập trường rõ ràng của Trung Quốc

Biện giải cho lập trường của mình, Trung Quốc phản đối việc chính trị hóa vấn đề nhân quyền và chống lại việc sử dụng nhân quyền để gây áp lực với các nước khác. Điều này đã được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố tại cuộc họp báo ngắn hôm thứ Sáu. Ông Triệu nhấn mạnh rằng Trung Quốc luôn ủng hộ việc bảo vệ nhân quyền thông qua con đường đối thoại mang tính xây dựng và hợp tác trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, đồng thời ông chỉ ra rằng những quyết định như vậy cần được tiếp nhận một cách cân bằng và hợp lý.
Như ông Mã Hữu Quân chuyên gia về hợp tác chiến lược tổng hợp Trung-Nga tại Đại học Hắc Long Giang nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, quyết định gạt Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền là biểu hiện điển hình của tiêu chuẩn kép, làm giảm sút uy tín và tác động đáng kể đến sự phát triển trong tương lai của tổ chức.

«Không phải lần đầu tiên và cũng không phải lần cuối cùng phương Tây gây om sòm xung quanh tổ chức nhân quyền. Sau khi bùng nổ cuộc khủng hoảng Ukraina, phương Tây đã áp đặt đủ loại lệnh trừng phạt chống Nga, từ lĩnh vực vũ trụ cho đến mọi khía cạnh của cuộc sống thường nhật. Thậm chí cả động vật cũng không thoát khỏi lệnh trừng phạt của phương Tây. Sự thổi phồng khoa trương ầm ĩ xung quanh tổ chức nhân quyền thực ra là mánh kế tiếp của Hoa Kỳ và các nước phương Tây. Giả sử Matxcơva vi phạm các nguyên tắc của chủ nghĩa nhân văn quốc tế, thì theo logic này, Nga phải bị trừng phạt. Tuy nhiên, chúng ta đang thấy mặt khác của vấn đề - vì chuyện Afghanistan, Libya và hàng loạt tội ác khác mà Mỹ gây ra, ai đã chí ít là một lần áp đặt biện pháp trừng phạt chống Hoa Kỳ hay kêu gọi tẩy chay hành động của Mỹ? Vì thế, tôi cho rằng các tổ chức quốc tế trước hết cần đánh giá trung thực và công bằng mọi điều xảy ra trên thế giới. Không thể cho phép hiện hữu tiêu chuẩn kép trong các tổ chức quốc tế, nếu không sẽ cực kỳ bất lợi đối với sự phát triển và tương lai của tổ chức», - ông Mã Hữu Quân giải thích.

Trung Quốc phản đối chính trị hóa vấn đề nhân quyền

Sự sụp đổ của thế giới đơn cực

Chuyên gia Mã lưu ý rằng những nỗ lực thao túng khống chế các nước thông qua các tổ chức xã hội là dấu hiệu cho thấy tập thể phương Tây đã cạn kiệt các công cụ gây áp lực. Nếu bây giờ Nga có thể đương đầu với gói trừng phạt thứ năm, thì trong triển vọng điều đó có thể đồng nghĩa với cảnh sụp đổ đối với Hoa Kỳ và sự cáo chung của thế giới đơn cực.
Ông Mã Hữu Quân nhận xét:

«Điều đó quá rõ ràng. Hoa Kỳ và các nước phương Tây đang theo đuổi chính sách cứng rắn, tự tung tự tác trong quan hệ với Nga. Và giờ đây khi bước sang vòng trừng phạt thứ 5, Hoa Kỳ và các nước phương Tây đã cạn kiệt mọi khả năng. Thông lệ tư pháp quốc tế với góc độ quan điểm gọi là chuẩn «đạo đức» không đủ để áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga. Và nếu bây giờ Nga có thể vững vàng đối phó chống lại lệnh trừng phạt từ Hoa Kỳ và các nước phương Tây, thì điều này sẽ có tác động ngược rất lớn đối với thế giới phương Tây đứng đầu là Hoa Kỳ. Thế giới đơn cực có thể sụp đổ. Vì thế những biện pháp cưỡng chế và chính sách cưỡng chế mà Hoa Kỳ và các quốc gia khác theo đuổi nhằm chống Nga trên thực tế khác nào «vác đá ghè chân mình» tự gây hại cho chính họ».

Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina
Ngoại trưởng Nga Lavrov: mong muốn của phương Tây quay trở thế giới đơn cực là ảo tưởng
Thảo luận