Trận khốc liệt nhất chiến tranh Việt Nam, vì sao Mỹ quyết tái chiếm Thành cổ Quảng Trị?

Vì sao Thành cổ Quảng Trị (trận chiến thuộc một phần của Chiến dịch Xuân - Hè 1972 trong Chiến tranh Việt Nam) là nơi giao tranh quyết liệt nhất giữa Việt Nam và Mỹ, 50 năm trước?
Sputnik
Trận Thành cổ Quảng trị là một trong những trận chiến quan trọng nhất và khốc liệt nhất trong chiến tranh Việt Nam chống lại Đế quốc Mỹ.
Hoa Kỳ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã rải 328.000 tấn bom đạn với sức công phá tương đương 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ II, nhằm tái chiếm thành cổ Quảng Trị trong 12 ngày, nhưng đã phải kéo dài tới 81 ngày do vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ và anh hùng của quân và dân Việt Nam.

Trận Thành cổ Quảng Trị trong chiến tranh Việt Nam

Thành cổ Quảng Trị cũng là nơi giao tranh, đọ sức quyết liệt nhất giữa Quân đội Việt Nam và Hoa Kỳ 50 năm trước.
Năm nay, Việt Nam kỷ niệm 50 năm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Ngược lại dòng lịch sử, cần nhắc lại tóm tắt diễn biến trận Thành cổ Quảng Trị (Second Battle of Quảng Trị).
Ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneve được ký kết, mở ra tiến trình lập lại hòa bình ở Việt Nam. Vĩ tuyến 17 trở thành ranh giới chia cắt tạm thời hai miền Nam - Bắc. Một phần của Quảng Trị từ sông Bến Hải trở ra Bắc được giải phóng, phía Nam sông nằm dưới quyền kiểm soát của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Đồng thời, thị xã Quảng Trị rộng gần 3 km2 biến thành trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế - xã hội và được chính quyền Việt Nam Cộng hòa coi là tuyến phòng thủ vững chắc nhất ở miền Nam Việt Nam.
Với âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, đế quốc Mỹ đã liên tục đưa ra những thủ đoạn và chính sách để phá hoại hiệp định... Ngày 20/12/1960, tại xã Tân Lập huyện Châu Thành tỉnh Tây Ninh, đại biểu các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, các lực lượng yêu nước... đã thống nhất thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Suốt từ năm 1961 đến năm 1969, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân miền Nam đấu tranh giành nhiều thắng lợi trên các mặt trận.
Ở Quảng Trị, phong trào đồng khởi nổ ra mạnh mẽ vào những năm 1963-1964. Các phong trào trong nước phát triển mạnh mẽ thu hút sự đồng tình ủng hộ của đông đảo các lực lượng yêu chuộng tự do, công lý trên thế giới, gây nên làn sóng đấu tranh đòi quân xâm lược Mỹ chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.
Sau ngày 1/5/1972, tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Vùng đất này đã liên thông với Khu căn cứ cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế và vùng giải phóng hạ Lào rộng lớn, đặc biệt tiếp giáp với miền Bắc. Vì vậy, Quảng Trị trở thành vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, quân sự, ngoại giao...
Đầu năm 1972, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam mở chiến dịch Xuân - Hè 1972, thực hiện tấn công chiến lược trên toàn miền Nam, trong đó mặt trận Trị - Thiên (Quảng Trị, Thừa Thiên) là hướng tấn công chủ yếu.
Chỉ sau hai đợt tấn công trong chiến dịch xuân hè năm 1972, quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã chọc thủng hệ thống phòng ngự kiên cố nhất và giành được hoàn toàn tỉnh Quảng Trị vào ngày 1/5/1972.
Do bị mất căn cứ chiến lược tại Quảng Trị và nguy cơ mất tiếp tỉnh Thừa Thiên, đổ vỡ kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh, Mỹ bổ sung khí tài để quân đội Việt Nam Cộng hòa phản công chiếm lại Quảng Trị, đặc biệt là khu Thành cổ nằm sát sông Thạch Hãn.
Giữa tháng 6/1972, quân đội Việt Nam Cộng hòa phản công hòng chiếm lại Quảng Trị. Một trong những điểm tấn công có ý nghĩa chiến lược là khu vực Thành cổ.
Đặc biệt, đây cũng chính là trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam - được mệnh danh là “mùa hè đỏ lửa”, với sự huy động hỏa lực lớn chưa từng có.
Trong 81 ngày đêm, từ 28/6 đến 16/9/1972, hai bên giằng co từng mét đất, từng ngôi nhà. Để hậu thuẫn cho quân đội Việt Nam Cộng hòa, Mỹ đã huy động máy bay B52 ném bom cùng pháo hạm bắn phá thị xã Quảng Trị và Thành cổ.
Trong 81 ngày đêm, ngôi thành cổ diện tích chỉ 3 kilimet vuông phải hứng chịu 328.000 tấn bom và đạn pháo, sức công phá tương đương 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ II.
Bom đạn đã phá hủy hoàn toàn thị xã Quảng Trị. Thành cổ cũng bị phá nát hoàn toàn. Hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống trong trận chiến khốc liệt này. Để giữ trận địa, Quân giải phóng đã liên tục bổ sung quân số. Dòng sông Thạch Hãn cũng trở thành “túi hứng bom đạn”. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh trong lúc vượt sông vào Thành cổ.
Ngày 16/9/1972, quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã chủ động rút khỏi Thành cổ sau khi đã gây tổn thất nặng nề cho địch.
Trong 81 ngày đêm, Thành cổ Quảng Trị liên tục được nhắc đến trong bản tin thời sự của các hãng thông tấn lớn trên thế giới, gây chấn động nước Mỹ và dư luận quốc tế, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký kết hiệp định Paris với các điều khoản có lợi cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Đồng thời, cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã trở thành khúc tráng ca bất tử của dân tộc Việt Nam, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Kết quả của chiến dịch đã làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo thế và lực mới cho quân ta, góp phần quan trọng dẫn đến thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thảm sát Mỹ Lai: Tội ác chiến tranh và ký ức kinh hoàng người Mỹ gây ra ở Việt Nam

Vì sao thành cổ quảng trị là nơi đọ sức quyết liệt nhất giữa việt nam và mỹ 50 năm trước?

Đánh giá lại sự kiện lịch sử này, TS. Vũ Cương Quyết, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng khẳng định, Thành cổ Quảng Trị lại là nơi đọ sức quyết liệt nhất trong chiến dịch này. Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với VOV, tướng Vũ Cương Quyết cho biết, tỉnh Quảng Trị có vị trí hết sức đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Quảng Trị là mảnh đất địa đầu, nơi ngăn chia hai miền Nam - Bắc, chia cắt đất nước ta từ sau Hiệp định Geneve.

“Trong cuộc tiến công chiến lược Xuân – Hè năm 1972 thì Quảng Trị là tỉnh đầu tiên được giải phóng hoàn toàn. Với thắng lợi này thì chúng ta đã buộc Mỹ - ngụy phải chấp nhận những điều khoản do chúng ta đề xuất trên bàn đàm phán Paris”, - tướng Quyết nói.

Thứ hai, Quảng Trị, trong đó có thành cổ Quảng Trị là mục tiêu tượng trưng mà Mỹ - ngụy ra sức tái chiếm chính là nhằm giành được lợi thế ở Hội nghị Paris.
Theo Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, Mỹ hy vọng, nếu giành được thắng lợi trong cuộc tái chiếm này sẽ có ý nghĩa tuyên truyền rất lớn, kích động binh lính, lừa bịp dư luận quốc tế về chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh.

“Mặt khác, Mỹ - ngụy mở cuộc tái chiếm này cũng là nhằm để cứu vớt, lấy lại danh dự sau khi hứng chịu hàng loạt những thất bại trong Chiến dịch Xuân Hè của ta”, - tướng Vũ Cương Quyết chỉ rõ.

Bên cạnh đó, năm 1972, cũng là năm bầu cử Tổng thống Mỹ, vì lẽ đó, Richard Nixon cũng muốn giành được chiến thắng để có được lợi thế trong cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vài tháng sau đó. Đó là những lý do mà Mỹ - ngụy đã tập trung mọi nỗ lực cố gắng và mọi khả năng để tái chiếm Quảng Trị. Tuy nhiên, như chúng ta thấy, cuộc tái chiếm này đã không thành công.
Nhờ vị trí địa lý đặc biệt, nhất là lại diễn ra trong thời điểm hết sức nhạy cảm mang tính quyết định nê Thành cổ Quảng Trị thành nơi đọ sức quyết liệt giữa Việt Nam và Quân đội Mỹ - Ngụy 50 năm trước.

“Thành cổ Quảng Trị lại là nơi đọ sức quyết liệt nhất trong chiến dịch này. Như trên tôi đã nói về ý đồ của Mỹ khi mở cuộc tiến công tái chiếm Quảng Trị. Trong khi đó, chúng ta thấy, Thành cổ Quảng Trị là một chốt chặn quan trọng nhất phục vụ cho ý định phản công chiến lược của ta. Việc giữ được thị xã và Thành cổ Quảng Trị sẽ tạo điều kiện để ta chuyển vào phòng ngự được thuận lợi, thực hiện mục tiêu chiến lược đã xác định”, - tướng Quyết nói.

Thứ hai, cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị diễn ra trong một thời điểm nhạy cảm, đó là hội nghị đàm phán Paris đang diễn ra. Lúc này, mọi thành bại trên chiến trường đều trực tiếp tác động tới vị thế của từng bên trong Hội nghị Paris.
Vì vậy, địch nỗ lực tái chiếm bằng được còn ta thì quyết tâm cao nhất để giữ cho được vị trí đặc biệt quan trọng này. Vì thế mà Thành cổ Quảng Trị là nơi đọ sức quyết liệt nhất, là đỉnh cao về tính quyết liệt nhất trong chiến dịch này (Chiến dịch Xuân - Hè 1972 trong Chiến tranh Việt Nam – PV).
Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 2 chia sẻ với VnExpress, bên cạnh ý nghĩa về địa lý, quân sự, thành cổ Quảng Trị có vai trò quan trọng về mặt chính trị, ngoại giao, là biểu tượng cho ý chí của mỗi bên. Mọi thành bại trên chiến trường này sẽ tác động trực tiếp tới vị thế các bên trong cuộc đàm phán ở Paris. Theo đó, nếu quân và dân Việt Nam giữ được thành cổ càng lâu, lợi thế phái đoàn ngoại giao của ta tại Hội nghị Paris càng lớn.

“Mỹ muốn sớm cắm được cờ ở thành cổ để ép ta ký hiệp ước với điều khoản có lợi cho họ, nhưng ta không để điều đó xảy ra”, - tướng Huy nói và nhấn mạnh, đây chính là yếu tố khiến cuộc chiến bảo vệ thành cổ Quảng Trị khốc liệt và kéo dài gần 3 tháng.

Thế giới không nên trải qua chiến tranh đau thương như đã từng xảy ra ở Việt Nam

Làm lung lay nước Mỹ

Lý giải vì sao thắng lợi của quân và dân Việt Nam trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ đã trở thành vấn đề chính trị trung tâm làm lung lay nước Mỹ, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng cho biết, thắng lợi của cuộc Tiến công chiến lược Xuân-Hè 1972 giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu phòng ngự 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ như một động lực bùng nổ, tiếp sức cho phong trào chống chiến tranh ở Việt Nam dâng cao chưa từng có ngay trong lòng nước Mỹ.
Nhân dân trên đất Mỹ đã biểu tình, phản kháng đòi Mỹ rút nhanh, rút hết quân Mỹ về nước, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương.

“Chúng ta giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ đã chứng minh cho ý chí Việt Nam, sức mạnh Việt Nam, điều này đã trực tiếp đẩy Mỹ đến thất bại hoàn toàn trên chiến trường, cũng như trên bàn đàm phán của Hội nghị Paris”, - tướng Quyết khẳng định.

Vì thế, cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ đã trở thành vấn đề chính trị trung tâm làm lung lay cả nước Mỹ.

Bài học từ trận chiến Thành cổ Quảng Trị

Theo tướng Nguyễn Đức Huy, bài học lớn nhất rút ra sau trận chiến bảo vệ thành cổ Quảng Trị là sự hiệp đồng tác chiến, hỗ trợ lẫn nhau của lực lượng trong và ngoài thành, giúp đánh bật nhiều đợt tấn công.
Nguyên Phó tư lệnh Quân khu 2 cho rằng, nếu chỉ có lực lượng trong thành cổ, quân và dân Việt Nam khó đứng vững trước hỏa lực của địch.

“Nhờ sự phối hợp tác chiến của 6 sư đoàn chủ lực vòng ngoài, ta tiêu diệt, kéo địch ra ngoài. Ngoài ra, còn có rất nhiều lực lượng khác, như dân quân, du kích. Nhờ sức mạnh tổng hợp, ta mới giành được thắng lợi”, -tướng Huy nêu rõ.

Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng Thiếu tướng Vũ Cương Quyết nhấn mạnh, ở phạm vi kế thừa, phát triển những giá trị lịch sử đó vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần phải xây dựng được lòng tự hào dân tộc, xây dựng được niềm tin, ý chí kiên cường, đoàn kết, dũng cảm cho mọi thành phần lực lượng, ở các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là lực lượng vũ trang trong mọi điều kiện, môi trường, hoàn cảnh.
Như đã thấy, trong Chiến dịch bảo vệ Thành cổ, Mỹ - ngụy đã sử dụng số lượng bom đạn có sức hủy diệt tương đương với 7 quả bom nguyên tử năm 1945, chúng cũng huy động những lực lượng, vũ khí mạnh nhất trong cuộc tái chiếm này.
Có thể nói, mỗi một mét vuông, tấc đấc trong thành cổ Quảng Trị đều thấm đẫm máu xương của đồng bào, chiến sĩ.

“Trong gian khó, ác liệt như thế nhưng chúng ta vẫn giữ vững bản lĩnh, niềm tin và ý chí chiến đấu, dù phải hy sinh đến người cuối cùng cũng không rời trận địa. Tôi cho rằng, điều này cần tiếp tục được giáo dục, được truyền thụ, được nhắc đến trong bối cảnh hiện nay và mai sau”, -Thiếu tướng Vũ Cương Quyết nhấn mạnh.

NI nêu tên loại máy bay chiến đấu nổi bật của Liên Xô trong Chiến tranh Việt Nam
Thảo luận