“Máy bay lai” convertiplane có tương lai không?

Máy bay lai convertiplane là một trong những loại máy bay gây tranh cãi nhất. Giới chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực hàng không đưa ra những ý kiến khác nhau, cân nhắc xem sự hiện diện của máy bay lai có thật sự cần thiết hay không, ước lượng hiệu quả kỹ thuật và hiệu quả kinh tế.
Sputnik
Tuy nhiên, quá trình phát triển những chiếc máy như vậy đang tiếp tục, kể cả ở Nga. Gần đây, tại triển lãm HeliRussia-2022, công ty kỹ thuật nhỏ WASP Aircraft đã giới thiệu một dự án trong lĩnh vực này.

Tiếp cận vấn đề từ một góc nhìn mới

Dự án của WASP Aircraft là khá bất thường. Convertiplane - phương tiện bay kết hợp những tính năng của các dòng trực thăng và máy bay cánh cố định - vẫn chưa được phổ biến rộng rãi trong ngành hàng không phi quân sự. Các kỹ sư Nga đang phát triển phương tiện bay ở cả phiên bản có người lái và không người lái, convertiplane được trang bị động cơ nhỏ gọn.
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền của Sputnik, ông Alexander Shishov, giám đốc điều hành của công ty WASP Aircraft, cho biết:
“Dự án của chúng tôi là convertiplane với hệ thống truyền động có bộ phận lực (tức là rôto). Các công việc thiết kế chế tạo bao gồm một số "khối". Khối đầu tiên là sơ đồ thiết bị. Khối thứ hai là hệ thống cung cấp nhiên liệu cho các động cơ. Khối thứ ba là động cơ kích nổ xung phản lực. Nó khác với động cơ máy bay phản lực truyền thống ở chỗ: động cơ kích nổ xung phản lực là khá mạnh nhưng có trọng lượng rất nhẹ: một động cơ nặng dưới 1 kg. Trọng lượng của động cơ là một chỉ số rất quan trọng khi bản thân bộ máy có rôto (cánh quạt) có lực đẩy phản lực, tức là khi động cơ nằm ở cuối cánh quạt và phải chịu quá tải gấp 200 lần trong quá trình cánh quạt quay”.
Ông Alexander Shishov chắc chắn rằng, convertiplane có một tương lai đầy hứa hẹn. Phải nhìn sự việc với con mắt khách quan: convertiplane kết hợp những ưu điểm của máy bay (cánh nâng) và trực thăng (cất cánh và hạ cánh thẳng đứng). Tức là phương tiện bay này rất hiệu quả khi bay trên quãng đường dài và không phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng tại địa điểm cất cánh và hạ cánh. Tuy nhiên, cũng có một số khó khăn kỹ thuật.
Ông Alexander Shishov nói: “Ví dụ, thiết bị chuyển đổi cánh quạt, động cơ, cánh cần phải có một hệ thống truyền động và điều khiển rất phức tạp. Do đó, các loại convertiplane hiện có trên thị trường hóa ra là những thiết bị cực kỳ đắt tiền cả về chi phí xây dựng và chi phí vận hành”.
Buồng lái của convertiplane WASP có người lái

Đơn giản nhưng đáng tin cậy

Tuy nhiên, phương tiện bay của công ty WASP Aircraft có thể rẻ hơn đáng kể và đáng tin cậy hơn so với các máy bay cùng loại. Tại sao?

“Convertiplane của chúng tôi không có động cơ bên trong thân máy bay, không có bất kỳ bộ truyền động nào. Rôto (trục vít) được lắp trên dầm cột buồm, bên trong nó chỉ có ống dẫn nhiên liệu. Tức là, quá trình chuyển đổi phương tiện bay "từ trực thăng sang máy bay và quay trở lại" rất đơn giản và đáng tin cậy, chỉ bằng cách nâng cao và hạ thấp dầm cột buồm và quay các cánh. Thiết kế của convertiplane liên quan đến việc gắn cột buồm với rôto trực tiếp vào "tâm khối lượng". Đối với bất kỳ kỹ sư nào, điều hiển nhiên là nhờ đó việc điều khiển máy bay là tốt nhất. Điều đó giúp phương tiện bay giữ thăng bằng, không quay vòng tròn trong các luồng gió mạnh. Nói cách khác, các giải pháp kỹ thuật do chúng tôi áp dụng sẽ loại bỏ tất cả các vấn đề chính đang cản trở convertiplane trở nên phổ biến rộng rãi. Vâng, thiết kế của chúng tôi rất đơn giản, thậm chí có thể được gọi là sơ khai. Thân máy bay bằng vật liệu composite (bên trong là thùng nhiên liệu, chỗ ngồi của phi công, một số thiết bị điện tử hàng không), hệ thống chuyển đổi (truyền động điện), cột buồm có rôto và bộ truyền động phản lực rôto. Và thế là hết! Bất kỳ máy bay trực thăng nào có thiết kế truyền thống với một động cơ bên trong thân máy bay, đều khó vận hành hơn và đắt hơn so với convertiplane của chúng tôi”, - ông Alexander Shishov nhấn mạnh.

Động cơ kích nổ xung phản lực của convertiplane WASP, kích thước thật

Convertiplane có thể bay ở đâu?

Theo đại diện công ty, convertiplane WASP có thể được sử dụng để vận chuyển hàng hóa và hành khách ở những khu vực có dân cư thưa thớt và khó vận chuyển đường bộ, mà các khu vực này chiếm khoảng 75-80% lãnh thổ Liên bang Nga. Hiện nay, ở các khu vực này Nga sử dụng các máy bay trực thăng. Nhưng, có chú ý đến việc, Nga là một quốc gia rộng lớn với các khoảng cách dài, chi phí vận chuyển quá đắt đỏ. Ví dụ, một giờ bay của trực thăng hạng trung Mi-8 có giá khoảng 930 USD, một giờ bay của trực thăng Mi-171 hiện đại hơn có giá 1.738 USD, Ansat hạng nhẹ - có giá 1.790 USD (động cơ nhập khẩu - ed.), trực thăng Robinson R22 cỡ nhỏ - có giá 369 USD. Và đối với convertiplane WASP, theo tính toán của những người tạo ra nó, một giờ bay sẽ có giá khoảng 88 USD.
Convertiplane WASP có người lái ở chế độ trực thăng
Trả lời câu hỏi của phóng viên Sputnik: khi nào ý tưởng công nghệ của công ty sẽ biến thành hiện thực, ông Alexander Shishov cho biết:
“Mô hình kinh doanh cốt lõi của chúng tôi là chế tạo phương tiện bay. Chúng tôi đã tự mình thực hiện các bài kiểm tra đối với các đơn vị quan trọng nhất và chúng tôi đang cố gắng thực hiện các bài kiểm tra độc lập. Nếu chúng tôi tìm thấy một nhà đầu tư đáng tin cậy, thì một mẫu convertiplane có thể được chế tạo trong 18 tháng”.
Nga trình làng máy bay không người lái mẫu mới
Thảo luận