Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg lần thứ 25 (SPIEF - 2022) diễn ra từ ngày 15-18/6 tại TP St. Petersburg, LB Nga với chủ đề “Một thế giới mới – những cơ hội mới”. Phát biểu tại phiên họp toàn thể hôm 17/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh rằng, nước Nga đang bước vào kỷ nguyên của những thay đổi kiến tạo với tư cách là một quốc gia hùng mạnh, có chủ quyền và chắc chắn sẽ tận dụng những cơ hội đang mở ra.
Khoảng 14 000 người đại diện cho 127 quốc gia đã tham gia SPIEF - 2022. Có tới gần 80 quốc gia đã cử đại diện chính thức.
Theo đánh giá chung của các chuyên gia về kết quả của Diễn đàn, có thể khẳng định, SPIEF – 2022 đã rất thành công, vượt trên cả mong đợi.
Sputnik đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về các vấn đề quan hệ kinh tế quốc tế về kết quả của SPIEF – 2022.
SPIEF-2022: Những điểm nhấn quan trọng nhất
Sputnik: Thưa ông Nguyễn Hồng Long, theo ông thì SPIEF-2022 có những điểm đặc biệt và nổi bật gì về nội dung?
Với chủ đề “Một thế giới mới – những cơ hội mới”, SPIEF-2022 có nhiều điểm nhấn rất quan trọng và cũng có nhiều tiến bộ có tính đột phá so với những lần tổ chức trước đây.
Trước hết, bên cạnh các hoạt động đàm phán, thỏa thuận, tham vấn và tư vấn.v.v… về kinh doanh, SPIEF-2022 còn chú ý đến một loạt những yếu tố mới nổi lên và thu hút sự chú ý của giới doanh nhân Nga và các nước. Đó là vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, của các công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp sáng tạo, của viễn thông và số hóa trong kết nối kinh doanh. SPIEF-2022 cũng đề cập đến nhiều vấn đề có liên quan mật thiết đến kinh tế như vấn đề khai thác các nguồn lợi ở Bắc Cực, vấn đề công nghệ mới liên quan đến tài nguyên và môi trường, vấn đề an toàn thực phẩm.v.v…
Được tổ chức trong khi Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vẫn tiếp diễn ở Ukraina thì tất nhiên là lãnh đạo cấp cao của các quốc gia “không thân thiện” đang cấm vận và trừng phạt Nga sẽ không thể có mặt. Tuy nhiên, phần còn lại của thế giới có dân số, diện tích và tiềm lực kinh tế phát triển và đang phát triển vẫn chiếm ưu thế. Bởi vậy, trong một thế giới đang trở nên đa diện hơn và có nhiều hướng phát triển mới, có những trung tâm quyền lực mới như Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á, Mỹ Latinh thì khoảng trống từ việc các công ty phương Tây rút khỏi Nga chắc chắn sẽ được lấp đầy bởi những đối tác nói trên.
Trong những đặc điểm quan trọng của SPIEF-2022, không thể không nhắc tới những điểm nhấn quan trọng trong bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đó là vấn đề chủ quyền toàn vẹn của các quốc gia. Bài phát biểu của Tổng thống Nga đã cho chúng ta một khái niệm hoàn chỉnh về chủ quyền và độc lập. Theo khái niệm xưa cũ thì vấn đề chủ quyền độc lập chỉ xoay quanh ba vấn đề chính trị, quân sự và an ninh với đối tượng hàng đầu là lãnh thổ (bao gồm vùng đất, vùng trời và vùng biển).
Khái niệm mới về chủ quyền mà Tổng thống Nga nêu ra không chỉ nhằm tới ba đối tượng nói trên mà còn xác định thêm đối tượng không gian mạng và khoảng không vũ trụ. Cũng theo sự mở rộng này, chủ quyền của một quốc gia còn bao gồm cả chủ quyền về kinh tế, về tài chính, về văn hóa. Các quốc gia đối tác có quan hệ khăng khít với nhau nhưng phải bình đẳng, tránh lệ thuộc về tài chính như thế giới hiện đang lệ thuộc và USD và EURO hay các đồng tiền “mạnh” khác. Tổng thống Nga cũng nêu lên 5 nguyên tắc về chủ quyền kinh tế bao gồm cởi mở, tự do, công bằng xã hội, cơ sở hạ tầng và chủ quyền công nghệ. Đó là những khái niệm kinh tế-chính trị mới mà các chuyên gia sẽ làm rõ nội hàm.
Tại SPIEF-2022, các chuyên gia cũng làm rõ nguyên nhân sâu xa của tình trạng lạm phát đang gia tăng trên toàn cầu, trước hết là ở các quốc gia G7. Các diễn giả cho rằng nguồn gốc của tình trạng ấy là do Mỹ và phương Tây đã chống dịch bằng cách in ra hàng nghìn tỷ USD và EURO trong khi nguồn cung hàng hóa bị thu hẹp do sản xuất đình đốn. Từ đó dẫn đến sự méo mó trong dòng chảy thương mại. Sâu xa hơn nữa, hành động chủ động gây lạm phát với lý do gia tăng “cầu” để kích thích “cung” còn làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và chia rẽ trong xã hội, không chỉ về mặt phúc lợi mà còn về giá trị và định hướng của các nhóm khác nhau. Việc tạo ra các nhu cầu ảo về tiêu dùng như Mỹ và phương Tây đang thực hiện sẽ làm gia tăng chủ nghĩa dân túy và các phong trào cấp tiến, là mầm mống tạo ra các nguy cơ suy thoái và khủng hoảng toàn diện.
Với những đặc điểm khác biệt nổi bật như vậy, SPIEF-2022 không chỉ bó hẹp nội dung trong các vấn đề kinh tế mà còn mở rộng cuộc thảo luận đến các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội và công nghệ có liên quan. Vì vậy, có cơ sở để cho rằng, SPIEF-2022 còn đem lại cả những cái mới về lý luận kinh tế vĩ mô toàn cần cũng như những góc nhìn toàn diện, nhiều chiều đối với kinh tế thế giới. Từ đó, cộng đồng quốc tế mới có thể tìm gia các giải pháp chiến lược đúng đắn.
Thành công của SPIEF-2022 đã đánh dấu một bước tiến mới trong những mô hình hợp tác mới
Sputnik: Thưa ông Nguyễn Hồng Long, con số hơn 13 500 người tham gia, các hợp đồng ký được trị giá 5,6 nghìn tỷ rúp, chưa tính tới con số liên quan tới thông tin thương mại mật, ông có bình luận gì về kết quả này?
Ông Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về các vấn đề quan hệ kinh tế quốc tế:
Điều đặc biệt nhất của SPIEF-25 là nó được Nga tổ chức trong hoàn cảnh bị Mỹ và phương Tây bao vây, cấm vận và trừng phạt ngặt nghèo, khiến cho dư luận lo lắng về khả năng thành công của diễn đàn. Nhưng, vào ngày 18/6, ngày bế mạc Diễn đàn, đã có thể nói, kết quả của SPIEF-25 đã vượt qua cả những dự báo lạc quan nhất.
Với kết quả gần 3.000 tổ chức đối tác đã tham gia diễn đàn và ký kết trên 1.000 hợp đồng kinh doanh có trị giá 5.600 tỷ RUB (khoảng 100 tỷ USD) thì đây là một con số khổng lồ. Thật thú vị là con số này gần trùng với con số 98 tỷ USD mà Nga thu được nhờ xuất khẩu năng lượng trong khoảng 100 ngày bị Mỹ và phương Tây bao vây, cấm vận và trừng phạt vừa qua.
Các diễn đàn kinh tế lớn khác như DAVOS, ASEAN, APEC .v.v… cũng chưa bao giờ đạt được đến con số 100 tỷ USD giá trị của các hợp đồng, thỏa thuận song phương và đa phương. Đây là một kỷ lục mới của SPIEF-2022, vượt qua kỷ lục cũ được SPIEF lần thứ 24 thiết lập năm 2021 là hơn 890 hợp đồng có tổng giá trị 4.300 tỷ RUB (khoảng 66 tỷ USD). Tuy nhiên, đó mới chỉ là thống kê sơ bộ. Đến thời điểm hiện tại, các nhà tổ chức SPIEF-2022 vẫn chưa thể ước tính được giá trị tổng số hợp đồng đã được ký kết tại diễn đàn này. Đúng như chị đã nói, con số liên quan tới thông tin thương mại mật còn chưa được tính tới.
Những con số trên không chỉ phản ánh sức mạnh, sức hấp dẫn của một diễn đàn kinh tế quốc tế quan trọng nhất nhì thế giới mà còn hỗ trợ cho khả năng ra đời của một tập hợp nhóm quyền lực kinh tế mới do Liên bang Nga đề xuất. Đó là mô hình “Đối tác Đại Á – Âu” với bộ ba EAEU, SCO và ASEAN. Thành công của SPIEF-25 đã đánh dấu một bước tiến mới trong những mô hình hợp tác mới, với luật chơi mới để các quốc gia Châu Á và Châu Âu sẽ đi con đường của riêng mình trong sự công bằng, bình đẳng, xóa bỏ sự lệ thuộc bất công vào Mỹ và phương Tây.
SPIEF-2022 lại mở ra những mô hình mới trong quan hệ kinh tế quốc tế
Sputnik: Thành công của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF-2022) lần thứ 25 đã nói lên và thể hiện những điều gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về các vấn đề quan hệ kinh tế quốc tế:
Thành công của Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) lần thứ 25 đã nói lên nhiều điều.
Trước hết, đó là câu trả lời đích đáng cho hàng chục nghìn lệnh cấm vận và trừng phạt các loại mà Mỹ và phương Tây đang nhằm vào Nga. Thành công đó cho thấy chính sách bao vây, cô lập, chèn ép, bóp nghẹt kinh tế Nga của phương Tây đã thất bại một bước quan trọng và sẽ thất bại hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn.
Thứ hai là nó chứng tỏ tính đúng đắn của chính sách kinh tế “hướng Đông” mà Liên bang Nga đã khởi động từ hơn 10 năm trước đó và đến nay đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, mang lại nhiều lợi ích cho Nga và các đối tác của họ cũng như tạo ra những mối kết nối hoàn toàn mới về kinh tế-chính trị ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, làm cho khu vực năng động nhất thế giới này có nhiều cơ hội để thoát khỏi sự kiểm soát của Mỹ và phương Tây cũng như giảm thiểu sự chi phối của đồng Dollar Mỹ.
Tiếp theo là Liên bang Nga không những không lâm vào thế cô lập mà ngược lại, họ còn có thêm nhiều đối tác, nhiều bạn hàng tin cậy hơn do không có hoặc ít có xung đột, mâu thuẫn về địa chiến lược, địa chính trị. Chỉ cần nhìn vào con số 2.700 đại diện tổ chức kinh tế nước ngoài xác nhận sẽ tham gia diễn đàn, trong đó có hơn 1.000 lãnh đạo các tập đoàn, công ty xuyên quốc gia đến từ 127 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 130 sự kiện với sự tham gia của 700 diễn giả đã được tiến hành cũng đủ cho thấy tầm vóc của diễn đàn này trong lần tổ chức thứ 25.
Một vấn đề quan trọng hơn cả là nếu Diễn đàn kinh tế thế giới Davos (WEF) ngày càng đi vào sự sáo mòn, thậm chí có một số lĩnh vực bế tắc, không khai thông được các dòng chảy hàng hóa và tiền tệ khi thế giới đang lâm vào các cuộc khủng hoảng bộ ba gồm năng lượng, lương thực và tài chính thì SPIEF-2022 lại mở ra những mô hình mới trong quan hệ kinh tế quốc tế.
Nhiều người ví SPIEF là “DAVOS của Nga” nhưng tôi cho rằng không phải như vậy. DAVOS vốn được tổ chức lần đầu trước SPIEF mấy năm là nhằm thực hiện tham vọng dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu đi theo sự điều khiển của Mỹ, làm giàu cho Mỹ và xác định địa vị độc tôn của Mỹ trong một thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo. Còn SPIEF được tổ chức để tiến tới một thế giới đa cực, nhiều trung tâm, làm cho quan hệ kinh tế quốc tế ngày càng năng động hơn khi đang lần lượt loại bỏ những định chế kiểu “thực dân kinh tế” lỗi thời, chỉ có lợi cho một số nước giàu và bất công với phần còn lại của thế giới. Và như vậy, SPIEF đang hướng tới việc cho ra đời các “luật chơi mới” nhằm đem lại sự công bằng và bình đẳng về quan hệ kinh tế giữa các quốc gia.
Sputnik: Chân thành cảm ơn ông Nguyễn Hồng Long vì cuộc trao đổi thú vị!