Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ bỏ phiếu vào tháng 7 về việc hành lang nhân đạo duy nhất tại biên giới Bab al-Hawa từ Thổ Nhĩ Kỳ đến tỉnh Idlib của Syria tiếp tục mở hay không. Theo ý kiến chuyên gia, việc đóng cửa hành lang có thể buộc hàng nghìn người phải chạy khỏi Syria, điều này sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tị nạn ở châu Âu và Trung Đông, tờ báo lưu ý.
Theo ba nhà ngoại giao giấu tên, Nga bị cáo buộc đã "gửi những tín hiệu mơ hồ" rằng Moskva có thể cố gắng sử dụng lá phiếu để "đạt được nhượng bộ trong cuộc đối đầu xung quanh Ukraina", đặc biệt là trong điều kiện lách các lệnh trừng phạt chống Nga. Đồng thời, họ cũng không nói rõ những "tín hiệu" này là gì, và lưu ý rằng Moskva không liên hệ trực tiếp vấn đề số phận của hành lang nhân đạo với tình hình ở Ukraina.
Như tờ báo viết, các nhà ngoại giao tin rằng Nga sẽ dựa vào hỗ trợ trong việc lách lệnh trừng phạt từ những quốc gia sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi làn sóng người tị nạn mới nếu hành lang này bị đóng cửa.
Theo tờ báo, một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ nói rằng Mỹ và các nước khác trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có ý định gửi "tín hiệu rõ ràng" tới Moskva kêu gọi không đóng cửa giao lộ, tuy nhiên, theo ý kiến của ông, "không có gì đảm bảo" rằng lời kêu gọi này sẽ được chú ý lắng nghe.
Vào tháng 7 năm 2021, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết mở rộng cơ chế xuyên biên giới để cung cấp viện trợ nhân đạo ở Syria. Quyết định này quy định việc tiếp tục hoạt động của tuyến biên giới duy nhất "Bab al-Hawa" từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Idlib trong 6 tháng với thời gian gia tăng thêm 6 tháng, tùy thuộc vào báo cáo đặc biệt của Tổng thư ký LHQ về việc đảm bảo tính minh bạch của các hoạt động nhân đạo và mở rộng khả năng tiếp cận từ nội địa Syria.