Nga thắng lợi trong "cuộc chiến kinh tế" do phương Tây khơi mào

Moskva (Sputnik) - Nga đang thắng lợi trong cuộc chiến kinh tế mà phương Tây khơi mào từ ba tháng trước, biên tập viên kinh tế Larry Elliott của The Guardian viết.
Sputnik
Theo tác giả bài báo, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt được coi là lựa chọn tốt nhất trong số hai phương án còn lại: không hành động hoặc can thiệp quân sự. Tuy nhiên, giờ đây rõ ràng là các biện pháp hạn chế không mang lại tác dụng mong muốn, vì giá khí đốt và dầu mỏ mà Nga xuất khẩu đang tăng lên. Nga có đủ kinh phí để tiếp tục chiến dịch đặc biệt nhờ cán cân thương mại – tương quan giữa giá trị hàng hóa xuất khẩu trên giá trị hàng hóa nhập khẩu - gia tăng.
Ngoài ra, với lệnh cấm nhập khẩu một phần dầu của Nga do Liên minh châu Âu công bố, giá thành của các sản phẩm dầu mỏ trên thị trường thế giới đã tăng lên, mang lại cho Điện Kremlin một thắng lợi tài chính khác, Larry Elliott viết. Nga cũng không gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác khác mua hàng hóa của mình: chẳng hạn, xuất khẩu dầu sang Trung Quốc trong tháng 4 đã tăng hơn 50% so với năm ngoái.

Nhà quan sát Larry Elliott lưu ý: “Châu Âu chỉ đang dần dần thoát khỏi việc tiêu thụ các nguồn năng lượng của Nga”.

Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina
Điện Kremlin: Mỹ đang tiến hành cuộc chiến tranh kinh tế chống lại Nga
Trong khi đó, lạm phát ở Anh đang phá vỡ kỷ lục, lên tới 9%, mức cao nhất trong 40 năm qua. Giá xăng dầu cũng vậy. Nhìn chung, các nền kinh tế phương Tây đã bước vào thời kỳ tăng trưởng âm chậm, trở thành con mồi của đình trệ lẫn lạm phát tương tự như tình hình những năm 1970, nhà báo Larry Elliott kết luận. Trong khi đó, đồng rúp Nga đang ở vị thế mạnh nhờ sự kiểm soát của nhà nước.
Nhà kinh tế Larry Elliott dự báo một số phận không thể tránh khỏi đối với các nước phương Tây: lãi suất cho vay cao hơn và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Ở Liên minh châu Âu, các vấn đề này sẽ đặc biệt đáng chú ý, vì châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga so với Vương quốc Anh.

Chiến tranh kinh tế

Các nước phương Tây phải đối mặt với các vấn đề kinh tế - giá năng lượng tăng cao, tỷ lệ lạm phát trầm trọng - do việc áp đặt lệnh trừng phạt chống Nga sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina. Các biện pháp hạn chế chủ yếu ảnh hưởng đến lĩnh vực tài chính và việc cung cấp sản phẩm công nghệ cao, nhưng ở châu Âu bắt đầu có nhiều ý kiến mạnh mẽ hơn thúc giục giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, nhiều thương hiệu đã tuyên bố rút khỏi nước này. Điện Kremlin gọi những hành động đó là một cuộc chiến tranh kinh tế, nhưng lưu ý đã sẵn sàng đối phó với diễn biến sự kiện như vậy.
Thảo luận