Xoay quanh vấn đề đáng báo động này, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo.
Con số nói lên tất cả
Tại cuộc tọa đàm mang chủ đề “Thực trạng sức khỏe – hạnh phúc của người Việt Nam và giải pháp kiến tạo nếp sống khỏe - sống an”, do Hội Tâm lý Trị liệu Việt Nam tổ chức tại TP.HCM, một con số được đề cập rất đáng chú ý, có đến gần 40.000 người Việt Nam tự tử mỗi năm vì trầm cảm.
Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Report - WHR) năm 2022 cho thấy, Việt Nam có chỉ số hạnh phúc đứng thứ 77 trên tổng số 150 quốc gia.
Trong khi đó, theo thống kê của Tổng Cục dân số, phụ nữ Việt có tuổi thọ trung bình 77,1 nhưng có đến 11 năm sống chung vật lộn với bệnh tật.
Ở Việt Nam, nam giới có tuổi thọ trung bình 74,4 tuổi và 8 năm mắc bệnh. Đặc biệt, có đến 96% người Việt mang gánh nặng bệnh tật kép, chủ yếu là bệnh mãn tính và không lây nhiễm.
Liên quan đến bệnh trầm cảm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận năm 2012, có 350 triệu người đang phải chịu nhiều ảnh hưởng của bệnh rối loạn lo âu, trầm cảm mỗi năm.
Thống kê của Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) năm 2017, có gần 40.000 người Việt tự tử mỗi năm, gấp 4 lần số người tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT), đây cũng là một trong những lý do người ta hay nói “vì sao thời bình vẫn chết nhiều”…
Đặc biệt, thời nay, dưới ảnh hưởng của định kiến xã hội, sự phát triển đa chiều và khôn lường cũng như ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội, dường như người ta dễ bị stress và ngày càng quan trọng hóa vấn đề trầm cảm hơn trong khi thiếu đi kiến thức về sức khỏe tâm lý.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã cảnh báo về 5 căn bệnh cản trở sự phát triển kinh tế tại khu vực châu Á, đó là các căn bệnh lo âu, căng thẳng, trầm cảm, tự sát, rối loạn sau chấn thương và rối loạn chất gây nghiện là những mảng tối đáng lo ngại của xã hội.
Cũng theo WHO, trầm cảm là căn bệnh phổ biến và là gánh nặng bệnh lý đứng thứ 2 của toàn thế giới, chi phí y tế cho rối loạn lo âu cũng lớn gấp 3 lần các bệnh nội khoa thông thường. Trong năm đầu tiên của đại dịch Covid-19, tỷ lệ lo âu và trầm cảm trên toàn cầu đã tăng lên 25%.
Những vụ tự sát
Vụ một nam sinh lớp 10 trường THPT Hà Nội Amsterdam nhảy lầu tự tử từng làm dấy lên vấn đề không thể xem thường những biểu hiện stress, trầm cảm ở học sinh, nhất là khi phải chịu áp lực học hành từ kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô, trường chuyên, lớp chọn.
Một nghiên cứu trong các năm 2019-2020 tại Bệnh viện Nhi Trung ương với đối tượng học sinh 10-19 tuổi cho thấy: 55,6% số trẻ có sang chấn tâm lý (áp lực học tập: 20%, áp lực gia đình: 20,5%, quan hệ bạn trong trường: 8,9%...).
Rối loạn trầm cảm nặng có thể khởi phát ở bất kỳ lứa tuổi nào, thường khoảng 25-30 tuổi. Tuy vậy, trẻ em cũng có thể rơi vào lo âu, trầm cảm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 20% trẻ em và vị thành niên bị rối loạn tâm thần, 50% khởi phát ở độ tuổi 14. Trầm cảm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tàn tật ở trẻ vị thành niên. Tự tử là nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở lứa tuổi 15-19.
Hồi tháng 6 này, một bé trai 2 tháng tuổi bị chính người mẹ ruột vứt xuống từ tầng 5 Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) vì trầm cảm. Vụ người dân phát hiện hai cha con chết trong chung cư ở Thủ Đức.
Bước đầu công an xác định người cha bị trầm cảm đã treo cổ con rồi sau đó tự tử theo. Một người mẹ ở Hà Tĩnh chém đứa con hơn 2 tháng tuổi ngay tại nhà, và cũng định đi tự tử vì trầm cảm…. hàng loạt vụ tự tử ở biển Cửa Đại bắc qua sông Thu Bồn, nối liền xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) được báo chí phản ánh… Trầm cảm ở xã hội Việt Nam đang là vấn đề rất đáng quan tâm.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Nghiên cứu và ứng dụng tâm lý DR.PSY nói trên báo Tuổi Trẻ rằng, tự tử là một phương thức thể hiện rõ ràng của một tổn thương tâm lý nặng nề, người tự tử thường ở trong trạng thái cùng quẫn và bế tắc. Hiện nay hiện tượng tự tử nói chung, bố mẹ tự tử cùng với con cái nói riêng ngày càng xuất hiện nhiều.
Đồng thời, những lý do cần quan tâm đến là yếu tố sinh lý (hệ thần kinh) và yếu tố xã hội (các mối quan hệ xã hội, gia đình…). Sẽ khó để nói rằng yếu tố nào có ảnh hưởng nhiều hơn đến quyết định tự tử của một người. Ngoài ra, những người tự tử cùng người thân (con cái, vợ chồng…), thường họ coi những người thân của mình là người yêu thương nhất, quan trọng nhất, hoặc là người có ảnh hưởng đến trạng thái sức khỏe, cảm xúc của họ và họ muốn “mang theo”.
“Hoặc họ cũng muốn họ là người bảo vệ duy nhất và tốt nhất cho người thân đó trước những điều mà họ cho là tác động xấu từ phía môi trường sống. Một số khác cho rằng việc chết đi có thể được 'đầu thai' ở một cuộc sống khác tốt đẹp hơn”, - chuyên gia tâm lý nói.
Trong khi đó, theo bác sĩ Hồ Thu Yến, Viện Sức khỏe tâm thần, đa số các vụ tự tử có thể đề phòng được qua việc theo dõi quan sát tế nhị và sát sao, xử lý thích đáng và kịp thời.
Bà Yến cho rằng, nhiều gia đình bận công việc hoặc thiếu hiểu biết, không nhận thức được vai trò của việc chăm sóc tinh thần cho con cái, cho người thân. Vì vậy khi người thân có những dấu hiệu bất ổn về tâm lý, họ đã không nhận ra. Từ đó để vuột cơ hội vàng can thiệp, ngăn ngừa người có những hành vi làm hại bản thân.
“Theo nghiên cứu, người có hành vi tự tử phần lớn sẽ có đủ tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn tâm thần tại thời điểm đó. Rối loạn này có thể điều trị ổn định được. Trong quá trình điều trị, cần có sự tham gia hỗ trợ của gia đình, các nhà chuyên môn”, - chuyên gia lưu ý.
Cách để vượt qua trầm cảm
Theo WHO, dấu hiệu bệnh trầm cảm là người bệnh có biểu hiện khí sắc giảm, buồn; mất quan tâm, hứng thú với các sở thích và hoạt động trước đây; giảm năng lượng, giảm hoạt động.
Người có dấu hiệu trầm cảm thường mệt mỏi, không muốn làm gì nhất là vào buổi sáng; giảm tập trung, do dự không quyết đoán, giảm tự trọng và lòng tự tin. Một số có thể nhìn tương lai bi quan và ảm đạm; thấy bản thân là gánh nặng của gia đình; rối loạn giấc ngủ và hành vi ăn uống.
Phát biểu trong buổi tọa đàm, vận động viên Phan Thanh Nhiên, người Việt Nam trẻ nhất 2 lần chinh phục đỉnh Everest chia sẻ, ở lần đầu tiên chinh phục "nóc nhà thế giới" khi mới 22 tuổi, anh đã bị thiếu oxy nặng khi sắp đến đỉnh, đã nghĩ đến cái chết. Lúc này, tiền tài danh vọng với anh không còn ý nghĩa gì mà chỉ còn ao ước giữ được sức khỏe, mạng sống.
Dân Trí dẫn lời vận động viên này nhấn mạnh, anh cũng đã từng bị trầm cảm rất nhiều. Lúc đó, giải pháp của anh là tìm về thiên nhiên và cố tập thể thao thích ứng trong mọi hoàn cảnh. Khi tập đủ, điều độ, cơ thể anh cũng tự nhiên trở về trạng thái bình thường.
Từ kinh nghiệm bản thân, Phan Thanh Nhiên khuyên các bạn trẻ nên chú ý rèn luyện, hạn chế tối đa việc thức khuya, hút thuốc, uống rượu bia.
Trong khi đó, theo ông Đặng Trọng Ngôn, người sáng lập hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe toàn diện trên nền tảng số đầu tiên tại Việt Nam An Space cho biết, đời sống thể chất - cảm xúc - tâm hồn - trí tuệ luôn là nền tảng hạnh phúc của mỗi con người. Để có một cuộc sống hạnh phúc, trước hết cần có một cơ thể khỏe mạnh.
Nếu không có điều kiện trực tiếp đến các bệnh viện, trung tâm trị liệu để giải quyết các vấn đề liên quan đến trầm cảm, người dân có thể tìm hiểu trên các chuỗi video, audio bài tập vận động, rèn luyện hơi thở, các bài dẫn thiền, nhạc chữa lành được các chuyên gia xây dựng.
Để phòng tránh trầm cảm, mỗi người nên xây dựng cho mình một lối sống khoa học, khi về nhà cần buông bỏ hết mọi công việc căng thẳng để tương tác với những người thân trong gia đình.
Việc duy trì lối sống khoa học, với chế độ 30-45 phút tập luyện thể dục thể thao giúp cơ thể hưng phấn, vui vẻ hơn nhờ tiết ra serotonin, dopamine…