Cứu hộ động vật hoang dã tại Việt Nam

Vì sao Hà Nội chậm trễ trong việc chấm dứt nuôi gấu lấy mật?

HÀ NỘI (Sputnik) - Cả nước có 294 con gấu bị nuôi nhốt ở cơ sở tư nhân thì riêng Hà Nội có 149 con, chiếm 51%. Vì sao Hà Nội chậm trễ trong việc nỗ lực chấm dứt nuôi gấu lấy mật? Và làm gì để giải quyết tình trạng này?
Sputnik

Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới: “Hà Nội đang bị bỏ lại phía sau”

Hành trình chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam đã được triển khai 17 năm qua. Vào năm 2005, hơn 4.300 cá thể gấu đã được đăng ký và gắn chíp quản lý nhằm ngăn chặn việc gấu mới phát sinh tại các cơ sở. Cho tới thời điểm hiện nay, 40 tỉnh/thành phố trên cả nước đã không còn gấu nuôi nhốt, và cả nước chỉ còn 294 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại các cơ sở tư nhân.
Dù là thủ đô, song trong nhiều năm qua, Hà Nội vẫn liên tục là điểm “nóng” về nuôi nhốt gấu với 149 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại các cơ sở tư nhân, chiếm 51% tổng số gấu đang bị nuôi nhốt trên cả nước. Trong đó, huyện Phúc Thọ chiếm khoảng 93% tổng số gấu nuôi nhốt tại Hà Nội.
Lý giải về việc Hà Nội có số lượng gấu nuôi nhốt lớn nhất cả nước, ông Phạm Văn Mậu, Trưởng phòng Bảo tồn tài nguyên sinh vật rừng (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội), cho rằng từ những năm trước, trung tâm bảo tồn gấu còn ít nên việc chuyển giao cho các đơn vị này còn hạn chế và gặp khó khăn. Hơn nữa, Đây là làng nghề nuôi nhốt động vật hoang dã từ những năm 1990.
Tình trạng nuôi gấu lấy mật tại thủ đô Hà Nội
Tại buổi tọa đàm “Tình trạng nuôi nhốt gấu ở Hà Nội năm 2022”, Ông Gilbert Sape, Giám đốc Toàn cầu Chương trình Động vật hoang dã của Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (World Animal Protection) cho rằng, những nỗ lực của Hà Nội là chưa đủ để giảm tình trạng này.
“Hà Nội đang bị bỏ lại phía sau trong khi rất nhiều địa phương đã tích cực chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu ở các cơ sở tư nhân để lấy mật. Ở đây có sự nhập nhèm giữa nuôi nhốt gấu vì mục đích thương mại. Những hộ nuôi nhốt gấu với số lượng lớn nhiều khả năng để lấy mật”, ông Gilbet Sape nhấn mạnh.
Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới cho rằng, việc nuôi nhốt gấu với mục đích lấy mật là mối đe dọa đối với loài cũng như quần thể động vật hoang dã. Bởi một khi đã nuôi nhốt ở quy mô nhỏ, gấu con sinh ra sẽ bị cận huyết, không thể sống sót. Những con đã bị nuôi nhốt không có cơ hội sống trong tự nhiên.

Công an TP Hà Nội gặp khó trong việc kiểm soát hoạt động trích hút mật

Tình trạng nuôi gấu lấy mật tại thủ đô Hà Nội
Hệ lụy ai cũng thấy rõ, song với quy định hiện hành thì việc tiếp cận nhằm kiểm soát hoạt động trích hút mật của các cơ sở nuôi nhốt gặp nhiều khó khăn. Chia sẻ với Sputnik, Thiếu tá Nguyễn Xuân Tùng, Phó phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP Hà Nội) cho biết:

“Chúng tôi phải sử dụng biện pháp nghiệp vụ hàng tháng để có thể bắt quả tang các cơ sở hút trích mật gấu và đem bán ngoài thị trường. Tại Phúc Thọ (Hà Nội), hiện hộ nuôi nhiều nhất là 18 con gấu. Với số lượng này thì không thể nói là nuôi thú cưng, mà có yếu tố thương mại vì mỗi ngày để nuôi một con gấu phải mất khoảng 100.000 đồng tiền thức ăn”, Thiếu tá Tùng nói.

Gần đây nhất ngày 27/5, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP Hà Nội) đã bắt giữ một chủ nuôi nhốt gấu có đăng ký ở huyện Phúc Thọ kèm 350 cc mật gấu. Đây là số lượng mật gấu bị bắt giữ lớn nhất cả nước từ trước đến nay, chủ cơ sở phải đối diện với mức án 5 năm tù.
Ngoài ra, Công an thành phố đã chỉ đạo công an cơ sở theo dõi những hộ nuôi nhốt gấu thương mại này. Đồng thời, nghiên cứu để tham mưu cho UBND TP Hà Nội đưa ra quy định kiểm soát hoạt động nuôi nhốt gấu trên địa bàn.
Giết hổ lấy cao tại nhà, một chủ tịch xã bị tạm giữ hình sự

Đã đến lúc cần có chế tài mạnh tay hơn

Trước thực trạng này, một số giải pháp đã được các chuyên gia gửi đến chính quyền TP Hà Nội như: Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các cơ sở nuôi nhốt gấu, xử lý, tịch thu các cá thể gấu nuôi nhốt trái phép, vận động các chủ nuôi tự nguyện chuyển giao gấu lại cho Nhà nước và đảm bảo chặt chẽ chính sách “không bồi hoàn” cho chủ cơ sở nuôi trong mọi trường hợp.
Bà Bùi Thị Hà, phó giám đốc Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), nhấn mạnh phải xử lý nghiêm minh những sai phạm về bảo vệ động vật quý hiếm.

“Nếu các cơ quan chức năng còn lưỡng lự khi xử phạt thì hậu quả sẽ rất lớn và không thể chấm dứt được tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam, đặc biệt tại Hà Nội”, bà Hà cho biết.

Cứu hộ động vật hoang dã tại Việt Nam
Việt Nam nỗ lực bảo vệ nguồn gen thuần chủng hổ Đông Dương
Bổ sung thêm giải pháp, ông Gilbert Sape - giám đốc toàn cầu Chương trình động vật hoang dã của Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới chia sẻ:
“Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm quốc tế như ở Hàn Quốc. Nước này yêu cầu ký cam kết tiến hành triệt sản gấu lấy mật và có các biện pháp xử lý hình sự nghiêm minh đối với các cá nhân sai phạm”.
Trong những năm qua, nhiều trung tâm cứu hộ gấu tại Việt Nam được xây dựng để mang lại cuộc sống mới trong môi trường bán hoang dã cho những cá thể gấu từng bị nuôi nhốt, trong đó có Cơ sở Bảo tồn Gấu Ninh Bình - cơ sở đạt tiêu chuẩn quốc tế.

“Tại ngôi nhà mới ở Cở sở Bảo tồn Gấu Ninh Bình, các cá thể gấu sẽ có cơ hội tìm lại bản năng đã mất, sau quãng thời gian dài bị giam cầm trong chuồng cũi. Các cá thể gấu hiện đang bị nuôi nhốt ở Hà Nội cũng sẽ có trải nghiệm tương tự khi được đưa tới đây. Chúng tôi rất mong chờ tới ngày mà Hà Nội trở thành địa phương tiếp theo không còn nuôi nhốt gấu ở Việt Nam”, bà Ioana Dungler (Giám đốc Chương trình Động vật hoang dã của FOUR PAWS) bày tỏ.

Cứu hộ động vật hoang dã tại Việt Nam
‘Ngôi nhà mới’ cho 15 chú hổ trong các vụ buôn lậu, nuôi giữ trái phép
Cùng với sự hỗ trợ và các hành động quyết liệt từ Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân huyện Phúc Thọ, Hà Nội hoàn toàn có cơ hội trở thành địa phương tiếp theo không còn nuôi nhốt gấu trong vài năm tới.
Thảo luận