Xuất nhập khẩu “thăng hoa”, Nga tăng mua gạo và cao su của Việt Nam

Theo Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm, Việt Nam duy trì mức tăng trưởng xuất khẩu cao, ước tính sơ bộ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 311 tỷ USD, mốc lịch sử 700 tỷ USD vào cuối năm sẽ không phải điều xa vời.
Sputnik
Bộ Công Thương lưu ý các thách thức, rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam như chiến dịch quân sự đặc biệt Nga tiến hành tại Ukraina, nỗi lo lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng từ chính sách khắt khe Zero Covid của Trung Quốc.

Thành công xuất nhập khẩu Việt Nam

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 sáng 29/5.
Theo đó, trong tháng 5/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 62,69 tỷ USD, giảm 4,7% so với tháng trước, tuy nhiên, mức này đã tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 305,1 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.

“Trong đó, xuất khẩu tăng 16,3%, nhập khẩu tăng 14,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 516 triệu USD”, - Tổng cục Thống kê nêu rõ.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2022 ước đạt 30,48 tỷ USD, giảm 8,5% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,25 tỷ USD, giảm 7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,23 tỷ USD, giảm 9,1%.
So với cùng kỳ năm trước, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2022, tăng 16,4%; trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 14,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 17,1%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 152,81 tỷ USD, tăng xấp xỉ 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 40,25 tỷ USD, tăng 20,8%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 112,56 tỷ USD, tăng 14,8%, chiếm 73,7%.
Trong 5 tháng đầu năm 2022 có 26 mặt hàng của Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 62,3%
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,4%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 88,6%, giảm 0,5 điểm phần trăm; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,9%, giảm 0,5 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 3,1%, tăng 0,6 điểm phần trăm.

Khối FDI vẫn là trụ cột

Trong khi đó theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến chốt ngày 15/5, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 187,3 tỷ USD, tăng 14,3% (tương ứng tăng 23,44 tỷ USD) so với cùng kỳ.
Trong khi đó, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 83,26 tỷ USD, tăng 17,8% (tương ứng tăng 12,57 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 5/2022 đạt 9,24 tỷ USD, giảm 30,1%, tương ứng giảm 3,97 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 4/2022.
Tính đến hết ngày 15/5, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 98,8 tỷ USD, tăng 13,3%, tương ứng tăng 11,63 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,1% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 5/2022 đạt 9,77 tỷ USD, giảm 3,3% (tương ứng giảm 331 triệu USD) so với kỳ 2 tháng 4/2022.
Lũy kế đến 15/5, tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 88,5 tỷ USD, tăng 15,4% (tương ứng tăng 11,81 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 65,4% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Trái với tình trang thâm hụt thương mại chung của cả nước (223 triệu USD), tính từ đầu năm đến 15/5, các doanh nghiệp FDI xuất siêu 10,3 tỷ USD. Đồng thời, hiện doanh nghiệp FDI đóng góp lớn trong tất cả nhóm hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, từ điện thoại và linh kiện, máy vi tính, máy móc, thiết bị; dệt may; giày dép...
Như đã đề cập, năm 2021, xuất khẩu đạt 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020, khối doanh nghiệp FDI vẫn là trụ cột chính của xuất khẩu.
Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh yếu tố đáng chú ý rằng, dù xuất khẩu tăng mạnh nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI của kinh tế Việt Nam lại tăng lên so với những năm gần đây.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) đạt 247,5 tỷ USD tăng 21,1%, chiếm 73,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước ước đạt gần 89 tỷ USD, tăng 13,4%, thấp hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước (19%) và chỉ chiếm 26,4% kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm 2020 chiếm 27,7%).
Nga và Việt Nam sẽ làm việc cùng nhau để chống lại chủ nghĩa cực đoan và buôn bán nội tạng

Việt Nam nhập chủ yếu là tư liệu sản xuất

Số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2022 ước đạt 32,21 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 12,03 tỷ USD, tăng 6,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 20,18 tỷ USD, giảm 4,8%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5 tăng 12,9%; trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 15,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 11,4%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,29 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 53,36 tỷ USD, tăng 14,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 98,93 tỷ USD, tăng 14,9%. Trong 5 tháng đầu năm 2022 có 28 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 85,7% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Nhìn vào cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2022 có thể thấy, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là tư liệu sản xuất. Trong đó, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,9%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44,8%, giảm 0,3 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,1%, tăng 0,4 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,1%, giảm 0,1 điểm phần trăm.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2022, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 46,7 tỷ USD. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 49,6 tỷ USD.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất siêu của Việt Nam sang EU ước đạt 13,4 tỷ USD, tăng 43,6% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 27,1 tỷ USD, tăng 15,5%; nhập siêu từ Hàn Quốc 17,9 tỷ USD, tăng 46,6%; nhập siêu từ ASEAN 6,5 tỷ USD, tăng 6,4%; nhập siêu từ Nhật Bản 742 triệu USD, tăng 18,2%.

“Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 516 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,24 tỷ USD); trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 13,11 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 13,63 tỷ USD”, - Tổng cục Thống kê chốt lại.

Tình hình xuất khẩu Việt Nam sang Nga

Tổng cục Hải quan cho hay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Nga trong tháng 4/2022 đạt 78,8 triệu USD, giảm 67,9% so với tháng trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng hóa sang Nga đạt 621,9 triệu USD, giảm 43,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, vẫn có một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trong 4 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước. Điển hình như gạo tăng 46,6%; cao su tăng 75,9%. Báo Đầu tư dẫn số liệu của Hải quan Việt Nam lưu ý, chiến dịch quân sự đặc biệt diễn ra từ cuối tháng 2 là nguyên nhân chính khiến dòng chảy thương mại sang Nga bị tác động tiêu cực, thể hiện ở nhiều ngành hàng xuất khẩu của nước ta sụt giảm sâu.
Một số doanh nghiệp có lưu ý rằng, nhiều đơn hàng xuất khẩu sang Nga đã không thể thực hiện do lo ngại rủi ro về vận chuyển và thanh toán. Nhiều lô hàng đã làm thủ tục xuất khẩu vào 2 thị trường này buộc phải hủy, thậm chí có doanh nghiệp có lô hàng đang trên đường vận chuyển cũng được kéo về và tìm khách hàng thay thế.
Đáng chú ý, với ngành rau quả, hiện Nga là thị trường rau quả lớn thứ 9 của nước ta năm 2021 với giá trị xuất khẩu gần 76,6 triệu USD, tăng gần 41% so với năm 2020, xuất khẩu nhiều nhất là dứa, xoài, thanh long, tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp hầu hết đã ngưng giao dịch.
Việt Nam là đối tác ký FTA đầu tiên với khối Liên minh kinh tế Á - Âu với tỷ lệ gần 90% dòng thuế được cắt giảm; trong đó 59,3% được xóa bỏ, đây là cơ hội tốt đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nhất là rau quả khi xuất khẩu vào thị trường Nga. Người Nga cũng đặc biệt ưa chuộng rau quả, nông sản Việt Nam.
Điện thoại các loại và linh kiện dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu, đạt 138,1 triệu USD trong 4 tháng năm 2022, giảm 63,6% so với tháng trước đó, chiếm 22,1% tỷ trọng xuất khẩu.
Tiếp đến là hàng dệt may đạt 69,4 triệu USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 11,1% tỷ trọng xuất khẩu. Nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, trị giá 65 triệu USD, tăng 14,2%, chiếm 10,4% tỷ trọng xuất khẩu.
Mặt hàng thủy sản có kim ngạch sụt giảm 35%, chỉ đạt 35,3 triệu USD, rau quả giảm 42%, còn 15 triệu USD, hạt điều giảm 42%, chè giảm 28%, sản phẩm từ chất dẻo giảm 21,9%, vali túi xách giảm 53%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 37%.
FESCO khai trương tuyến tàu biển thường xuyên từ Việt Nam sang Nga

Rủi ro lạm phát, Zero Covid và cấm vận

Bộ Công Thương đánh giá, hoạt động xuất nhập khẩu dù gặp phải nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh chưa kết thúc, và căng thẳng Nga-Ukraina đẩy giá nguyên nhiên liệu và cước vận chuyển tăng rất cao, nhưng tổng thể, xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng tích cực, đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Ước tính sơ bộ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 311 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 156,5 tỷ USD, tăng 29,8%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 155 tỷ USD, tăng 22,6%.
Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, xuất khẩu vẫn đang có nhiều cơ hội tăng trưởng, với trợ thủ là FTA đang có hiệu lực. Tuy nhiên, cần thận trọng trong dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm vì hàng loạt thách thức. Trong đó, Bộ bày tỏ, rủi ro trước mắt là lạm phát cao trên toàn cầu. Lạm phát cao khiến nhiều nước phải giảm dần quy mô các gói kích thích kinh tế, đồng thời tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, từ đó dẫn đến giảm nhu cầu đầu tư và nhu cầu tiêu dùng. Và khi xuất khẩu phụ thuộc vào nhu cầu thế giới, mà nhu cầu giảm đi thì xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng.
Rủi ro lớn tiếp theo là đứt gãy chuỗi cung ứng và thiếu hụt nguyên liệu đang ngày càng nghiêm trọng trên toàn cầu, xuất phát từ căng thẳng giữa Nga và Ukraina cũng như chính sách Zero Covid của Trung Quốc.

“Đã từ lâu hàng hoá của Việt Nam là một phần trong chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu, khi chuỗi cung ứng có vấn đề thì xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng”, - Bộ lưu ý doanh nghiệp.

Trước những rủi ro hiện hữu vẫn đang tác động đến sản xuất, xuất khẩu, Bộ Công thương cho hay, tạm thời chưa thay đổi mục tiêu xuất khẩu của năm 2022, toàn ngành vẫn tập trung cố gắng thực hiện mục tiêu phấn đấu mà Quốc hội đề ra là tăng trưởng xuất khẩu đạt 8%.
Để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới, Bộ Công Thương lưu ý các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài, cân nhắc thấu đáo trong lựa chọn các ngân hàng thanh toán trong bối cảnh cấm vận. Hơn nữa, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các ưu đãi trong 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước để đa dạng hóa thị trường.
Bộ Công Thương cũng chỉ đạo toàn bộ hệ thống Thương vụ tại các nước châu Âu có trách nhiệm cao nhất trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đang có gặp khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu với Nga và Ukraina để tìm cách chuyển hướng sang các thị trường phù hợp tại châu Âu.
Đại dịch COVID-19
Những con mắt đổ về Việt Nam vì chính sách Zero Covid của Trung Quốc
Cùng với đó, Bộ Công Thương đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, chú trọng triển khai hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, các cam kết trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Bên cạnh đó, hướng dẫn doanh nghiệp các cơ hội của các FTA quan trọng như: FTA Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…
Thảo luận