Tuyên bố tốt đẹp cần đi kèm với việc làm cụ thể

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Việt Nam đã diễn ra hội thảo đặc biệt do Trường Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông tổ chức với sự tham gia trực tiếp và gián tiếp của các chuyên gia Nga và Việt Nam.
Sputnik
Trả lời phỏng vấn Sputnik, Tiến sĩ Khoa học, Giáo sư Vladimir Kolotov, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp St.Petersburg cho biết, những người tham gia hội nghị nhất trí rằng sự phát triển quan hệ toàn diện nghiêm túc giữa Moskva và Hà Nội hoàn toàn đáp ứng lợi ích chiến lược lâu dài của hai nước chúng ta.

Kỷ niệm 10 năm là dịp để nhìn lại những gì đạt được

“Thập kỷ vừa qua là cơ hội tốt để phân tích những thành công đã đạt được, những tồn tại hạn chế, loại bỏ nguyên nhân và bước ra không gian hoạt động sẽ góp phần vào sự phát triển toàn diện của hai nước chúng ta. Việt Nam đang có nhiều không gian hơn với các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc và Mỹ, là những đối tác khó tính không mấy thân thiện với Hà Nội. Để không rơi vào tình thế “trên đe dưới búa”, Việt Nam cần có thêm không gian để vận động chính trị và kinh tế, trong vấn đề này Moskva có thể đóng vai trò quan trọng là nhà điều phối cân bằng. Đối với Nga, quốc gia đang bị phương Tây phong tỏa trừng phạt, kể cả trong định hướng chiến lược quan trọng là Đông Nam Á, quan hệ với Việt Nam có thể củng cố đáng kể vị thế của Moskva nói chung. Nếu phân tích những thập kỷ trước, chúng ta có thể nói rằng Việt Nam và Nga đều đã ở trong giai đoạn bị trừng phạt nhất định. Nếu trong những năm 90, Hà Nội chịu sự cấm vận kinh tế và thương mại của Mỹ, thì Moskva có carte blanche ở tất cả các hướng. Giờ đây, tình hình đã hoàn toàn thay đổi - Hà Nội đã thoát khỏi các lệnh trừng phạt, nhưng ngược lại, Moskva đang phải chịu các lệnh hạn chế. Và tất nhiên, kinh nghiệm phong phú của Việt Nam trong việc chống trừng phạt và vượt qua chúng thông qua hội nhập khu vực có thể rất hữu ích đối với Nga”, - Giáo sư Kolotov nói.

Kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện: Hai nhà lãnh đạo Nga-Việt trao đổi điện mừng

Quan hệ đối tác Nga Việt thực sự gần một thế kỷ

Trong báo cáo của mình tại hội nghị, Giáo sư Kolotov lưu ý rằng quan hệ đối tác thực sự giữa Nga và Việt Nam đã có hơn 100 năm. Năm 2023 tới sẽ tròn 100 năm chuyến thăm Nga lần đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính từ khi đó, việc xây dựng quan hệ hợp tác Nga-Việt đã được bắt đầu, thoạt tiên là dưới hình thức không chính thức, phát triển hiệu quả với việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô và VNDCCH, sau đó phát triển tốt đẹp trong cuộc chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, trong thời kỳ khôi phục kinh tế quốc gia Việt Nam bị tàn phá bởi sự xâm lược của Mỹ. Năm 2001, quan hệ Đối tác chiến lược được thiết lập giữa hai nước chúng ta và 10 năm trước đây đã được nâng lên tầm cao hơn nữa - quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Kết quả hợp tác của thập kỷ vừa qua minh chứng cho điều gì?

“Tóm tắt kết quả hợp tác của thập kỷ này, chúng tôi hài lòng ghi nhận sự tin cậy lẫn nhau về chính trị giữa hai nước chúng ta ở mức độ cao. Chúng tôi lưu ý rằng sự hợp tác của chúng ta có tiềm năng rất lớn, nhưng nội dung hợp tác còn lâu mới tương ứng với tiềm năng của nó. Kim ngạch thương mại Nga-Việt thấp hơn đáng kể so với kim ngạch thương mại Hà Nội với Bắc Kinh và Washington. Ngày nay, sự phát triển đầy đủ chỉ được duy trì trong các lĩnh vực hợp tác giữa Moskva và Hà Nội như hợp tác năng lượng và quân sự-kỹ thuật - tất cả những điều này là di sản của Liên Xô cũ. Không có chương trình khoa học Nga-Việt nào, kinh phí dành cho chúng thực tế không được phân bổ. Các trường đại học Việt Nam gặp vấn đề khó khăn trong việc tuyển sinh viên học tiếng Nga, vì những người có kiến thức về tiếng Nga không thể tìm được việc làm ở Việt Nam. Hai nước chúng ta có sự tin cậy chính trị rất cao, các cuộc gặp của các nhà lãnh đạo được tổ chức thường xuyên, nhưng điều đó cần dẫn tới kết quả, cả về kinh tế và thương mại. Và thậm chí trong việc đưa tin về tình hình Việt Nam trên báo chí Nga. Tuy nhiên, trong tất cả các phương tiện truyền thông của Nga, chỉ có Sputnik bằng tiếng Việt hoạt động theo hướng này”, - Giáo sư Kolotov nói tiếp.

Đây cũng là ý kiến chung của những người tham gia hội nghị ở Vladivostok.

Các tuyên bố cần gắn liền với nội dung cụ thể

Giáo sư Kolotov ghi nhận, các đại biểu tham dự Hội nghị đánh giá cao Tuyên bố chung về tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga đến năm 2030, được thông qua sau chuyến thăm Nga và đàm phán với Tổng thống Putin của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 11/2021.
Nga-Việt: Vòng đời thứ hai của vận tải đường sắt bắt đầu khởi sắc

“Đây là tài liệu rất quan trọng, nêu lên rất nhiều điều đúng đắn, nhưng vấn đề là các tuyên bố đó chưa được thực hiện đầy đủ. Đây là tuyên bố, không phải là văn bản ràng buộc về mặt pháp lý. Tài liệu cần được sửa đổi để thể hiện trong các chương trình hợp tác cụ thể của Nga-Việt. Cho đến nay, vẫn chưa thấy được điều này. Đặc biệt là vì đã có rất nhiều thay đổi kể từ khi tài liệu được thông qua. Nga đã bước vào giai đoạn tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina. Cấu trúc quan hệ quốc tế đang thay đổi. Và những thay đổi toàn cầu này sẽ dẫn đến những điều chỉnh trong các chương trình hợp tác Nga-Việt. Nếu không, sẽ có ấn tượng rằng tuyên bố chỉ là tuyên bố, trong khi cuộc sống thực tế đôi khi đi theo những hướng hoàn toàn khác”, - Giáo sư Kolotov kết luận.

Thảo luận