Blogger đăng video clip nói vải thiều Lục Ngạn “tan tác”, lãnh đạo Bắc Giang phản pháo

Ông T.V.Q, blogger, chủ kênh Youtube “Thương hiệu Lục Ngạn TV” đăng loạt video clip nói vải thiều Lục Ngạn vỡ trận, Lục Ngạn “tan tác”, người dân Lục Ngạn sẽ lỗ to, thua thiệt, khá là đau đớn…đã bị mời lên làm việc.
Sputnik
Chính quyền Bắc Giang lên tiếng về tin vải thiều chất lượng cao nhưng chỉ có giá 5.000 đồng/kg.

Xử phạt

Ngày 24/6, Công an Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết, đơn vị này đã xác minh và lập biên bản xử phạt đối với ông T.V.Q, blogger, chủ kênh Youtube “Thương hiệu Lục Ngạn TV”, người đăng tải video lên mạng xã hội những thông tin không đúng về thị trường vải thiều ở Lục Ngạn.
Theo cơ quan chức năng, qua xác minh, Công an huyện Lục Ngạn xác định người đăng tải video trên là ông T.V.Q (sinh năm 1980) ở xã Biển Động, huyện Lục Ngạn.
Làm việc với cơ quan Công an, ông T.V.Q, 42 tuổi, trú xã Biển Động, huyện Lục Ngạn, thừa nhận hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân”.
Cũng tại cơ quan Công an, ông Q. đã gỡ video đã đăng tải. Đồng thời, blogger này cũng cam kết sẽ đăng video để cải chính thông tin không đúng sự thật.
Ngoài việc nhắc nhở ông T.V.Q, Công an huyện Lục Ngạn cũng đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 5 triệu đồng đối với ông T.V.Q vì cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang dư luận về hành vi “vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội”, quy định tại điều 101 Nghị định 15.

“Lục Ngạn vỡ trận”?

Những ngày tháng 6 này, trên mạng xã hội YouTube xuất hiện đoạn video/clip xung quanh mùa vải ở Lục Ngạn, Bắc Giang.
Video mang tiêu đề “vải thiều chưa bao giờ tụt giá thảm hại như năm nay - 5k/kg 20/6/2022 của kênh “Thương hiệu Lục Ngạn TV” gây xôn xao, thậm chí là hoang mang trong dư luận.
Cụ thể, trong video có những lời lẽ được cho là "thiếu tính xây dựng" và khiến dư luận hiểu nhầm như “Lục Ngạn vỡ trận”, “người dân Lục Ngạn sẽ lỗ to, thua thiệt khá là đau đớn”, “Lục Ngạn năm nay sẽ tan tác hết”.
Đặc biệt, người này cũng ghi hình cận cảnh các điểm nghẽn giao thông dọc tuyến Quốc lộ 31 từ xã Tân Hoa đến xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) do người dân chở vải đi bán, cùng các điểm thu mua và báo giá vải thiều.
Công an Bắc Giang nhận định, video này của blogger T.V.Q gây hoang mang, ảnh hưởng tiêu cực đến việc tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn. Điểm đáng nói là, nhiều người dân có mặt trong các video tỏ ý bất bình và yêu cầu dừng quay clip. Tuy nhiên, người này vẫn cố tình quay và đưa lên kênh YouTube “Thương hiệu Lục Ngạn TV”.
Giữa tâm dịch, Bắc Giang đã nỗ lực ra sao để xuất khẩu 20 tấn vải thiều sang Nhật?
Xác quá trình xác minh và nắm bắt thông tin, Công an huyện Lục Ngạn đã xác minh và xác định ông Q. là người đã đăng tải đoạn video.
Được biết, ông T..VQ. là chủ sở hữu kênh YouTube "Thương hiệu Lục Ngạn TV". Những video ông Q. đăng tải chủ yếu nói về nông nghiệp, vải thiều Lục Ngạn và thu hút rất nhiều người theo dõi, có những video lên tới hơn 1 triệu lượt xem.

Lãnh đạo nói gì?

Ngày 23/6, đại diện lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) thông tin với báo chí khẳng định, không hề có chuyện vải thiều chất lượng cao có giá 5 nghìn đồng/kg như các video lan truyền trên mạng xã hội.
Cụ thể, ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang phủ nhận giá vải thiều như trong video đăng tải.
“Không có chuyện vải thiều chất lượng cao của Lục Ngạn có giá 5 nghìn đồng/kg. Thực tế trong những ngày qua, giá vải thiều xuất khẩu dao động từ 15 đến hơn 30 nghìn đồng/kg, tùy từng loại. Chỉ có vải xấu, thải loại mới có giá 5 nghìn đồng/kg”, ông Thi nêu rõ.
Vị lãnh đạo cũng lưu ý, do thời gian vải thiều chín chỉ kéo dài khoảng 1,5 tháng, trong khi diện tích vải của Lục Ngạn lớn nên cùng một thời điểm trong buổi sáng hàng ngày sẽ có cả chục nghìn hộ mang vải xuống chợ bán, dẫn đến tắc đường cục bộ.
Vị này cũng bổ sung thêm rằng, sau khi video “Lục Ngạn tan tác” mà chủ kênh Youtube đăng tải, nhiều người dân tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) hết sức bất bình với chủ sở hữu kênh “Thương hiệu Lục Ngạn TV” làm các video mang mục đích chỉ để câu like, câu views nhằm quảng cáo sản phẩm cho mình.
Cụ thể, theo ông Thi, việc làm này gây hoang mang, bất bình trong dư luận, nhất là tâm lý người trồng vải thiều. Khẳng định với VOV, ông Phi xác nhận đã đề nghị lực lượng công an sớm vào cuộc điều tra, làm rõ sự việc, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đại diện lãnh đạo Công an huyện Lục Ngạn cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo tích cực nắm tình hình, xử lý nghiêm các trường hợp đăng tải thông tin bịa đặt gây ảnh hưởng đến việc tiêu thụ vải thiều của địa phương.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Oanh, Bí thư huyện Lục Ngạn cũng khẳng định không có chuyện giá vải thiều 5.000 đồng/kg.
“Hiện giá vải dao động 13.000 - 30.000 đồng/kg (chẳng hạn như tại ngày hôm nay 24/6). Với các trường hợp đăng tải thông tin ảnh hưởng tiêu cực đến việc tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm theo quy định”, ông Oanh nhấn mạnh.
Cũng theo vị lãnh đạo này, về lâu dài, huyện sẽ đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều trong nội địa, đa dạng thị trường xuất khẩu, quảng bá quả vải qua các đoàn du lịch… từ đó nâng cao giá bán vải cho bà con nông dân trồng vải.

Vải thiều Bắc Giang đủ tiêu chuẩn xuất đi mọi thị trường?

Hiện tại, Bắc Giang có 149 mã vùng trồng với tổng diện tích hơn 15.000 ha xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường Nhật Bản có 34 mã (hơn 274 ha), thị trường Mỹ, EU có 19 mã (hơn 230 ha) và 2 mã xuất khẩu sang Thái Lan (20 ha).
Thông tin từ Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Bắc Giang cho biết, các mẫu vải thiều (chủ yếu tại vựa vải chín sớm huyện Tân Yên) được gửi đến Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng đều đạt toàn bộ 821 chỉ số về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Multimedia
Mùa vải thiều tại Việt Nam
Chi cục này nhấn mạnh, mạng lưới Eurofins có hơn 900 cơ sở tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, cơ sở này là phòng kiểm nghiệm độc lập, với các chứng nhận, chỉ định từ các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Y Tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường. Sản phẩm trước khi xuất khẩu, chủ yếu sang thị trường châu Âu, đều cần kiểm nghiệm tại Eurofins.
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Bắc Giang cho biết, với việc bảo đảm 821 chỉ số về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vải thiều Bắc Giang “đủ điều kiện xuất khẩu, cung ứng cho tất cả các thị trường trên thế giới”.
Hiện Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật Bắc Giang tiếp tục lấy thêm khoảng 50 mẫu vải thiều tại vựa vải chính vụ Lục Ngạn để phân tích. Kết quả dự kiến sẽ có trong ít ngày tới.
Theo Sở Công thương Bắc Giang cũng thông tin, vải thiều của tỉnh chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, với hơn 95% thị phần. Số còn lại được xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, EU và Campuchia. Riêng đối với thị trường truyền thống Trung Quốc, mỗi ngày có khoảng 80 xe chở vải thiều tươi được thông quan theo “luồng xanh” qua cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. Vải thiều khô và nông sản qua chế biến được xuất qua cửa khẩu Kim Thành, tỉnh Lào Cai.
Theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ, sau khi kiểm dịch, vải thiều được tập kết vào một bãi riêng và có đường riêng để tạo điều kiện xuất khẩu nhanh nhất sang Trung Quốc. Dù hạn chế giao thương để duy trì chính sách "Zero Covid", phía Trung Quốc cam kết không để xe vải thiều nào từ Việt Nam phải chờ quá 3 ngày tại cửa khẩu.
Thảo luận