Theo phổ điểm của Bộ GD-ĐT, với bài thi Lịch sử cả nước có điểm trung bình là 6,34 điểm.
Trong năm 2022, có 659.667 thí sinh tham gia thi bài thi lịch sử, trong đó số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 127.557 (chiếm tỉ lệ 19,34%), thấp nhất trong 3 năm qua. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,0 điểm. Lịch sử cũng là môn có nhiều điểm 10 thứ hai với 1779 điểm 10 (đứng đầu là môn Giáo dục Công dân với 2.836 điểm 10). Trong khi đó, tại kỳ thi năm ngoái, số thí sinh đạt điểm tuyệt đối môn thi này chỉ là 266 thí sinh.
Địa phương dẫn đầu cả nước về số điểm 10 môn Lịch sử là Hà Nội, với 129 điểm 10. Thanh Hóa và Nghệ An xếp sau Hà Nội với số thí sinh đạt điểm 10 Lịch sử lần lượt là 127 và 121.
Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh là 2 tỉnh có số lượng điểm tuyệt đối môn Lịch sử ít nhất (mỗi tỉnh có 2 thí sinh). Tiếp theo là Vĩnh Long (4 thí sinh) và Lai Châu, Ninh Thuận, Tiền Giang (đều có 5 thí sinh).
Về đề thi môn Lịch sử kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, nhiều giáo viên nhận định không quá khó, học sinh đạt điểm 6, 7 là dễ dàng. Cụ thể, đề thi gồm phần lịch sử thế giới hiện đại từ năm 1945 đến nay và lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến nay. Tất cả đều nằm trong chương trình, sách giáo khoa lịch sử lớp 12, câu hỏi không đánh đố học sinh, không quá khó kể cả câu hỏi vận dụng từ câu 31 đến 40.
Trước đó, năm 2019 có 70,01% học sinh đạt điểm trung bình (dưới 5 điểm), sang năm 2020 tỉ lệ này là 46,95% và năm 2021 là 53,03%.
Trước thực trạng nêu trên, Bộ GD-ĐT đã có những hướng dẫn và điều chỉnh kịp thời chương trình dạy và học bằng nhiều cách khác nhau như tham quan, trải nghiệm thực tế ở bảo tàng, khu di tích, sắm vai diễn tuồng, xem triển lãm…
Đồng thời, thực hiện phương pháp dạy học gắn liền với thực tế tạo hứng thú học tập cho học sinh, “Mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống”, giúp các em càng thêm yêu quê hương đất nước, tự hào truyền thống lịch sử dân tộc… giúp cải thiện chất lượng giảng dạy ngày một tốt hơn.