Trước đó, hồi đầu tháng 4, Hoa Kỳ và EU đã liệt tập đoàn «Alrosa» của Nga - nhà sản xuất lượng kim cương carat lớn nhiều nhất trên thế giới - vào danh sách trừng phạt. Mà «Alrosa» chiếm 27% thị phần thế giới và 95% sản lượng khai thác kim cương của Nga. Năm ngoái, doanh số bán kim cương thô và đã qua chế tác của tập đoàn Nga đạt 4,169 tỷ USD.
«Nếu chính phủ Hoa Kỳ quyết định mở rộng biện pháp trừng phạt với toàn bộ kim cương khai thác ở Nga, bất kể là được chế tác ở đâu, thì chờ đợi chúng ta sẽ là sự gián đoạn đáng kể», - chuyên gia phân tích Edan Golan nêu với Sputnik ý kiến đánh giá tình hình.
Thiệt hại nghiêm trọng
Ông Golan lưu ý rằng động tác loại trừ việc khai thác của «Alrosa» ra khỏi thị trường thế giới sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho bản thân công ty và toàn bộ thị trường, bởi theo quan điểm của ông, phần đóng góp của «Alrosa» cho thị trường thế giới là không thể thay thế. Chuyên gia này cho rằng ảnh hưởng của trừng phạt sẽ giảm đáng kể nếu như chỉ gồm lệnh cấm đối với kim cương thô, vì trong trường hợp này, khi kim cương được chế tác bên ngoài nước Nga thì sẽ nhập khẩu bình thường vào Hoa Kỳ mà không vi phạm quy định trừng phạt.
Theo lời ông, nếu lệnh trừng phạt chống «Alrosa» vẫn duy trì đến cuối năm, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải gánh chịu mức gia tăng chi phí trang sức kim cương trong dịp mua sắm Giáng sinh và Năm Mới.
«Bất kể các lệnh trừng phạt, giá kim cương thô gần đây không tăng lắm, nhưng nếu phát sinh cảnh thiếu hụt, tất nhiên mức giá sẽ tăng. Cuối cùng, giá được thiết lập tùy thuộc vào chuyện người tiêu dùng sẵn sàng trả ra bao nhiêu, mà nếu thấy là quá đắt, người mua sẽ chuyển sang loại hàng khác», - chuyên gia nói.
Ông Ben Davis, nhà phân tích tại công ty đầu tư Liberum Capital Limited của Anh, cũng nói về vị trí không thể thiếu của thị phần Nga trong khối lượng kim cương khai thác trên thị trường thế giới.
«Chắc chắn không một nhà cung cấp kim cương thô nào có thể thay thế Nga, nhưng cũng đang ghi nhận sự phát triển nhanh chóng của chuyên ngành kim cương tổng hợp và tái chế cũng như các loại đá quý khác, hưởng lợi từ tình trạng này», - người đối thoại với Sputnik cho biết.
Ông cũng cảnh báo rằng «sự trì trệ của nền kinh tế toàn cầu có thể dẫn đến việc hạ giá kim cương thô và kết quả là giá kim cương qua chế tác cũng thấp hơn». Theo quan điểm của ông, «thậm chí cả khi Nga hoàn toàn rời khỏi thị trường, tôi không nghĩ sẽ thấy giá tăng đột ngột». Dù tin rằng mức giá trên thị trường sẽ vẫn duy trì sự ổn định tương đối, nhưng chuyên gia cũng cho rằng khó có khả năng phương Tây sẽ sớm dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống lại ngành công nghiệp kim cương của Nga và cụ thể là với tập đoàn «Alrosa».