Quan hệ tình dục dưới 14 tuổi tăng gấp 2 lần: Trách nhiệm phụ huynh đến đâu?

HÀ NỘI (Sputnik) – Tỷ lệ trẻ quan hệ tình dục dưới 14 tuổi tăng mạnh khiến nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng. Đây là tình trạng đáng báo động. Cùng Sputnik trò chuyện với Tiến sỹ giáo dục Nguyễn Thụy Anh để lắng nghe đánh giá, phân tích và chia sẻ về phương pháp giáo dục giới tính ở độ tuổi vị thành niên.
Sputnik

Vì sao tỷ lệ quan hệ tình dục trước 14 tuổi tăng gấp 2 lần?

Thưa bà, mới đây Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố báo cáo "Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019”. Trong đó, có thông tin đáng chú ý là tỷ lệ quan hệ tình dục trước 14 tuổi tăng gấp 2 lần, từ 1,45% (năm 2013), tăng lên 3,51% (năm 2019). Bà nghĩ sao về con số này?
Tiến sỹ giáo dục Nguyễn Thụy Anh
Con số này lập tức mang đến cho tôi cảm xúc lo lắng. Điều này đặc biệt đáng lo trong bối cảnh chúng ta chưa quan tâm đủ đến việc giáo dục giới tính, đến việc hướng dẫn các bậc phụ huynh và thầy cô trò chuyện với trẻ mới lớn về chủ đề cảm xúc khác giới - tình yêu - tình dục, đến việc cung cấp các thông tin liên quan và hướng dẫn kỹ năng bảo vệ sức khỏe sinh sản cho học sinh phổ thông.
Xét về góc độ giáo dục và tâm lý, theo bà nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do đâu? Và xin bà chia sẻ một số sai lầm mà các phụ huynh thường mắc phải trong quá trình giáo dục giới tính và tình dục cho trẻ?
Tôi cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Ban đầu có thể chỉ là do trẻ tò mò, “a dua” nhau, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với các kênh thông tin 18+, các hình ảnh, video “đen” phát tát khá nhiều trên mạng. Trẻ thấy đó là một cách chứng minh sự tự lập, tự chủ, trưởng thành của mình. Bên cạnh đó, nguyên nhân còn có thể là:
sự thay đổi hooc-môn đột ngột, những xáo trộn trong sinh lý của cơ thể không được hỗ trợ chia sẻ, lý giải kịp thời;
stress, căng thẳng, áp lực trong cuộc sống học đường;
sự nhàm chán trong sinh hoạt, học tập mỗi ngày – trẻ không tìm thấy niềm vui trong các hoạt động chung với bạn bè cùng lứa tuổi, mất động lực học, lao động, giao tiếp;
trẻ cảm thấy cô đơn trong gia đình, đắm chìm vào game, các mối quan hệ mới và thử nghiệm tình dục…
Một nguyên nhân lớn, theo tôi, đó chính là trẻ chưa nhận được sự giáo dục giới tính một cách có hệ thống và đầy đủ. Người lớn tránh nói đến đề tài bạn trai, bạn gái, tình yêu, tình dục với trẻ. Càng lảng tránh, cấm đoán, trẻ càng tò mò, càng muốn tự tìm hiểu. Và trong quá trình tự tìm hiểu, trẻ sa đà vào những kênh thông tin mang lại các thông điệp lệch lạc hoặc kích thích trẻ thử nghiệm.
Trường học ở Việt Nam còn “ngại dạy” giáo dục giới tính?
Các nhà tâm lý học cho rằng, càng được trang bị kiến thức về giới tính và tình dục đầy đủ, trẻ sẽ ít gặp vấn đề bị xâm hại, tuổi bắt đầu quan hệ tình dục cũng muộn hơn và giảm khả năng lây bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục. Điều này được chứng minh qua thực tế ở một số nước châu Âu đã tích cực triển khai chương trình “Chuẩn giáo dục giới tính – tình dục” cho giới trẻ như Bỉ, Thụy Điển, Đức, Hà Lan, Na Uy... Họ sản xuất những đoạn phim ngắn, xây dựng các kênh thông tin phong phú trên mạng internet và nghiêm túc mở rộng chương trình giáo dục giới tính ở trường học. Các em nhận được thông tin – và là thông tin đáng tin cậy – sẽ có ý thức hơn trong việc tự bảo vệ mình, bảo vệ bạn, nghiêm túc hơn trong mọi quyết định của mình.
Ở Việt Nam hiện nay, tôi thấy nhiều nhà xuất bản, các công ty sách đã quan tâm đến chủ đề này. Trên thị trường sách hiện có rất nhiều ấn phẩm với cách diễn giải thú vị, nhẹ nhàng dành cho các bạn nhỏ về chủ đề này. Một số ấn phẩm dành cho trẻ dậy thì và vị thành niên nghiêm túc nói về con trai, con gái, các vấn đề tâm sinh lý, các biểu hiện mới lạ trong cơ thể khi con dần lớn, thậm chí cả các khái niệm liên quan đến tình dục… Tuy nhiên, các phụ huynh có tiếp cận được những ấn phẩm ấy không và có muốn con tiếp cận những ấn phẩm ấy không mới là một rào cản lớn. Nhiều phụ huynh chưa ý thức được, chủ đề “Tình bạn – tình yêu – tình dục” là chủ đề không nên bỏ qua trong các câu chuyện nói với con. Thâm chí, tệ hơn, nhiều bố mẹ còn bày tỏ những cảm xúc tiêu cực khi nói đến sự rung động giữa bạn nam bạn nữ. Thái độ và phương pháp – đó chính là những điều các bố mẹ cần được đào tạo và trang bị để hỗ trợ con trưởng thành tự tin, chủ động bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng.

Làm gì để giáo dục giới tính hiệu quả?

Trên thực tế hiện nay, tuổi vị thành niên có khuynh hướng bước vào đời sống tình dục từ khi còn quá trẻ, trước khi hoàn toàn trưởng thành về mặt tâm sinh lý. Vì vậy, làm thế nào để giáo dục giới tính cho lứa tuổi vị thành niên một cách hiệu quả?
Muốn giáo dục giới tính hiệu quả thì không nên đợi đến tuổi vị thành niên rồi mới giáo dục, như người ta thường nói: “Mất bò mới lo làm chuồng”.
Cần phải có một chương trình cụ thể, dài hơi, có hệ thống, bao quát các lứa tuổi từ mầm non cho đến các cấp. Các hình thức giáo dục cũng phải đa dạng, phong phú, lôi cuốn phù hợp với lứa tuổi như tổ chức các hoạt động khám phá, trò chơi, dự án, phỏng vấn, khảo sát… Các bài tập được thiết kế như những dự án nghiên cứu nhỏ về cơ thể và cảm xúc mình; các buổi thảo luận, chia sẻ, trò chuyện thật lòng, chân thành và tin cậy; các cuộc giao lưu với chuyên gia về sức khỏe, về các vấn đề tâm sinh lý tuổi dậy thì.v..v – đó là những hoạt động trải nghiệm giúp học sinh dần tự đưa ra được các kết luận cần thiết trong việc quý trọng cơ thể mình, ứng xử phù hợp với các mối quan hệ xã hội, trân trọng cảm xúc của mình, của bạn, coi trọng rung động đầu đời của mình…
Multimedia
Holi - Ngày hội mùa xuân, tình yêu và rực rỡ màu sắc
Khi con bắt đầu lớn, sự tò mò muốn tìm hiểu thế giới mạnh hơn các lứa tuổi khác, đồng thời về mặt tâm sinh lý cũng có những phát triển đột biến, hooc-mon thay đổi, cơ thể cũng nhiều thay đổi. Thời nay, bọn trẻ bắt đầu dậy thì tương đối sớm. Đây chính là lúc cha mẹ cần để ý đến chúng nhiều nhất để chia sẻ, hướng dẫn những vấn đề thắc mắc, băn khoăn về giới tính, về cơ thể mình mà đôi khi chúng ngại ngùng không dám nói ra. Trẻ tuổi này thường rất dễ cảm thấy tự ti với cơ thể mình, đồng thời quan tâm đến cơ thể người khác, dễ bị ám ảnh với những hình ảnh hay sự va chạm với người khác giới. Với thời đại truyền thông bùng nổ, các kênh truyền hình, trang mạng… và khắp nơi trong xã hội vẫn vô tình cung cấp thông tin cho đứa trẻ về những điều bố mẹ vốn cho là cấm kỵ. Bọn trẻ vẫn tìm cách thoả mãn trí tò mò của mình và chỉ khi nào bắt gặp “tận tay” trẻ xem những clip cấm, chúng ta mới tá hoả lên, cho rằng nó đã hư, đã rất có vấn đề. Trẻ sẽ bớt quan tâm đến những hình ảnh không lành mạnh khi chúng ta hướng năng lượng của chúng vào các hoạt động bên ngoài, nâng cao thể lực. Bố mẹ rất nên cùng con tìm hiểu xem có thể theo học một môn thể thao nào đó như đá bóng, võ thuật hay nhảy hip hop không. Những kỹ năng thể thao, nhảy múa luôn khiến đứa trẻ giải phóng được sự tự ti về cơ thể, hướng chúng đến các hành vi tích cực và lành mạnh, từ đó mà tư duy cũng mạch lạc, trong sáng hơn.

“Hãy sớm nói với con về tình yêu một cách trân trọng”

Xin bà chia sẻ thêm, bà đang giáo dục giới tính cho con mình thế nào và liệu có sẵn sàng chia sẻ trò chuyện với con mình về tình dục an toàn không, thưa bà?
Từ nhỏ, tùy từng độ tuổi, tôi đã trò chuyện với con về những vấn đề liên quan đến giới tính với những câu hỏi tò mò thường xuất hiện ở các bạn nhỏ như “Con sinh ra từ đâu?”, “Vì sao con trai phải nhường con gái?” “Vì sao con gái hay được/bị gọi là phái yếu, con trai được/bị gọi là phái mạnh?”… Với các bạn nhỏ mầm non và tiểu học, các kiến thức xung quanh sự khác biệt về giới có thể đưa vào các câu chuyện có nhân vật. Dần dần, khi con lớn hơn, tôi cũng từng thảo luận với con theo những chủ đề con được học trên lớp như cơ thể người, việc vệ sinh thân thể phù hợp…. Sau này, tôi mua sách để vào phòng con. Ví dụ, những cuốn sách như “Những điều con trai cần biết”, “Dậy thì có gì phải sợ?”. Đọc sách là phương án khá tốt cho việc này, với điều kiện sau đó, bố hoặc mẹ cần thảo luận về những vấn đề liên quan để biết chắc chắn là con có đọc.
Về câu chuyện tình dục an toàn, tôi luôn sẵn sàng tìm cách tâm tình với con, nhưng trong những năm qua, đó là điều bố và con trai vẫn nói chuyện riêng với nhau. Cá nhân tôi cho rằng, trước khi nói đến tình dục, cần nói với nhau về tình bạn, tình yêu với thật nhiều cảm xúc trân trọng, nâng niu. Đó cũng là nhu cầu được nói, được nghe của các bạn trẻ.
Cảnh báo 'shock' tâm lý khi học sinh đi học trở lại
Tình cảm yêu đương luôn nảy nở một cách tự nhiên và rất cần thiết cho những đứa trẻ đang chuẩn bị bước vào đời. Không thể cấm được nó. Cũng không được quyền vùi dập nó. Cũng chính vì thế mà, hãy sớm nói với con về tình yêu một cách trân trọng, từng bước mở rộng từng cung bậc cảm xúc, những câu chuyện đẹp đẽ xung quanh nó, câu chuyện tình yêu của chính bạn thời đi học, câu chuyện tình cảm giữa bố mẹ để đi đến hôn nhân. Điều này sẽ khiến đứa trẻ có cảm xúc tích cực với từ Tình Yêu, không hãi sợ nó, có thể mơ mộng về nó nhưng qua lời kể của bố mẹ, đứa trẻ xây dựng cho mình một “bộ giá trị” tích cực đi kèm với khái niệm tình yêu. Và đó cũng sẽ là một trong những động lực giúp trẻ sống lành mạnh, chưa vội quyết định quan hệ tình dục để có thể giữ gìn cảm xúc trong trẻo của tình yêu học trò.
Sputnik xin cảm ơn bà về những chia sẻ hết sức ý nghĩa !
Thảo luận