Theo đó, các cột mốc biên giới cũ sẽ được dỡ bỏ, hoặc sử dụng như những “chứng tích lịch sử” trong mối quan hệ giữa hai nước.
Xử lý cột mốc biên giới cũ
Thông cáo của Bộ Ngoại giao hôm 17/6 cho biết, trong cuộc họp diễn ra liên tục từ 13-17/6 tại Phnom Penh, Chủ tịch Ủy ban liên hợp biên giới Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam và phái đoàn hai nước đã thảo luận về kế hoạch xử lý các cột mốc cũ còn tồn tại trên thực địa ở những nơi đã hoàn thành phân giới cắm mốc giữa hai quốc gia.
Đoàn đại biểu Việt Nam do ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban liên hợp biên giới Việt Nam-Campuchia làm Trưởng đoàn;
Đoàn đại biểu Campuchia do ông Var Kim Hong, Bộ trưởng cao cấp phụ trách vấn đề biên giới, Chủ tịch Ủy ban liên hợp biên giới Campuchia-Việt Nam làm Trưởng đoàn.
Ngoài ra, cùng tham dự cuộc họp còn có đại diện các bộ, ngành liên quan của hai nước. Cuộc họp đã diễn ra trong không khí hữu nghị, chân thành, thẳng thắn và hiểu biết lẫn nhau.
Kết quả cuộc họp, hai bên dự tính sẽ dỡ bỏ hoặc giữ lại một số cột mốc để làm chứng tích lịch sử, cũng như tạo thuận lợi cho công tác quản lý biên giới, xử lý, khắc phục một số mốc biên giới bị hư hỏng, sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở.
Phái đoàn hai nước cũng trao đổi về việc cắm thêm một số cọc đánh dấu điểm đặc trưng để làm rõ hướng đi của đường biên giới tại một số khu vực đã phân giới cắm mốc hoàn chỉnh.
Hai phía thống nhất tìm giải pháp phân giới cắm mốc đối với 16% đường biên giới còn lại, đồng thời xây dựng hiệp định về quy chế biên giới mới thay thế cho hiệp định ký năm 1983.
Hôm 4/3, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, đến tháng 9/2019, sau 20 năm triển khai công tác phân giới cắm mốc, Việt Nam và Campuchia đã xây dựng được 315 cột mốc chính, 1.511 cột mốc phụ và 221 cọc dấu.
Hai nước đã hoàn thành phân giới hơn 1.044 km trên thực địa, đạt khoảng 84%, được thể hiện trên bản đồ địa hình biên giới Việt Nam – Campuchia.
Tháng 10/2019, Thủ tướng hai nước đã ký kết các văn kiện ghi nhận thành quả công tác phân giới cắm mốc đạt được. Đây là bước ngoặt lớn, tạo thuận lợi cho việc quản lý biên giới, bảo đảm an ninh trật tự trị an khu vực biên giới hai nước.
Đường biên giới đất liền giữa hai nước Việt Nam và Campuchia có điểm khởi đầu tại ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, điểm kết thúc là cột mốc giới số 314 (biên giới Kiên Giang với Kampot), thuộc phạm vi 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Campuchia.
Cáo buộc “bán lãnh thổ Campuchia” cho Việt Nam nhằm vào ông Hun Sen
Vấn đề phân giới, cắm mốc biên giới trước đó nhiều lần được lãnh đạo hai nước đưa ra trao đổi, thảo luận.
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Washington D.C hồi tháng 3, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết, cho đến nay, hai nước đã hoàn thành được khoảng 84% việc phân định biên giới.
Theo ông Hun Sen, Ủy ban Biên giới của hai nước trong suốt thời gian qua đã đàm phán về 6% trong 16% ranh giới đất liền còn lại.
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Hun Sen cho biết một số người đã cáo buộc ông “bán đất Campuchia cho Việt Nam”.
“Có người nói tôi bán lãnh thổ Campuchia cho Việt Nam”, - Sputnik Việt Nam từng dẫn lời ông Hun Sen cho biết.
Theo ông, trên thực tế, Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã nỗ lực hết sức để đảm bảo chủ quyền đất nước và quốc gia.
“Nếu Thủ tướng Hun Sen đem lãnh thổ Campuchia đi bán, tại sao chúng tôi còn cần phải đàm phán và giải quyết các vấn đề biên giới?”, - nhà lãnh đạo đặt câu hỏi.
Theo Khmer Times, trong cuộc hội đàm song phương với người đồng cấp Việt Nam, cả hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy Ủy ban Biên giới hai nước sớm hoàn tất đàm phán về 6% đường biên giới trên đất liền, Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Thủ tướng Kao Kim Hourn cho biết.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Hun Sen cũng đã mời Thủ tướng Việt Nam thăm Campuchia trước Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 11 năm nay để ký kết văn kiện biên giới về 6% đó.