Sputnik dành bài tổng quan truyền thống “Việt Nam trên báo chí nước ngoài” cho các nội dung này.
Cuộc họp chống Trung Quốc ở Singapore
Eurasia Review đưa tin về Đối thoại Shangri-La được coi là thượng đỉnh an ninh của khu vực châu Á do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London đăng cai tổ chức tại Singapore sau hai năm gián đoạn do COVID-19. Khoảng 500 đại biểu từ 42 quốc gia - gồm hơn 70 bộ trưởng và quan chức quốc phòng cấp cao - sẽ tham dự hội nghị. Thật ngạc nhiên khi thấy Đối thoại Shangri-La đã trở thành một diễn đàn chỉ trích Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc thể hiện sự can đảm khi tham gia hội nghị thượng đỉnh chống Trung Quốc về các vấn đề an ninh quốc tế, tờ báo lưu ý. Tờ The Hindu của Ấn Độ đưa tin, ngày 9/6, trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã bàn giao 12 xuồng tuần tra tốc độ cao nằm trong gói Tín dụng quốc phòng trị giá 100 triệu USD của Chính phủ Ấn Độ dành cho Việt Nam. Năm chiếc xuồng tuần tra được đóng ở Ấn Độ và số còn lại ở Việt Nam. Bộ trưởng quốc phòng hai nước đã ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ đối tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ đến năm 2030, trong đó hợp tác quốc phòng được xem là một trụ cột hợp tác song phương giữa Hà Nội và New Delhi.
Tập đoàn Nhật Bản tiếp tục làm việc bất chấp vụ bê bối tham nhũng
AP đưa tin về vụ bắt giữ Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam và thị trưởng Hà Nội do những sai phạm liên quan đến Công ty Việt Á, làm trái các quy định trong việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương Kit xét nghiệm Covid-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước. Nhưng tờ Asahi của Nhật Bản đưa tin rằng, bất chấp vụ bê bối này, Tập đoàn Shionogi của Nhật Bản sẽ tiếp tục thử nghiệm vắc xin COVID tại Việt Nam và phát triển một loại thuốc điều trị COVID-19 đường uống.
Nhà máy điện hạt nhân trở lại chương trình nghị sự
Báo Vietnam Briefing dành bài viết dài nói về sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam và do đó sự gia tăng doanh số bán đồ xa xỉ phẩm cá nhân. Theo dự báo của World Data Lab, đến năm 2030, tầng lớp trung lưu sẽ đạt 56 triệu người và Việt Nam sẽ tăng 8 bậc từ vị trí thứ 26 hiện tại trong bảng xếp hạng toàn cầu về các nền kinh tế có dân số trung lưu lớn nhất. Nhu cầu tìm mua căn hộ cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng và đất đai, xe hơi sang trọng, rượu vang hảo hạng, quần áo, mỹ phẩm và nước hoa của các thương hiệu đắt tiền nổi tiếng ngày càng tăng. CNBC cho biết, VN INDEX đã giảm hơn 10% trong năm nay, và một nhà quản lý danh mục đầu tư nhấn mạnh đây là “thời điểm tốt để xem xét đầu tư vào Việt Nam”. Các chuyên gia lạc quan và tự tin về tỷ suất lợi nhuận trên cổ phần (Earnings per share) có thể tăng lên trên 20% vào cuối năm 2022. Nei Magazine đưa tin về việc Việt Nam trở lại điện hạt nhân. Ấn phẩm viết rằng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ Quy hoạch đối với các vị trí dự kiến xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Ninh Thuận và kêu gọi các cơ quan hữu quan xác định thời điểm nối lại dự án. Fibre2Fashion đưa tin rằng, trong quý đầu năm 2022, Việt Nam là nhà cung cấp vải bông lớn nhất cho Trung Quốc. Prensa Latina cho biết rằng, điểm số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam được cải thiện so với các kỳ đánh giá trước. Việt Nam hiện xếp thứ 68 trên tổng 120 nước, tăng 9 bậc so với năm 2019. Kênh Krasnaya Vesna của Nga chuyên theo dõi đời sống Việt Nam, đưa tin rằng, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã đầu tư khoảng 340 triệu USD vào nhiều dự án ở nước ngoài, cao hơn 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Và tờ Rest of World dành một bài dài về những khó khăn tại Việt Nam của công ty công nghệ cung cấp dịch vụ vận tải Grab của Singapore, nền tảng taxi lớn nhất của đất nước hiện đang vận hành đội ngũ 200.000 tài xế đối tác. Những tài xế Grab bỏ nghề vì bị cách ly ba tháng và giá nhiên liệu tăng mạnh, khách hàng không hài lòng với dịch vụ của họ, ngoài ra Grab phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh - các ứng dụng gọi xe khác.
Điện ảnh Nga trên thị trường châu Á
Kinometro đưa tin rằng, hơn 30 công ty Nga tham gia Triển lãm Quốc tế Phim và Truyền hình Việt Nam 2022 vừa khai mạc tại TP.HCM. Đối với điện ảnh Nga, đây là trải nghiệm đầu tiên về sự tương tác quy mô lớn như vậy với thị trường Việt Nam. Mục tiêu chính sẽ là nghiên cứu nhu cầu của đối tượng, thiết lập mối liên hệ, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu. Khoảng 100 dự án sẽ được giới thiệu trên gian hàng trực tuyến của các công ty: phim truyện và phim bộ - phim gia đình, phim truyền hình, khoa học viễn tưởng, giả tưởng, ly kỳ, kinh dị, cũng như các dự án phim tài liệu và hoạt hình. Tham gia triển lãm Telefilm Vietnam có người mua nội dung từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan và các quốc gia khác.
Bạn có muốn nhìn thấy thế giới dưới nước không? – Hãy đến thăm Việt Nam
Vào tuần này có rất nhiều bài báo thú vị về các loại hình du lịch đang được ưa chuộng tại Việt Nam. Ngoài khơi Việt Nam có 2.500 hòn đảo lớn nhỏ với nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch. Asia News phân tích quá trình phát triển du lịch biển đảo của Việt Nam và xác định những nguyên nhân cản trở hoạt động hiệu quả của ngành này: thiếu khách sạn chất lượng, trung tâm giải trí và dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, ô nhiễm môi trường, cơ sở hạ tầng hạn chế, thiếu điện, nước sạch và dịch vụ viễn thông. CNN viết về tàu ngầm Triton Deepview24 được làm theo đơn đặt hàng của hệ thống khách sạn nghỉ dưỡng Vinpearl nhằm cung cấp trải nghiệm cho du khách tại đảo Hòn Tre ở Nha Trang. Con tàu có thể đưa 24 hành khách lặn tới độ sâu 100 mét, mang đến trải nghiệm độc đáo nhất, đưa hành khách di chuyển dưới mặt biển, khám phá những con tàu đắm và rạn san hô, cũng như giữa muôn vàn cuộc sống của sinh vật biển.. Tờ Wall Street Journal viết về trải nghiệm độc đáo Tour khám phá Hà Giang bằng xe máy, còn Breaking Travel News giới thiệu Khách sạn Mikazuki mới của Nhật Bản ở Đà Nẵng, và ATORUS thông báo tin vui cho khách du lịch Nga về cơ hội đến Việt Nam với giá cả phải chăng thông qua Tashkent - thủ đô Uzbekistan.