Chúng tôi sẽ nói về chủ đề này trong bài tổng quan truyền thống “Việt Nam trên báo chí nước ngoài”.
Mỹ sẽ không áp đặt trừng phạt nhằm vào Việt Nam
Báo điện tử uy tín Asia Times đăng tải một bài dài về kết quả của chuyến thăm này. Tác giả bài báo lưu ý rằng, các cuộc gặp của Sergei Lavrov với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chứng tỏ rõ rệt sự gần gũi của hai nước trong kỷ nguyên Chiến tranh lạnh mới. Việt Nam là đối tác chính của Nga ở Đông Nam Á và được coi là điểm tựa ổn định của Nga trong khu vực.
Chuyến thăm của Sergei Lavrov càng củng cố vị thế của Nga với tư cách là một trong những đối tác ngoại giao chính của Việt Nam, theo truyền thông của nước CHXHCN Việt Nam. Tác giả bài báo nhấn mạnh rằng, Việt Nam đã bỏ phiếu trắng hoặc bỏ phiếu chống tất cả các nghị quyết LHQ chống lai Nga liên quan đến các sự kiện ở Ukraina. Nhưng đồng thời, quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ đang dần được cải thiện, sự đối tác Việt-Mỹ có vẻ đang phát triển thực chất hơn so với hầu hết các đối tác chiến lược chính thức.Với mục tiêu chung là kiềm chế Trung Quốc, Việt Nam rất quan trọng đối với Hoa Kỳ, và họ khó có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Hà Nội vì mua vũ khí của Nga.
Cuộc gặp của Ngoại trưởng Lavrov với các nhà lãnh đạo Việt Nam cung cấp thêm bằng chứng cho thấy rằng, Hà Nội không có ý định từ bỏ cách tiếp cận đa phương đối với chính sách đối ngoại không liên kết, bất chấp áp lực của Mỹ nhằm thuyết phục Việt Nam chọn một bên trong cuộc chiến ở Ukraina. Lãnh đạo Việt Nam vẫn coi quan hệ đối tác với Nga là điều cần thiết đối với an ninh quốc gia. Việt Nam hy vọng rằng, Nga có thể hành động như một lực lượng ngăn chặn Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ đối tác được tuyên bố là "không biên giới" của họ, tác giả bài báo nhận xét.
Vai trò của Việt Nam đối với Nga đang tăng lên
Trong điều kiện hiện đại, Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với Nga. Ông Sergei Lavrov bày tỏ sự biết ơn về lập trường khách quan, rất công bằng của Việt Nam được thể hiện qua việc từ chối tham gia các biện pháp cấm vận phi pháp, Washington Post nhấn mạnh.
Và Benar News trích dẫn lời nhà khoa học chính trị uy tín của Nga Fyodor Lukyanov:
“Trong điều kiện hiện nay, khi Nga cần xây dựng lại các mối quan hệ kinh tế, thương mại, hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ với thế giới không phải phương Tây, thì tầm quan trọng về kinh tế của Việt Nam đối với Nga sẽ gia tăng đáng kể, quốc gia này vừa là thị trường, vừa là cửa ngõ cho các mối quan hệ kinh doanh của Nga với châu Á".
Cổng thông tin phân tích Finam của Nga viết rằng, theo các chuyên gia, Hà Nội sẽ cố gắng duy trì vị thế độc lập và nếu có thể sẽ phát triển quan hệ với tất cả các cường quốc.
Cổng thông tin trích dẫn lời tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Nga: “Trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay, một lần nữa chúng ta cần phải đoàn kết nỗ lực để ngăn chặn chủ nghĩa thực dân mới, để bảo vệ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Điều lệ LHQ. Trong những vấn đề này, hai nước chúng ta luôn thể hiện sự đoàn kết. Đường lối này thể hiện cách tiếp cận có nguyên tắc của Nga và Việt Nam sẽ được tiếp tục”.
Hà Nội sẽ giữ vững độc lập, tự chủ
Tờ Vechernyaya Moskva trích lời ông Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ASEAN, Australia và châu Đại Dương thuộc Viện Đông phương học (Viện Hàn lâm Khoa học Nga). Theo ông Mosyakov, chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov là một dấu hiệu tích cực cho thấy rõ lập trường của hai nước trong điều kiện chính trị hiện nay. Nga cung cấp cho Việt Nam vũ khí, khai thác dầu khí trong vùng biển của Việt Nam. Trung Quốc, nước có tranh chấp lãnh thổ với Hà Nội, không hài lòng với thực trạng này. Hoa Kỳ cũng vậy, họ muốn lôi kéo Việt Nam vào liên minh chống Nga. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Hà Nội sẽ duy trì vị thế độc lập trong quan hệ với các cường quốc, tác giả bài báo kết luận.
Tờ Nezavisimaya Gazeta cũng nói lên ý kiến tương tự trong bài phân tích dựa trên kết luận của chuyên gia Nga và nước ngoài.
Việt Nam sẽ không thay đổi hướng đi dưới áp lực của Hoa Kỳ. Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington vào tháng 5, thấy cần phải nhắc lại rằng, Hà Nội kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ. Nhà nghiên cứu Việt Nam nhấn mạnh, việc chuyển sang đứng về phía Hoa Kỳ và tham gia vào các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ là một động thái không khôn ngoan. Báo chí Việt Nam viết rằng, mối quan hệ Việt-Nga vững bền không chỉ dựa trên việc cung cấp vũ khí và sự trùng hợp về lợi ích địa chính trị, mà còn dựa trên sự tương đồng về quan điểm trong giới tinh hoa cầm quyền của hai nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam coi việc bảo vệ chủ quyền quốc gia khỏi sự can thiệp của nước ngoài là nhiệm vụ hàng đầu, và Matxcơva ủng hộ hoàn toàn quan điểm này.
Còn Grigory Lokshin, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, IFES RAS, lưu ý:
“Việt Nam có vai trò quan trọng đối với Nga, giống như một điểm tựa cho mối quan hệ ổn định của toàn nước Nga nói chung và khu vực Viễn Đông nói riêng với Đông Nam Á. Theo tôi, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đang giúp Nga không bỏ trứng vào cùng một giỏ của Trung Quốc”.