Những tính toán sai lầm năm 2016
"Năm 2016, Việt Nam không từ bỏ hoàn toàn chương trình năng lượng hạt nhân mà chỉ tạm thời gián đoạn triển khai vì lý do kinh tế - tài chính. Tuy nhiên, trong hơn 6 năm qua, tình hình kinh tế Việt Nam đã thay đổi đáng kể, và thực tế trái với những tính toán đã được đưa ra để biện minh cho việc tạm dừng chương trình hạt nhân. Năm 2016, các chuyên gia Việt Nam đã giải thích rằng, nhu cầu điện năng trong nước đang giảm, họ cho rằng, sự sụt giảm này sẽ kéo dài trong thời gian dài. Tuy nhiên, trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam tăng giảm theo chu kỳ, khi đó đất nước đã trải qua giai đoạn suy thoái theo chu kỳ thường xảy ra 10-11 năm một lần. Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang tích cực phát triển theo con đường công nghiệp, rất nhiều cơ sở công nghiệp mới đang được đưa vào hoạt động. Mức sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao, kết quả là các thiết bị điện dân dụng có mặt ở hầu hết mọi nơi, không chỉ ở các thành phố mà cả nông thôn. Điều đó dẫn đến lượng tiêu thụ điện sinh hoạt không ngừng tăng lên. Vì vậy, sáu năm trước, các đánh giá về nhu cầu năng lượng và khả năng đáp ứng nhu cầu này ở Việt Nam là sai lầm".
Ngành dầu khí Việt Nam và lợi ích của doanh nghiệp Mỹ
"Tất cả những nội dung này đang được thảo luận trong bối cảnh Mỹ gây sức ép chưa từng có với tất cả các nước, trong đó có Việt Nam. Áp lực này đang tăng lên chủ yếu vì Washington cân nhắc đến lợi ích của các doanh nghiệp Mỹ, các tập đoàn trong lĩnh vực dầu khí. Theo tôi, người Mỹ từ lâu đã quyết định chiếm lĩnh ngành dầu khí của Việt Nam, và đã đạt được những tiến bộ trong việc này. Tôi nghĩ rằng, quyết định năm 2016 về chương trình hạt nhân không thể được đưa ra nếu không có ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Đồng thời, Mỹ đang xúc tiến các dự án chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo và khí đốt hóa lỏng. Cơ sở hạ tầng bao gồm kho tiếp nhận và thiết bị chứa LNG nhập khẩu đang được xây dựng. Đây là một tình huống nghịch lý. Việt Nam, quốc gia có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á đang được khai thác chủ yếu với sự tham gia của Nga, do áp lực của Hoa Kỳ phải định hướng vào việc nhập khẩu khí hóa lỏng từ Hoa Kỳ. Hơn nữa, khí thiên nhiên hóa lỏng đắt hơn nhiều so với khí thiên nhiên được sản xuất tại nước này. Việt Nam cũng bắt đầu xây dựng các cơ sở năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Tuy nhiên, với chi phí cao, chúng chỉ có thể đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của đất nước, đặc biệt là theo kinh nghiệm thế giới, các trạm năng lượng mặt trời và gió đều không thể cung cấp đủ điện năng cho các cơ sở công nghiệp lớn đòi hỏi nguồn năng lượng mạnh mẽ liên tục".
Việc sớm quay trở lại điện hạt nhân là xu hướng tất yếu
"Theo tôi, trong tương lai gần, việc quay trở lại dự án hạt nhân là điều không thể tránh khỏi, nếu không nền kinh tế Việt Nam sẽ không có đủ lượng điện năng cần thiết và mọi kế hoạch phát triển kinh tế sẽ thất bại ở mức độ này hay mức độ khác. Và cách dễ nhất để nhanh chóng khởi động lại dự án điện hạt nhân là quay trở lại những công việc đã tồn tại vào năm 2016 và những địa điểm đã được phân bổ để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân của Nga, Nhật Bản và một số quốc gia khác".
Ai có thể tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam?
"Tôi nghĩ, mặc dù tôi rất muốn sai về điều này, nhưng Nga không có cơ hội nào - vì lý do chính trị. Tất nhiên, một dự án như vậy sẽ không được trao cho Nga. Và mấu chốt ở đây không phải lập trường của Việt Nam, mà là lập trường của những người tác động đến Việt Nam theo mọi hướng. Trong khi các biện pháp trừng phạt được áp dụng đối với Nga, trong khi phương Tây tập thể đang đẩy Nga ra khỏi mọi nơi, thì liệu có thể có những dự án lớn nào? Nhiều khả năng Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, có thể cả Đài Loan sẽ dẫn đầu tại đây".
Dự án độc đáo của Nga - nhà máy điện hạt nhân nổi
"Tuy nhiên, nếu nói về các công nghệ tiên tiến, thì đại diện của PetroVietnam tại Nga, người mà tôi đã nói chuyện gần đây, lưu ý rằng, Việt Nam nên chuyển sang các dạng năng lượng hạt nhân nhỏ trong chương trình hạt nhân của mình. Tức là, không nên xây dựng những cơ sở hạt nhân khổng lồ cỡ nghìn megawatt, mà là những cơ sở có quy mô khiêm tốn hơn. Các nhà máy điện hạt nhân nổi cũng đầy hứa hẹn. Ở Nga, một dự án như vậy đã được phát triển, nhà máy điện hạt nhân nổi của Nga được đưa vào hoạt động”.
“Đây là công nghệ độc đáo, không có công nghệ tương tự ở các nước khác. Và nếu Việt Nam lựa chọn phương án này, thì, theo tôi, đây sẽ là cơ hội duy nhất để Nga quay trở lại chương trình hạt nhân của Việt Nam", - Giáo sư Mazyrin nói.