"Chúng tôi trao đổi với Ukraina hàng ngày để biết về khoảng trống năng lực và nhu cầu của họ. Lý do là chúng tôi muốn giữ cho nó phù hợp với những gì đang diễn ra trên chiến trường", - ông Kirby nói tại cuộc họp báo.
Đó là lời giải thích cho câu hỏi vì sao Tổng thống Mỹ Joe Biden đôi khi từ chối cung cấp cho Ukraina một số vũ khí sát thương nhất định, nhưng có những lúc lại đồng ý.
Kirby lưu ý rằng cơ cấu viện trợ ban đầu thiên về tên lửa chống tăng và phòng không - Javelin và Stinger, sau đó theo diễn biến tình hình Mỹ bắt đầu cung cấp pháo và huấn luyện người Ukraina sử dụng lại vũ khí này.
"Khi chiến tranh tiếp diễn và lan rộng thì nhu cầu của họ phát triển thêm, sự đóng góp của chúng tôi cũng tăng lên", - ông Kirby nói và cho biết thêm rằng Mỹ sẽ không thực hiện các bước đi dẫn đến leo thang, sau khi đổ lỗi cho Nga về việc này theo nếp cũ.
Viện trợ quân sự cho Ukraina
Lầu Năm Góc trước đó đã tiết lộ thành phần gói viện trợ quân sự mới cho Ukraina, trong đó có 4 tổ hợp tên lửa phóng loạt HIMARS, 18 tàu tuần tra và 36 nghìn quả đạn pháo. Các lô hàng tổng trị giá 450 triệu USD cũng sẽ bao gồm 18 "ô tô chiến thuật" để kéo các loại pháo kiểu phương Tây, 1.200 súng phóng lựu, 2.000 súng máy, "phụ tùng thay thế và các thiết bị khác".
Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã viện trợ quân sự cho Ukraina 6,8 tỷ USD, trong đó có 6,1 tỷ USD được cung cấp kể từ 24/2 là ngày Nga mở chiến dịch đặc biệt.