Bổ sung sách giáo khoa vào danh mục được Nhà nước định giá và trợ giá

HÀ NỘI (Sputnik) - Theo đại biểu Quốc hội, việc tăng giá sách thời điểm này sẽ tạo thêm gánh nặng cho các gia đình có con em đến trường sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Sputnik
Tiếp tục phiên thảo luận thứ 2 của Quốc hội tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đăng ký phát biểu đầu tiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết, gần đây cử tri rất quan tâm đến việc tăng giá sách thời điểm này sẽ tạo thêm gánh nặng cho các gia đình có con em đến trường, nhất là gia đình vùng sâu vùng xa, gia đình thuộc hộ nghèo sau tác động của đại dịch Covid-19.
Đại biểu Quốc hội: "Chỉ cần một thư khen không cần thưởng"
“Tôi tán thành giải pháp Bộ trưởng GD-ĐT đưa ra khi giải trình ngày hôm qua nhằm giảm giá sách là khả thi. Tôi trân trọng đề nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT tiếp tục quan tâm xem xét”, đại biểu Nga nói.
Vị đại biểu này mong muốn Chính phủ căn cứ vào đề nghị của Bộ GD-ĐT sớm có biện pháp quản lý giá sách giáo khoa, tránh tăng giá tùy tiện gây tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân và tạo dư luận không tốt.
Về việc tinh giảm sách giáo khoa, Bộ GD-ĐT có thể thống kê danh mục bắt buộc đối với từng cấp học. Ngoài danh mục này, số còn lại học sinh có thể chọn mua tùy vào điều kiện cụ thể và nhu cầu cá nhân.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất Chính phủ hỗ trợ xây dựng thư viện dùng chung cho các vùng sâu, vùng xa và đặc biệt khó khăn. Với sự đầu tư ấy, học sinh sẽ được mượn sách giáo khoa hàng năm và trả lại nhà trường khi kết thúc, như vậy vừa tiết kiệm kinh phí mà vừa đỡ gánh nặng kinh tế cho các gia đình khó khăn.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Sách giá khoa mới dùng lại được, không phải dùng một lần rồi bỏ
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông yêu cầu việc biên soạn và sản xuất sách giáo khoa thực hiện theo hướng xã hội hóa.
"Với mong muốn học sinh luôn được mua sách giáo khoa với giá thấp nhất, từ góc độ quản lý, chuyên môn, Bộ đã tăng cường chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật, yêu cầu các nhà xuất bản thực hiện xuất bản sách sao cho sách có thể dùng lại nhiều lần. Các bộ sách xuất bản mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thực hiện đầy đủ điều này", ông Sơn nói.
Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục tiết kiệm tối đa, cắt giảm các khoản chi phí trung gian để giảm chi phí quản lý, bán hàng, các chi phí khác để đảm bảo giá sách giáo khoa được thấp nhất. Bộ cũng chỉ đạo nhà xuất bản cung cấp các bản sách dạng PDF miễn phí để học sinh có thể tiếp cận trực tuyến ngay từ khi phát hành.
Ngoài ra, bộ cũng đã có công văn gửi Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội bổ sung sách giáo khoa vào danh mục được Nhà nước định giá và có chính sách trợ giá.
Thảo luận