Nga từ bỏ hệ thống giáo dục theo chuẩn châu Âu: Sinh viên Việt sẽ ra sao?

HÀ NỘI (Sputnik) - Mới đây ngày 24 tháng 5, Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga thông báo rằng, Nga sẽ từ bỏ tiến trình Bologna theo chuẩn châu Âu để phát triển hệ thống giáo dục của riêng mình.
Sputnik
Bộ này cho rằng, giai đoạn chuyển đổi từ hệ đại học 4 năm sang 5 năm sẽ được tiến hành theo lộ trình. Điều này có ảnh hưởng thế nào đến các sinh viên Việt Nam chuẩn bị sang Nga du học?

Nhiều ý kiến trái chiều

Để thay thế hệ thống giáo dục đại học Bologna theo chuẩn Châu Âu, Nga sẽ phát triển hệ thống giáo dục của riêng mình. Và nó sẽ trở thành mô hình thống nhất duy nhất - dựa trên lợi ích của nền kinh tế đất nước và cơ hội tối đa cho sinh viên. Đồng thời, sẽ dựa trên hệ thống giáo dục đại học truyền thống cổ điển trong nước - ở trình độ chuyên khoa với việc xây dựng các chương trình giáo dục từ 5 - 6 năm.
Như vậy, sau khi tham gia tiến trình Bologna (hệ thống đào tạo gồm 4 năm cử nhân và 2 năm thạc sỹ) vào tháng 9/2003 thì đến nay Nga sẽ quay trở lại mô hình giáo dục truyền thống với thời gian đào tạo liên tục tối thiểu 5 năm hoặc hơn. Đây chính là hệ thống đào tạo bậc “Chuyên gia”.
Tại Nga, hệ Cử nhân (4 năm) và Chuyên gia (5 năm) là 2 cấp đào tạo độc lập của bậc Đại học. Theo đó, với bằng tốt nghiệp Chuyên gia và bằng Cử nhân cho phép sinh viên tốt nghiệp tiếp tục được học tập lên bậc cao hơn (sau đại học) và làm việc theo đúng chuyên môn của mình.
Sinh viên tốt nghiệp với mũ học tập
Sự khác biệt quan trọng của 2 bậc đào tạo, đó là đối với người tốt nghiệp bậc Chuyên gia – được phép học thẳng lên Nghiên cứu sinh Tiến sĩ mà không cần trải qua thời gian đào tạo Thạc sĩ. Ngược lại, người có bằng Cử nhân chỉ được học lên Nghiên cứu sinh khi đã trải qua 2 năm đào tạo Thạc sĩ.
Trước đó, đã nhiều ý kiến tại Nga cho rằng, một trong những lợi thế của hệ thống Bologna là cơ hội cho sinh viên theo học tại bất kỳ trường đại học nào trên thế giới. Bởi hệ thống Bologna cho phép các trường đại học học theo một thang thống nhất, xóa bỏ sự khác biệt giữa đào tạo giữa các nước. Đồng thời, nó cũng làm tăng tính liên kết giữa các trường đại học và các quốc gia. Ví dụ, một sinh viên tốt nghiệp bằng cử nhân (4 năm) ở Việt Nam có thể tiếp tục học thạc sĩ (2 năm) ở Nga,...
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến trái ngược cho rằng, hệ Chuyên gia (5 năm) là một bậc đào tạo cao hơn và hoàn chỉnh hơn để có thể làm việc chuyên nghiệp hơn so với hệ 4+2. Hơn nữa, hệ Cử nhân đang bị bó hẹp về chuyên môn và loại bỏ một số chuyên ngành của Liên Xô cũ khỏi chương trình giảng dạy, đặc biệt là về kỹ thuật.
Nền tảng giáo dục kỹ thuật số của Nga có kế hoạch hoạt động tại Việt Nam

Sinh viên Việt được và mất gì khi sang Nga du học?

Trước thông tin Bộ Giáo dục Nga đã chính thức xác nhận việc từ bỏ hệ thống giáo dục đại học Bologna theo chuẩn Châu Âu (4+2 năm) để quay trở lại mô hình đào tạo 5 năm, trao đổi với PV Sputnik, TS. Ngô Thị Minh Thu – trưởng khoa Ngôn ngữ và văn hóa Nga, ĐH Ngoại ngữ , ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết:

“Theo ý kiến cá nhân tôi, tôi nghĩ rằng trong thời buổi 4.0 người học tự chủ việc học của mình. Nên việc học trong thời gian ngắn hay dài tôi nghĩ người học hoàn toàn có thể chủ động được kiến thức của mình. Khi có thông báo tuyển sinh đi học theo diện học bổng Hiệp định tại Liên bang Nga hàng năm, các sinh viên khoa Nga của trường sẽ tự ứng tuyển hồ sơ trên website của Cục hợp tác quốc tế (Bộ GD-ĐT). Và việc giáo dục Nga chuyển sang mô hình 5 năm thì tôi nghĩ sinh viên hoàn toàn tự quyết định dựa trên hoàn cảnh, điều kiện của mỗi cá nhân”, cô Thu bày tỏ.

TS. Thu nói thêm, hiện các trường nước ngoài ở Châu Âu, Châu Mỹ đa phần theo hệ thống Bologna. Nếu sinh viên Việt Nam học ở Nga 5 năm, sau đó chuyển sang các nước Tây Âu làm việc thì những bằng này sẽ rất khó được chuyển đổi, vì ở những nước phương Tây không có bậc đào tạo nào tương tự như vậy. Trong khi, nếu giữ nguyên hệ thống 4+2 thì sinh viên nước ngoài sẽ có thêm cơ hội việc làm ở nhiều nước.
Cuộc sống du học sinh Việt tại Nga
Song cũng cần lưu ý thêm rằng, theo điều 7 trong Hiệp Định công nhận tương đương văn bằng giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Liên Bang Nga ký năm 2010 nêu rõ, người có bằng tốt nghiệp bậc “Chuyên gia” (5 năm) được công nhận tương đương với bậc “Thạc sĩ” (4+2) tại Việt Nam, được phép học lên bậc “Nghiên cứu sinh” ở cả 2 nước và được hành nghề phù hợp với học vị và trình độ chuyên môn ghi trong các văn bằng này ở cả hai quốc gia.
Bởi vậy, trước thông tin Nga từ bỏ hệ thống giáo dục đại học 4+2 để quay trở lại hệ 5 năm, nhiều sinh viên Việt Nam cho biết, điều này không ảnh hưởng nhiều đến quá trình tiếp cận nền giáo dục và văn hóa Nga.
“Hiện em đang chuẩn bị hồ sơ để ứng tuyển vào trường Đại học Tổng hợp quốc gia Tula. Em nghĩ việc Nga chuyển sang hệ 5 năm phần nào đó sẽ có lợi cho sinh viên Việt Nam sang Nga du học, bởi thay vì học thạc sỹ mất 6 năm như ở Việt Nam hay các nước châu Âu khác, thì nay có thể học rút gon được 1 năm học thạc sỹ.” – Em Hồng Vân (Nam Định) nói với Sputnik.
Đang là sinh viên năm 2 ngành kỹ thuật tại trường Đại học Kỹ thuật Quốc gia Mát-xcơ-va Bauman, em Lê Tùng Anh chia sẻ:
“Đối với chuyên ngành kỹ thuật của em, việc học 5 năm sẽ giúp em nghiên cứu chuyên sâu hơn về chuyên môn và có nhiều thời gian thực hành hơn. Nếu học cao lên Tiến sỹ cũng sẽ thuận tiện hơn. Việc chuyển đổi mô hình giáo dục, thực ra cũng không quá xáo trộn đến việc học và định hướng tương lai của em”.
Như vậy, việc Nga rút khỏi hệ thống Bologna như một cuộc cải cách nghiêm túc về giáo dục trong nước. Và đối với sinh viên Việt Nam nói riêng, sẽ không quá khó để đưa ra quyết định lựa chọn bậc học và ngành học tại Nga.
Hiện, có 48 quốc gia đã tham gia tiến trình Bologna, hầu hết là ở châu Âu. Thỏa thuận này cũng có giá trị ở châu lục khác: Mỹ, Canada, Australia, Brazil, Trung Quốc và Nhật Bản.
Thảo luận