Việt Nam nổi lên với tư cách là một nhà lãnh đạo thực sự

Đại sứ Hoa Kỳ Marc Evans Knapper nhận định Việt Nam đi đầu trong xây dựng quan hệ hợp tác mạnh mẽ giữa Mỹ và ASEAN. Hà Nội cũng là đối tác hàng đầu của Washington về hợp tác an ninh hàng hải, tự do cởi mở ở Biển Đông.
Sputnik
Ông Knapper kỳ vọng, Mỹ sẽ có thể nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược với Việt Nam.

Việt Nam là đối tác hàng đầu của Mỹ về an ninh hàng hải

Như Sputnik đã thông tin, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trải qua những thăng trầm và đột phá, từ khi bắt đầu bình thường hóa quan hệ năm 1995, đã không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên từng coi nhau là “cựu thù”, giờ đã thành bạn bè, đối tác quan trọng của nhau.
Mối quan hệ toàn diện này, theo đúng lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính – người đứng đầu Chính phủ Việt Nam - là vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới
Đánh giá về chuyến thăm Mỹ dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Đại sứ Marc Evans Knapper cho rằng, đây là dịp để Mỹ và ASEAN kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ và nhân cơ hội này, tìm cách phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa Mỹ và các nước thành viên nói riêng, với cả ASEAN nói chung.
“Chúng ta đã có quan hệ mật thiết trong các lĩnh vực từ hợp tác hàng hải, quan hệ nhân dân, đến giáo dục và y tế, nhưng vẫn mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác”, - nhà ngoại giao Hoa Kỳ nói.
Nhận xét về các đóng góp, sáng kiến, tuyên bố của Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ lần này, trong cuộc trao đổi với báo Vietnamnet, Đại sứ Knapper cho rằng, Washington đánh giá cao và trân trọng vai trò lãnh đạo mà Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đảm nhận trong nhiều lĩnh vực.
Patrick Leahy - một người Mỹ yêu Việt Nam sắp thăm Hà Nội

“Ví dụ, về hợp tác hàng hải, Việt Nam là một đối tác hàng đầu của Mỹ trong việc tăng cường quan hệ giữa lực lượng Tuần duyên của Mỹ và Cảnh sát biển của Việt Nam. Tôi nghĩ mối quan hệ này có thể trở thành một hình mẫu cho các quốc gia khác trong ASEAN”, - ông Knapper dẫn chứng.

Nhà ngoại giao từng tốt nghiệp Đại học Princeton và Thạc sĩ tại Trường Chiến tranh Quân đội Hoa Kỳ chia sẻ, Hà Nội là nơi đặt trụ sở Văn phòng khu vực của Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC), nơi cung cấp sự hỗ trợ cấp khu vực cho việc giải quyết các vấn đề y tế trong khu vực và trên toàn cầu.

“Việt Nam đang đi đầu trong việc xây dựng quan hệ hợp tác mạnh mẽ hơn giữa Mỹ và ASEAN”, - ông Marc Knapper khẳng định.

Việt Nam đang nổi lên như nhà lãnh đạo thực sự

Đã hơn 27 năm kể từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ, đã có 4 vị Tổng thống Mỹ liên tiếp đến thăm Việt Nam.
Trong đó, đáng chú ý là các chuyến thăm của Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama, Donald J. Trump. Hay như vào thời điểm khó khăn của đỉnh dịch COVID-19 năm 2021, Phó Tổng thống Kamala Harris đã tới thăm Việt Nam.
Tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joe Biden đã gặp nhau tại Hội nghị COP26 tại Anh và sau đó là giữa tháng 5 này tại Washington.
Kinh tế thương mại là lĩnh vực đáng chú ý trong quan hệ Việt – Mỹ. Năm 2021, kim ngạch thương mại Hoa Kỳ-ASEAN đạt 362 tỷ USD thì kim ngạch giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 112 tỷ USD, chiếm gần 1/3.
Việt Nam và Mỹ đã vượt qua được những khác biệt và đạt được những nguyên tắc nền tảng cho quan hệ hai nước, như đã được khẳng định trong Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ vào năm 2015, trong đó nhấn mạnh tôn trọng "thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau".
Việt Nam cũng đánh giá cao trong những năm qua Hoa Kỳ luôn ủng hộ một Việt Nam hùng mạnh, độc lập và thịnh vượng.
Trong cuộc trao đổi với tờ báo thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, Đại sứ Knapper cũng có đánh giá về phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) rằng, Việt Nam đề cao chủ nghĩa đa phương, hòa bình hợp tác phát triển, luật pháp quốc tế, trong đó cam kết Việt Nam là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tuyên bố về kinh tế, Việt Nam muốn trở thành nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới hiện nay. Về ứng phó biến đổi khí hậu là thực hiện các cam kết theo Thỏa thuận Paris và COP26.
Đại sứ Marc Knapper: Quan hệ Việt – Mỹ chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay
Theo ông Knapper, Mỹ rất hoan nghênh vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong khu vực và trên toàn cầu.
Nhà ngoại giao nhắc lại việc Việt Nam đăng cai hội nghị APEC năm 2017, là Chủ tịch ASEAN năm 2020, là ủy viên không thường trực của HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.

“Việt Nam nổi lên với tư cách là một nhà lãnh đạo thực sự trên trường khu vực và quốc tế. Đây là điều chúng tôi vô cùng hoan nghênh và đánh giá cao”, - ông Knapper bày tỏ.

Đại sứ dẫn phát biểu của người đứng đầu Chính phủ Phạm Minh Chính cho thấy, các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ bao gồm chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, tăng cường sức chống chịu của chuỗi cung ứng và đổi mới công nghệ.

“Chính phủ Mỹ sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong những lĩnh vực then chốt này”, - Đại sứ Hoa Kỳ cam kết.

Trong đó, biến đổi khí hậu đương nhiên là một vấn đề nổi bật trong chuyến thăm của cựu Ngoại trưởng Mỹ, và bây giờ là Đặc phái viên của Tổng thống về khí hậu John Kerry đến Việt Nam tháng 2 vừa qua và trong cuộc gặp tuần trước của ông với Thủ tướng Phạm Minh Chính ở Boston.
Theo Đại sứ Hoa Kỳ Knapper, rõ ràng, Hà Nội và Washington có vị thế thuận lợi để phối hợp chặt chẽ với nhau.
Đồng thời, Mỹ rất sẵn sàng hợp tác với Việt Nam, dù là về tài chính khí hậu, hay giúp đáp ứng các nhu cầu về công nghệ, hỗ trợ nguồn nhân lực và chuyên môn giúp Việt Nam đối phó với các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đến việc thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh.

“Mỹ cam kết 100% đối với việc hợp tác trong các lĩnh vực này, để giúp Việt Nam chuyển đổi xanh và sạch thành công”, - ông Evans Knapper nhấn mạnh.

“Chúng tôi muốn có quan hệ mạnh mẽ với Việt Nam”

Đại sứ Knapper cho rằng, một trong những điều kiện thuận lợi mà Hà Nội và Washington có thể tận dụng được trong quan hệ với ASEAN là sự hiện diện vững chắc của Mỹ trong khu vực.
Ông dẫn chứng, đầu tư của Mỹ vào các nước ASEAN đã đạt hơn một nghìn tỷ USD, nhiều hơn tổng giá trị đầu tư của 3 quốc gia xếp sau Mỹ cộng lại.

“Chúng tôi có những công ty hàng đầu trên thế giới. Thông qua những khoản đầu tư lớn của Mỹ trong khu vực, chúng tôi hàng ngày đang đóng góp vào những nỗ lực của các quốc gia ASEAN trong chuyển đổi nền kinh tế, ứng phó với các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, đẩy mạnh tự do hàng hải và hàng không, củng cố hợp tác y tế, và nhiều lĩnh vực khác”, - theo ông Knapper.

Nhà ngoại giao cho rằng, Mỹ muốn quan hệ vốn đã phát triển mạnh mẽ với ASEAN càng trở nên mạnh mẽ hơn, và trong ASEAN.

“Chúng tôi mong có quan hệ mạnh mẽ với Việt Nam”, - Đại sứ Knapper nêu rõ.

Một trong những kết quả quan trọng của hội nghị Cấp cao đặc biệt này là Mỹ và ASEAN đã cam kết nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

“Chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai gần, Mỹ sẽ có thể có được kết quả tương tự với Việt Nam, đó là nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược”, - ông Knapper không giấu giếm.

Đại diện chính quyền Biden – Harris tin tưởng rằng, các nỗ lực chung của hai nước nhằm thúc đẩy một Việt Nam vững mạnh, độc lập và thịnh vượng đòi hỏi một mối quan hệ đối tác chiến lược.
Thủ tướng Campuchia: Các nước ASEAN không lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ

Đưa người Mỹ và người Việt Nam đến gần nhau nhất

Ông Knapper cũng lưu ý, Mỹ “tham gia ở Việt Nam” không chỉ ở cấp Chính phủ mà còn có cả sự vào cuộc của tư nhân. Ông nhắc lại việc Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc gặp với Microsoft, Google, Intel, Apple.

“Trong các cuộc gặp tuyệt vời này, tất cả các công ty Mỹ đều muốn tham gia vào quá trình chuyển đổi đang diễn ra ở Việt nam, bởi nền kinh tế số là đầu tàu cho sự thịnh vượng, không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên phạm vi toàn cầu”, - nhà ngoại giao kỳ cựu nhấn mạnh và cho biết, Hoa Kỳ muốn hợp tác với Việt Nam “hết sức có thể”.

Trong nhiệm kỳ của mình, ông Knapper cho biết, mục tiêu cuối cùng của ông là củng cố quan hệ đối tác, làm sâu sắc hơn tình hữu nghị giữa hai quốc gia thông qua việc tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư; qua việc thúc đẩy hợp tác giáo dục.
Hai bên có thể tăng cường tình hữu nghị bằng cách làm sâu sắc hợp quan hệ hợp tác giữa hai hệ thống y tế, và tìm cách xây những cây cầu kết nối các bệnh viện của Việt Nam và Mỹ, kết nối các trường đại học, vì mục đích giáo dục, tìm cách đưa nhiều thanh niên Mỹ đến với Việt Nam và ngược lại.
Ông Knapper muốn đưa người Mỹ và người Việt Nam xích lại gần nhau nhất có thể.
Trong bài phát biểu của mình trên đất Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán là kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả với bên ngoài. Đường lối đổi mới dựa trên 3 trụ cột.
Trong đó có xóa quan liêu bao cấp, thực hiện đa sở hữu và hội nhập. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của các doanh nghiệp, đối tác đầu tư, kinh doanh lâu dài, hiệu quả, bền vững trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro và tuân thủ pháp luật.

“Việt Nam mong muốn là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề khu vực, quốc tế và những thách thức toàn cầu vì sự thịnh vượng chung”, - người đứng đầu Chính phủ đúc kết.

Thảo luận