Theo đó, Công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố vụ án hình sự và nhờ các đơn vị chuyên môn của Bộ Công an vào cuộc cùng hỗ trợ điều tra vụ 5 người trong một gia đình tử vong bất thường chưa rõ nguyên nhân sau bữa cơm trưa ở huyện Kim Động.
Liên quan đến đường dây làm nhanh căn cước công dân ở TP.HCM do Đại úy Công an Lê Ngọc Minh “cầm đầu”, Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã nỗ lực “hạn chế tiêu cực” và mở thêm các điểm làm căn cước.
Công an TP.HCM thông tin vụ Đại úy Công an Gò Vấp 'làm nhanh' CCCD
Như Sputnik đã thông tin, chiều 30/6, Bộ Công an đã tổ chức buổi họp báo về tình hình, kết quả công tác Công an 6 tháng đầu năm 2022.
Tại buổi họp báo, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết đã thành lập các đoàn kiểm tra sau vụ đại úy Công an quận Gò Vấp 'làm nhanh' CCCD.
“Sau vụ việc Đại úy Lê Ngọc Minh - cán bộ công an quận Gò Vấp, Ban Giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo công an các đơn vị nghiệp vụ thành lập đoàn kiểm tra ở từng địa phương và chỉ đạo các đơn vị tăng cường phối hợp, xử lý bất cập trong việc thu nhận và trả CCCD để tạo điều kiện cho người dân nhận được hồ sơ nhanh chóng, hạn chế tiêu cực", - Thượng tá Hà cho biết.
Trước đó, báo Pháp luật có bài phóng sự ghi nhận, tại Gò Vấp có tình trạng cò chào mời làm CCCD dịch vụ với giá 3 đến 4 triệu đồng, với dấu hiệu móc nối với một cán bộ công an. Những người có nhu cầu cần chi số tiền khoảng 3,5 triệu đồng và chờ 3-5 ngày sẽ có CCCD.
Qua tìm hiểu, cán bộ được cò móc nối để làm nhanh CCCD liên quan vụ việc trên là Đại úy Lê Ngọc Minh.
Ngày 6/5/2022, Công an quận Gò Vấp đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác với Đại úy Minh để điều tra, xác minh.
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, bước đầu, cơ quan công an nhận định, vi phạm của Đại úy Minh có tính chất đơn lẻ, lợi dụng vị trí công tác để trục lợi, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của lực lượng Công an TP.HCM.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Ban Giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo nhiều nội dung, đưa ra các giải pháp đến các đơn vị và cán bộ chiến sĩ.
Thường vụ Đảng ủy Công an TP.HCM giao Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội tham mưu, lập đoàn kiểm tra việc thực hiện Đề án 06, tập trung kiểm tra quy trình cấp, trả thẻ CCCD của các đơn vị, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sơ hở, thiếu sót, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm.
Công an TP.HCM đã bố trí thêm số điểm cấp CCCD trên địa bàn, từ 34 điểm lên 46 điểm.
Trong đó, Gò Vấp tăng thêm 4 điểm, Thủ Đức tăng thêm 2 điểm, quận 8 tăng thêm 2 điểm, Bình Tân thêm 1 điểm, Tân Bình thêm 1 điểm, Bình Chánh thêm 1 điểm; Nhà Bè thêm 1 điểm.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận phản ánh kiến nghị, giải đáp thắc mắc của người dân về việc tiếp nhận hồ sơ và trả thẻ CCCD.
Vụ 5 người tử vong sau bữa cơm ở Hưng Yên ‘có dấu hiệu hình sự’
Cũng tại buổi họp báo chiều 30/6, lãnh đạo Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, cơ quan điều tra tỉnh này đã khởi tố vụ án liên quan đến việc 5 người trong cùng gia đình ở huyện Kim Động chết bất thường sau bữa cơm trưa.
Theo đó, Đại tá Nguyễn Thành Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên, cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, công an tỉnh đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Viện KSND tỉnh Hưng Yên đánh giá các tài liệu chứng cứ, từ đó xác định đây là vụ án hình sự.
Đại tá Nguyễn Thành Sơn cho biết, vì vụ án có tính chất phức tạp nên công an tỉnh vẫn đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an.
“Chúng tôi sẽ cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí thời gian tới”, - Đại tá Sơn nhấn mạnh.
Vụ 5 người tử vong bất thường sau bữa cơm ở Hưng Yên
Như Sputnik đưa tin, trưa 26/12/2021, ông Nguyễn Văn Sản (ở thôn Lai Hạ Trung, xã Hùng An) có làm mâm cơm gia đình. Cùng ăn ngày hôm đó có 9 người là vợ chồng ông Sản, gia đình 2 con gái là Nguyễn Thị Tươi, Nguyễn Thị Tình.
Bà Nguyễn Thị Thắm (vợ ông Sản) cho hay, bữa ăn trưa hôm đó vốn không được kế hoạch từ trước. Theo bà Thắm, hôm xảy ra vụ việc, khi bà đi chợ mua sạc điện thoại thì gặp con gái là Nguyễn Thị Tươi cùng đi chợ.
Nhân đó, bà rủ Tươi đưa các con qua nhà ăn cơm trưa. Sau đó, bà gọi luôn cho con gái út là Nguyễn Thị Tình cùng sang ăn.
Hai chị em Tình, Tươi là những người nấu chính cho bữa cơm. Các món ăn hôm đó bao gồm thịt lợn, chả lợn, trứng rán, đậu phụ và rau cần.
"Mọi người ăn cùng một mâm và không có người lạ nào đến nhà thời điểm đó", - bà Thắm cho hay.
Chỉ 30 phút sau bữa ăn, cháu N.V.H.N. (9 tuổi, con trai chị Tươi) bị đau bụng và nôn ói. Sau khi đưa bé N. đi bệnh viện được 5 phút thì đến lượt bé B. (5 tuổi, con chị Tình) cũng bị đau cổ, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Hưng Yên.
Đến tối 26/12, cả hai cháu cùng tử vong. Gia đình đã từ chối giám định pháp y và đưa hai cháu về làm tang lễ.
Tuy nhiên, sự việc chưa dừng lại ở đó. Ngay hôm sau, ngày 27/12, chị Tươi và chị Tình có triệu chứng đau bụng, buồn nôn và được đi cấp cứu tích cực tại bệnh viện ở Hà Nội. Chiều 28/12, chị Tươi qua đời. Đến trưa 29/12, chị Tình cũng không qua khỏi.
Bà Thắm cho hay, anh Nguyễn Văn Dũng (chồng chị Tươi) không có mặt trong bữa cơm hôm đó vì có công việc tại Thái Bình. Tuy nhiên, khi đưa thi thể vợ từ bệnh viện về nhà, anh Dũng bất ngờ hôn mê, được cấp cứu tại một bệnh viện ở Hà Nội.
Ngày 16/1, sau hơn nửa tháng điều trị, anh Nguyễn Văn Dũng không qua khỏi.