Bài phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin: Bản lĩnh, sắc sảo, khoa học, lạc quan

Nhận định chắc như đinh đóng cột của Tổng thống Nga rằng, một trật tự thế giới mới đang hình thành và trong trật tự mới đó, luật lệ được tạo nên bởi “những người không đi theo con đường mà người khác vạch ra” cho thấy “Gió Đông đang thổi bạt Gió Tây”.
Sputnik
Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF – 2022) diễn ra từ ngày 15-18/6/2022 với nhiều cuộc tiếp xúc, các thỏa thuận hai bên và nhiều bên của gần 1.700 quan chức, doanh nhân Nga và hơn 1.000 quan chức, doanh nhân đến từ 127 quốc gia trên thế giới. Có thể khẳng định, đây là một trong các Diễn đàn kinh tế thế giới quan trọng nhất toàn cầu, bên cạnh các diễn đàn kinh tế thế giới WEF Davos (Thụy Sĩ), Diễn đàn Châu Á Bác Ngao (Trung Quốc), Diễn đàn kinh tế Á – Âu (ASEM) và Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Với quy mô tổ chức rất lớn và thu hút “chất xám” từ 3/4 số lượng quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc, STIEF được ví như “DAVOS của Nga”, và thậm chí nó còn quan trọng hơn khi đề cập một cách có chiều sâu tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đến các vấn đề có liên quan như chiến tranh và hòa bình, vấn đề Bắc Cực, quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sống…
Tổng thống Vladimir Putin, nhà lãnh đạo hàng đầu của nước Nga đã có một bài phát biểu đầy bản lĩnh, sắc sảo và lạc quan, xứng tầm với tầm vóc của Diễn đàn. Sputnik xin giới thiệu bình luận của một số chuyên gia Việt Nam về những điểm nhấn trong bài phát biểu của Tổng thống Nga.
Ông Tập Cận Bình tuyên bố về hướng phát triển hợp tác Trung-Nga

Những ấn tượng rất lớn với những nhận định hoàn toàn mới mẻ, cập nhật rất sát với tình hình thực tế

“Bài phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin rất quy mô. Chắc chắn cả thế giới sẽ trích dẫn và bình luận về nhiều điểm trong bài phát biểu này. Tổng thống Nga đã đưa ra phân tích sâu sắc về nền kinh tế thế giới và những tiến trình rất nóng của nó. Ông còn vạch trần những sự giả dối đang được dàn dựng hiện nay khi phương Tây kết tội Nga trong mọi mặt, vạch trần bằng cách đưa ra những con số, luận chứng rõ ràng, có sức thuyết phục”, - TS Lê Hòa bình luận về bài phát biểu của Tổng thống Nga trong cuộc trả lời phỏng vấn cho Sputnik.

Còn chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Hoàng trong trả lời phỏng vấn của Sputnik đã có bình luận:
Bài phát biểu của Tổng thống Nga đã để lại những ấn tượng rất lớn với những nhận định hoàn toàn mới mẻ, cập nhật rất sát với tình hình thực tế nhưng lại chứa đựng những dự báo có tính khoa học cao với các lập luận sắc sảo và tinh thần lạc quan, lan truyền cảm hứng cho mọi người về một thế giới đang đổi khác, tốt đẹp hơn, công bằng hơn, an toàn hơn.
"Ám chỉ về Biden". Dân Mỹ khoái cách ông Putin đáp lại tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ
Đúng như dự đoán của nhiều chuyên gia quốc tế, Tổng thống Nga đã nói về một “thế giới đa cực, nhiều trung tâm” đang thay thế cho “thế giới đơn cực” do Mỹ và phương Tây cai trị. Nhưng ở SPIEF – 2022, tổng thống Nga đã vạch rõ bản chất của “những kẻ chiến thắng” trong Chiến tranh Lạnh. Đó là việc Mỹ và phương Tây đã mở rộng mô hình “Học thuyết Monrow” ra toàn cầu, đã coi phần còn lại của thế giới là “sân sau” của họ, quy đổi các quốc gia-dân tộc không thuộc nhóm phát triển cao và phát triển (theo tiêu chí Mỹ và phương Tây) vào một tập hợp các thực thể nô lệ, phụ thuộc (Slave) trong một mô hình chủ nghĩa thực dân về kinh tế, chính trị và văn hóa.
Tổng thống Nga cũng đưa ra các lập luận đanh thép về ảo tưởng của Mỹ tự coi mình là sứ giả của Chúa và sứ giả ấy không hề có nghĩa vụ, không hề có trách nhiệm với thế giới mà chỉ luôn đòi hỏi quyền lợi ích kỷ và đơn phương của mình. Và chính ảo tưởng ấy đã dẫn đến các sai lầm điên rồ nhất, khiến họ không nhìn thấy rằng “trong những thập kỷ qua, các trung tâm quyền năng mới đã được hình thành trên hành tinh và ngày càng lớn hơn. Mỗi người trong số họ phát triển hệ thống chính trị và thể chế công của riêng mình, thực hiện các mô hình tăng trưởng kinh tế của riêng mình và tất nhiên, có quyền bảo vệ chúng, đảm bảo chủ quyền quốc gia”.

Nhấn mạnh hơn đến tính chất “con dao hai lưỡi” của các đòn trừng phạt mà Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga

Theo chuyên gia Hồng Long, tổng thống Nga đã nhấn mạnh hơn đến tính chất “con dao hai lưỡi” của các đòn trừng phạt mà Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga và đi đến kết luận rằng các nhà lãnh đạo các quốc gia phương Tây đang giáng một đòn nghiêm trọng vào chính nền kinh tế xã hội của họ bằng các lệnh trừng phạt Nga. Và ông cũng không quên tái khẳng định rằng, Mỹ là một cường quốc đang trên đà suy yếu nhưng lại lợi dụng vấn đề Ukraina như một “cái phao cứu sinh” để đổ mọi nguyên nhân cho Nga nhằm lừa bịp người dân Mỹ và thế giới về nguyên nhân đích thực của tình trạng suy thoái toàn cầu. Nêu ra một cách thẳng thẳng thắn các ví dụ ở Libya, ở Iran, ở Syria.v.v… tổng thống Nga vạch rõ rằng, không chỉ có Nga mà bất cứ một quốc gia nào hành xử không đem lại lợi ích cho Mỹ và phương Tây đều có nguy cơ bị trừng phạt.
Điện Kremlin: Hoa Kỳ và EU chịu trách nhiệm trước hàng triệu người đói do lệnh trừng phạt
Sau khi chứng minh rằng các vấn đề xã hội và kinh tế ở châu Âu ngày càng trầm trọng hơn. Ở Mỹ, giá hàng hóa, thực phẩm và điện cũng như nhiên liệu tăng nhanh; mức sống của người dân châu Âu đang đi xuống và các doanh nghiệp của họ đang mất dần khả năng cạnh tranh; tổng thống Nga đã nhận định rằng các yếu tố đó sẽ gây ra những hậu quả lâu dài trên toàn châu Âu, đồng thời cảnh báo rằng sự suy giảm kinh tế có hệ thống trong nền kinh tế châu Âu sẽ làm trầm trọng thêm các mâu thuẫn sâu sắc vốn có trong các quốc gia phương Tây. Và Tổng thống Nga đã đưa ra nguyên nhân chủ yếu của các tình trạng ấy chính là do Liên minh Châu Âu (EU) đã mất chủ quyền về chính trị. Nói cách khác là chủ quyền ấy đang bị Mỹ chi phối và thao túng.

Chiến dịch Quân sự Đặc biệt trước hết nhằm bảo đảm an ninh cho nước Nga

Nói về Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina, tổng thống Nga nhấn mạnh rằng, đây là một chiến dịch bắt buộc. Chiến dịch đó trước hết nhằm bảo đảm an ninh cho nước Nga, mặt khác, đẩy lùi và tiến tới triệt tiêu khả năng phục hồi của chủ nghĩa phát xít dưới các dạng thức mới nguy hiểm hơn, tàn bạo hơn. Tổng thống Nga cũng phân biệt rất rõ việc Ukraina gia nhập EU hoàn toàn khác với vấn đề Ukraina gia nhập NATO và không gây lo ngại cho Nga. Điều này hoàn toàn hợp lý bởi EU là một liên minh kinh tế-chính trị, còn NATO là một tổ chức liên minh quân sự.
Sau khi nhấn mạnh tính khách quan và không thể đảo ngược của quá trình “toàn cầu hóa” nhưng “phi Mỹ hóa” nền kinh tế-chính trị thế giới , tổng thống Nga đi đến điểm nhấn tiếp theo trong bài phát biểu của ông. Ông nói về hiện tại và tương lai của nước Nga, về truyền thống lịch sử của dân tộc Nga và trách nhiệm của nước Nga đối với thế giới.
Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina
BNG: Nga không có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina

Nước Nga vẫn đứng vững bất chấp các lệnh trừng phạt và cấm vận từ phương Tây

“Tổng thống Nga chứng minh rằng, trước mọi ngón đòn trừng phạt, cấm vận, trước cuộc “chiến tranh kinh tế” khổng lồ của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga nước Nga vẫn đứng vững. Nên nhớ rằng quy mô của cuộc chiến đó rộng lớn và có chiều sâu gấp nhiều lần so với cuộc “Thương chiến Mỹ - Trung” vốn chỉ giới hạn trong vấn đề cán cân thương mại song phương”, - Chuyên gia Hồng Long bình luận với Sputnik.

Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh những cơ hội do khủng hoảng mang lại, khẳng định rằng, nước Nga sẽ không tự khép mình với thế giới, mà ngược lại, phần lớn thế giới đang cùng với nước Nga. Chúng ta có thể thấy rõ rằng, đại diện của những quốc gia lớn và quan trọng như Kazakhstan, Ai Cập và đại diện nền kinh tế hàng đầu trên thế giới - Trung Quốc đã tham dự diễn đàn thảo luận trọng tâm của SPIEF – 2022 và đã xác nhận hợp tác với Nga.
Thành lập thực thể “Đối tác Đại Á – Âu”: Thời gian đã chín muồi
Tổng thống Nga còn khẳng định nền kinh tế Nga vẫn sẽ hưng thịnh, bất chấp các lệnh cấm vận từ phương Tây và Nga đang bước vào kỷ nguyên sắp tới như một quốc gia hùng mạnh và có chủ quyền. Để chứng minh, ông đã nêu một vài số liệu căn bản như kết quả của 5 tháng đầu năm nay, ngân sách liên bang được thực hiện thặng dư 1,5 nghìn tỷ rúp, và ngân sách hợp nhất thặng dư 3,3 nghìn tỷ rúp. Đồng thời, thặng dư ngân sách liên bang chỉ riêng trong tháng 5 đã lên tới gần nửa nghìn tỷ rúp, vượt hơn con số của tháng 5 năm ngoái hơn 4 lần.v.v… và đặc biệt là đang kéo giảm tình trạng lạm phát.

“Điểm mới nhất và quan trọng nhất trong chính sách kinh tế “thích ứng linh hoạt” của Nga, theo lời Tổng thống Vladimir Putin là Nga chú trọng đầu tư hơn nữa vào nền sản xuất thị trường nội địa. Điều này một mặt nhằm “lấp những khoảng trống” mà mà các công ty nước ngoài để lại khi “bỏ chạy” khỏi Nga; mặt khác nhằm đẩy mạnh năng lực sản xuất hàng hóa trong nước, không chỉ bình ổn thị trường mà còn nhằm góp phần vào tăng trưởng kinh tế, làm cho Nga bớt phụ thuộc hơn và đi đến chấm dứt phụ thuộc vào nước ngoài đối với một số sản phẩm thiết yếu”, - Chuyên gia Hồng Long nói với Sputnik.

Tổng thống Putin: Nga không thể bị rào chắn sau "bức màn sắt"

Điểm nhấn lớn nhất và quan trọng nhất

“Điểm nhấn lớn nhất và quan trọng nhất, có thể coi là một “chốt điểm” đầy ý nghĩa để kết thúc tác phẩm chính luận của ông, đó là một kỷ nguyên chủ quyền mới của nước Nga, đó là kỷ nguyên chủ quyền về kinh tế và văn hóa, xã hội”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Hoàng bình luận với Sputnik.
Tổng thống Nga đã nhấn mạnh rằng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây được xây dựng dựa trên thực tế là họ không coi Nga là một quốc gia có chủ quyền. Do đó, Nga phải đứng lên bảo vệ chủ quyền chính trị và độc lập kinh tế, bảo vệ quyền phát triển tự do và an ninh của mình, chống lại những giá trị giả và sự suy thoái.
Phó Thủ tướng LB Nga trao đổi với Đoàn Việt Nam về các dự án mới sản xuất khí đốt tại nước này
Theo đánh giá chung của các chuyên gia quan hệ quốc tế Việt Nam mà Sputnik đã phỏng vấn, bài diễn văn trong vòng 70 phút của tổng thống Nga, đã để lại những nhận thức hoàn toàn mới mẻ bên cạnh những nguyên tắc bất di bất dịch của Nga về một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển và sẵn sàng làm bạn với những “quốc gia thân thiện; đồng thời, cũng để ngỏ cánh cửa tái kết nối với EU.

“Không những thế, việc tổng thống Nga trong bài phát biểu luôn tạo ra mối liên hệ biện chứng giữa các vấn đề kinh tế với các vấn đề chính trị toàn cầu, giữa lịch sử với hiện tại để hướng về tương lai đã cho thấy một sự khác biệt rất lớn của SPIEF-2022. Đặc biệt là nhận định chắc như đinh đóng cột của Tổng thống Nga rằng một trật tự thế giới mới đang hình thành và trong trật tự mới đó luật lệ được tạo nên bởi “những người không đi theo con đường mà người khác vạch ra” cho thấy “Gió Đông đang thổi bạt Gió Tây”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Hoàng nhấn mạnh với Sputnik.

“Chúng ta có thể thấy hai kết luận chính từ bài phát biểu của Tổng thống Nga. Thứ nhất, nước Nga không một mình, nước Nga không tự cô lập, nước Nga cùng với cả thế giới. Thứ hai, nước Nga tiến về phía trước, cùng với nhiều quốc gia khác muốn là nhà nước có chủ quyền”, - TS Lê Hòa đưa ra đánh giá với Sputnik.
Thảo luận