Đề xuất này xuất phát từ đâu?
Vì không thể lắp camera ở khắp mọi nơi nên lãnh đạo Cục CSGT cho rằng việc trả tiền để mua video clip của người dân là cần thiết.
Cụ thể, người dân có thể gửi clip tự quay hoặc trên camera hành trình trên xe mình tới Cục CSGT. Cục sẽ có cổng thông tin tiếp nhận toàn bộ các thông tin đó để xác minh và xử lý; có quy trình để xác minh tính khách quan, trung thực của dữ liệu.
Nếu xử phạt được người vi phạm, người ghi hình sẽ được trả một phần trong số tiền đó. Nhưng quan trọng nhất là phải xác minh để người vi phạm khâm phục khẩu phục.
Trên thực tế, nhiều quốc gia phát triển như Hàn Quốc hay Hoa Kỳ đều áp dụng hình thức phạt này. Người dân tại các quốc gia trên đã hình thành văn hoá ghi hình vi phạm và gửi cho nhà chức trách. Có người chuyên "săn" đỗ xe trái phép để gửi cho công an.
Nâng cao ý thức, văn hoá giao thông tại Việt Nam
Ngay sau khi đề xuất của Cục CSGT được đưa ra, đã có nhiều ý kiến ủng hộ. Người dân cho rằng, đây là ý tưởng hay giúp nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Dưới đây là một số ý kiến của người dân về đề xuất trên được tổng hợp trên mạng xã hội.
“Nếu đề xuất này được đồng ý thì văn hóa giao thông sẽ được phát huy, bớt mấy cái cảnh ô tô đi vào làn xe máy, đi vào làn dừng khẩn cấp trên cao tốc, vượt đèn ẩu”, tài khoản Tuấn Thanh viết.
Trong khi đó, một tài khoản khác cho rằng, văn hóa giao thông ở Việt Nam quá tệ. Do đó đề xuất này cũng có thể tác động để giải quyết nạn kẹt xe.
“Nên làm theo đề xuất trên để nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật giao thông. Riêng lỗi che biển dán số nên yêu cầu tước bằng vĩnh viễn và phạt 20-30 triệu đồng", tài khoản này cho hay.
Với việc vi phạm có thể được ghi lại tại bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào thay vì chỉ trên các tuyến cao tốc hoặc ngã ba, ngã tư có camera giám sát như hiện nay, vì vậy người dân sẽ có ý thức chấp hành luật giao thông hơn.
Bên cạnh đó, một số lượng lớn các clip vi phạm giao thông sẽ được dùng vào mục đích phạt nguội, tăng thu cho ngân sách, thay vì chỉ được đưa lên các diễn đàn mạng xã hội như hiện nay.
‘Bỏ thêm khoản tiền mua clip là chưa hợp lý’
Một bộ phận người dân cho rằng, việc phát hiện và xử lý vi phạm đã được luật quy định. Đó là trách nhiệm của lực lượng chức năng và ngân sách đã trả lương cho họ để làm việc này. Vì thế, việc phải bỏ ra thêm một khoản tiền để mua clip là không hợp lý.
Không những thế, chắc chắn sẽ có rất nhiều tình huống phát sinh trong thực tế mà cơ quan chức năng hẳn chưa lường được hết. Đơn cử, cùng một vi phạm, có nhiều người dân cùng ghi lại clip và gửi cho CSGT. Clip gửi trước chất lượng hình ảnh không rõ, clip gửi sau chất lượng tốt hơn, vậy thì sẽ trả tiền cho ai?
Và chắc chắn sẽ có rất nhiều tình huống gây tranh cãi, nếu như góc quay không phản ánh đúng thực tế trên đường.
Một điều nữa mà nhiều người quan tâm là số tiền trả cho người dân để mua clip sẽ là bao nhiêu? Mức này dựa trên căn cứ nào?
Nếu có quy định được thông qua, sẽ hình thành một đội ngũ chuyên “săn” hình ảnh vi phạm một cách chuyên nghiệp với mục đích kiếm thêm thu nhập. Khi đó, ranh giới ghi lại hình ảnh vi phạm với việc xâm phạm hình ảnh riêng tư là rất mong manh.
Thời gian qua, việc xử phạt vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát đã đem lại hiệu quả tích cực. Điều này không chỉ giúp cho CSGT bớt phải trực tiếp ra đường mà còn giúp phát hiện vi phạm kịp thời, xử lý khách quan, minh bạch.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, ngoài việc tốn thời gian xác minh người vi phạm, thiết bị phục vụ việc giám sát chưa đồng bộ và mới chỉ tập trung ở những khu vực trọng điểm nội đô, các tuyến quốc lộ.
Cơ chế khai thác, xử lý vi phạm chưa rõ ràng và triệt để cũng dẫn đến việc nhiều hành vi vi phạm được hệ thống phát hiện và ghi nhận nhưng kết quả xử lý thực tế chưa cao. Người dân lo ngại rằng, với hệ thống camera giám sát “chính thống” còn như vậy, thì cơ chế trả tiền mua clip của người dân để phạt nguội không mang tính khả thi cao.