Biển Đông

Việt Nam sẽ không cho phép UNCLOS thành “tờ giấy lộn”

Khác với Philippines, đặc biệt quan điểm bất nhất của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte chỉ coi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 là “tờ giấy lộn”, trong khả năng của mình, Việt Nam sẽ không cho phép điều đó xảy ra xung quanh tranh chấp ở Biển Đông.
Sputnik
Việt Nam kêu gọi tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, đặc biệt là “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực” ở Biển Đông.

32 nước cùng bàn về “Hiến pháp của đại dương”

Thông báo từ Phái đoàn Liên Hợp Quốc của Việt Nam cho biết, từ ngày 13-17/6, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Hoa Kỳ, đã diễn ra Hội nghị lần thứ 32 các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS).
Theo đó, tại Hội nghị, đại diện 32 nước thành viên cùng xem xét báo cáo của các cơ quan thành lập theo Công ước như Tòa án quốc tế về Luật Biển, Ủy ban ranh giới thềm lục địa (CLCS), Cơ quan quyền lực đáy đại dương và các vấn đề thủ tục, ngân sách, nhân sự của các cơ quan này; tiến hành bầu cử các thành viên của CLCS.
Trưởng đoàn Việt Nam Đặng Hoàng Giang tại Hội nghị Liên hợp quốc về Luật Biển lần thứ 32
Nội dung phiên thảo luận ngày 16/6 về Báo cáo của Tổng thư ký LHQ về các vấn đề liên quan đến biển và đại dương, hoạt động của các cơ quan LHQ và hợp tác quốc tế trong năm qua cho thấy, hầu hết các ý kiến nhấn mạnh yêu cầu tuân thủ thực hiện UNCLOS, đẩy mạnh hợp tác khu vực và quốc tế trong các lĩnh vực biển và đại dương, ứng phó với các thách thức như ô nhiễm môi trường biển, biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, hiện tượng xâm nhập mặn, đóng góp vào thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 14 liên quan đến bảo tồn và phát triển bền vững biển và đại dương.
Thực tế, đây là dịp để 32 nước cùng nhìn lại tầm quan trọng, ý nghĩa và kết quả thực hiện UNCLOS, vốn được coi như “Hiến pháp của Đại dương”.
Như Sputnik đã thông tin, UNCLOS có hiệu lực kể từ ngày 16/11/1994, đã được 168 nước và tổ chức quốc tế phê chuẩn và 14 quốc gia khác ký nhưng chưa phê chuẩn.

Không dùng vũ lực ở Biển Đông

Bộ Ngoại giao Việt Nam thông tin, phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, tái khẳng định UNCLOS, với vai trò “Hiến pháp của đại dương”, là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và cơ sở pháp lý duy nhất để xác định một cách toàn diện, đầy đủ phạm vi quyền được hưởng vùng biển của các quốc gia.
Liên quan đến tình hình Biển Đông, Đại sứ Việt Nam Đặng Hoàng Giang cho rằng, hòa bình, phát triển của khu vực và cộng đồng quốc tế gắn liền với việc duy trì hòa bình, an ninh, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Nhà ngoại giao Việt Nam cũng nhắc lại ý nghĩa vị trí chiến lược của vùng Biển Đông.
Từ đó, Đại sứ Đặng Hoàng Giang một lần nữa nêu bật tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và toàn diện Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2022 (DOC).

“Mọi tranh chấp phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương LHQ và UNCLOS”, - Đại sứ Đặng Hoàng Giang nêu rõ.

Việt Nam kêu gọi tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, đặc biệt là “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.
Cũng tại khuôn khổ này, Đại sứ Việt Nam đã đồng thời thông tin về bước tiến đạt được trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thời gian qua.
Biển Đông
Việt Nam làm rất tốt chiến lược “ngoại giao mềm” xung quanh vấn đề Biển Đông

Biển Đông và hành động chống biến đổi khí hậu

Đại sứ Đặng Hoàng Giang cũng chia sẻ với đại diện các nước dự họp lần này về những thách thức trên biển được nêu tại báo cáo của Tổng thư ký LHQ, đặc biệt là những ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 đến các vấn đề đại dương.
Trong đó có việc làm trầm trọng thêm nhiều vấn đề trên biển sẵn có hoặc mới nổi như đa dạng sinh học biển, di cư, biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.
Từ các phân tích này, Đại sứ Việt Nam khẳng định hợp tác quốc tế trên cơ sở UNCLOS có ý nghĩa rất quan trọng để đối phó với những thách thức nêu trên, đồng thời thông tin thêm về những đóng góp tích cực của ASEAN vào việc thực hiện Chương trình nghị sự 30 và SDG 14 và các cam kết, nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam để chống biến đổi khí hậu.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang cũng nêu rõ quan điểm của Việt Nam khi đưa ra các biện pháp giải quyết thách thức cần quan tâm đúng mức đến việc xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển và tán thành các sáng kiến của LHQ về việc thúc đẩy việc sử dụng khoa học kỹ thuật để sử dụng đại dương một cách bền vững.

UNCLOS không thể là “tờ giấy lộn”

Thái độ, chiến lược và cách hành xử của Việt Nam ở Biển Đông, tại các diễn đàn quốc tế về biển và đại dương, cho thấy, Hà Nội sẽ không coi UNCLOS chỉ như “tờ giấy lộn” như cách mà Trung Quốc hay Philippines đã làm.
Năm 2021, ông Rodrigo Duterte từng gây sóng gió dư luận khi tuyên bố phán quyết về Biển Đông chỉ là ‘tờ giấy lộn’ và ‘sẽ vứt thẳng vào sọt rác’.
Nói về phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế trong vụ kiện với Trung Quốc, dù Manila được xử thắng, nhưng chính Duterte lại cho rằng, “họ nộp đơn kiện. Chúng ta thắng. Nhưng văn bản đó trên thực tế giữa các quốc gia chẳng là gì cả”.

“Nếu đưa phán quyết đó cho tôi. Tôi sẽ coi đó chỉ là giấy lộn và vứt thẳng vào sọt rác”, - cựu Tổng thống Philippines từng tuyên bố.

Như đã biết, hồi năm 2013, chính quyền ông Benigno Aquino, người tiền nhiệm của Rodrigo Duterte, nộp đơn kiện lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) chống lại Bắc Kinh cho rằng “đường chín đoạn” hay “đường lưỡi bò” do Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và cần được tuyên bố là bất hợp pháp.
Tòa Thường trực PCA tháng 7/2016 ra phán quyết, tuyên bố yêu sách đường lưỡi bò - đường chín đoạn của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, phán quyết của PCA không có cơ chế thi hành do đó Bắc Kinh cũng chỉ coi đây như “tờ giấy lộn”.
Cần lưu ý rằng, với yêu sách đường lưỡi bò, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với vùng biển rộng bao phủ 3,5 triệu km2 ở Biển Đông.
Nhiều năm qua, đặc biệt là kể từ cuối năm 2019 tới đầu năm 2021, từng xuất hiện “cuộc chiến công hàm” với hàng chục văn bản đã được gửi lên Liên Hiệp Quốc, bày tỏ lập trường phản đối yêu sách của Trung Quốc.
Biển Đông
Việt Nam: Tất cả các bên không nên làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông
Không chỉ Việt Nam, các quốc gia khác không có chung tranh chấp ở Biển Đông như Mỹ, Đức, Pháp, Úc, Nhật Bản, Anh... cũng đều đã lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ UNCLOS 1982.
Thảo luận