61 năm thảm họa da cam tại Việt Nam: Chung tay xoa dịu nỗi đau nhiều thế hệ
HÀ NỘI (Sputnik) - Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. 61 năm trôi qua, Việt Nam đã và đang nỗ lực khắc phục hậu quả, không ngừng đấu tranh vì công lý cho hàng trăm nghìn nạn nhân da cam.
Sputnik‘Đoàn kết – Nghĩa tình – Trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam’
Đây là 13 chữ trên bức trướng do Ban Bí thư Trung ương
Đảng Cộng sản Việt Nam tặng Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) vào ngày 8/7/2011 vì những đóng góp không ngừng nghỉ trong việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam.
Hơn 18 năm qua, Hội VAVA luôn luôn nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước Việt Nam giao phó: Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam, đồng thời đại diện cho nạn nhân đấu tranh đòi công lý. Trao đổi với Sputnik,Trung tướng, PGS.TS Đặng Nam Điền, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trung ương Hội Nạn nhân
chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), cho biết:
“VAVA đã vận động hơn 30 nghìn tỷ đồng để giúp đỡ, chăm sóc nạn nhân và xây dựng 26 trung tâm phục hồi chức năng và nuôi dưỡng nạn nhân trong suốt 18 năm qua. Đồng thời tạo việc làm, sinh kế, dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên cả nước”.
Cũng theo Trung tướng Đặng Nam Điền, Hội tích cực tuyên truyền để tầng lớp nhân dân, tổ chức chính trị xã hội quan tâm và chăm lo giúp đỡ nạn nhân. Đặc biệt đối với Chỉ thị số 43 ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư TW Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo cấp Ủy các cấp trong khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong
chiến tranh ở Việt Nam.
“Hội đã tích cực làm tốt việc này giúp cho Ban dân vận TW kiểm tra 59/63 tỉnh thành để thực hiện chỉ thị trong hơn 5 năm vừa qua”, Trung tướng nhấn mạnh.
Trung tâm Bảo trợ xã hội nạn nhân chất độc da cam(NNCĐDC)/dioxin Việt Nam tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội là một điển hình về nơi nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho những NNCĐDC. Ông Nguyễn Thăng Long, Giám đốc Trung tâm, trao đổi với Sputnik:
“Đảng, Nhà nước có nhiều quan tâm đặc biệt đối với đối tượng nhiễm chất độc hóa học dioxin. Có chính sách cho vay vốn với lãi suất thấp để nạn nhân da cam có thể lao động sản xuất, tạo ra của cải cho gia đình và bản thân. Thứ hai là có chương trình tặng nhà cho một số gia đình nạn nhân thực sự khó khăn. Thứ ba, hằng năm có tổ chức các chương trình xông hơi, tẩy độc miễn phí tiền thuốc. Tất cả các nạn nhân chất độc da cam đến Trung tâm đều được Trung ương Hội VAVA tặng tiền thuốc chữa bệnh tại đây”.
Không chỉ vậy, Hội tích cực thực hiện chức năng phản biện về chính sách của Nhà nước đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Đây cũng là chức trách của một thành viên thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trung tướng, PGS.TS Đặng Nam Điền, Phó Chủ tịch VAVA, chia sẻ với Sputnik:
“Trong những năm vừa qua, Hội phối hợp với Hội cựu chiến binh, Hội thanh niên xung phong rà soát những trường hợp bị nghi ngờ không phải là người hoạt động kháng chiến không bị nhiễm chất độc da cam nhưng lại hưởng chế độ chính sách. Đồng thời, Hội cũng tích cực kiến nghị để báo cáo với các cơ quan chức năng quan tâm, giải quyết những trường hợp đầy đủ các yếu tố nhưng một số lý do chưa đủ điều kiện thì phải sớm công nhận cho họ là nạn nhân chất độc da cam được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước”.
Tích cực đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam
Song song với thực hiện nhiệm vụ, VAVA luôn quan tâm đến đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân. Được biết, VAVA có tổ chức các
vụ kiện đối với các công ty hóa chất Hoa Kỳ nhưng chưa đi đến hồi kết. Về vấn đề này, Trung tướng, PGS.TS Đặng Nam Điền, Phó Chủ tịch VAVA, cho biết thêm:
“Hội xác định việc này còn phải tiếp tục lâu dài. Vì vậy trước mắt, Hội tiếp tục đoàn kết với các tổ chức trên thế giới như Hội đồng Hòa bình thế giới, Hội luật gia dân chủ thế giới, các tổ chức yêu chuộng hòa bình các nước như Hội đồng chống bomb A, bomb H của Nhật Bản; Hội cựu chiến binh yêu nước của Hoa Kỳ…trong việc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân”.
Đặc biệt, phải nhắc đến sự đồng hành của VAVA trong vụ kiện của bà Trần Thị Tố Nga (người Pháp gốc Việt) đối với các công ty hóa chất Hoa Kỳ đã sản xuất ra chất độc hóa học dioxin để quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Dù kéo dài trong 7 năm nhưng vụ kiện vẫn chưa đi đến hồi kết. Bà Nga tiếp tục gửi đơn kiện lên tòa án cấp cao hơn của Paris, Pháp.
“Hội tiếp tục đồng hành cùng với bà Nga về vật chất và tinh thần để tiếp tục đấu tranh kiện các công ty hóa chất Hoa Kỳ”, Phó chủ tịch VAVA khẳng định.
Để thực hiện tốt 4 nhiệm vụ trên Hội thường xuyên chú trọng, xây dựng và củng cố tổ chức Hội. Theo Trung tướng Đặng Nam Điền, đến nay 63/63 tỉnh thành đều có Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin và số cấp huyện thì cũng hơn 600 huyện và hơn 6000 xã có tổ chức Hội. Tổ chức Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin cấp tỉnh, cấp chuyện các lãnh đạo chủ yếu là các cựu chiến binh tham gia.
Thúc đẩy hợp tác với Liên bang Nga khắc phục hậu quả da cam
Chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người. Với một khối lượng chất độc hóa học phun rải lập đi lặp lại nhiều lần trong 1 thời gian dài, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn.
Với nỗ lực không ngừng trong công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học dioxin, trong những năm vừa qua, VAVA có những chương trình về
hợp tác tẩy độc và nghiên cứu khoa học với Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga. Trung tướng, PGS. TS Đặng Nam Điền, cho biết:
“Chúng tôi cũng được biết, hiện Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga phối hợp với các chuyên gia Nga đào tạo, hướng dẫn đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật của Trung tâm trong vấn đề dioxin, tẩy độc môi trường”.
Hiện nay, tại các sân bay quân sự Mỹ trước đây dùng để lưu giữ, pha trộn, tiêu hủy chất độc hóa học, nồng độ dioxin vẫn còn cao hoặc rất cao, đặc biệt là tại khu vực các Sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát.
Theo Trung tướng Đặng Nam Điền,
Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga cũng có thực nghiệm khảo sát địa hình ô nhiễm môi trường ở một số khu vực bị nhiễm chất độc dioxin gần sân bay Biên Hòa. Tuy nhiên, để tẩy độc còn nhiều yếu tố khác nhau như lựa chọn công nghệ sao cho tối ưu, đạt hiệu quả và cần một số kinh phí nhất định triển khai công việc này.
“Vừa qua, về phía Nga và Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga mới chỉ dừng lại ở một số hoạt động như tôi đã nêu ở trên. Hy vọng trong thời gian tới, hai bên sẽ có hợp tác tích cực hơn trong việc tẩy độc tại các điểm nóng ô nhiễm dioxin tại Việt Nam”, Trung tướng bày tỏ.
Tiếp tục hành động vì nạn nhân chất độc da cam
Trao đổi với Sputnik về các hoạt động chính trong việc khắc phục hậu quả do chất độc da cam/dioxin trong thời gian tới, Trung tướng, PGS.TS Đặng Nam Điền, Phó Chủ tịch VAVA, cho biết:
“Trước hết, VAVA vẫn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về hậu quả của chất độc hóa học, làm cho cả hệ thống chính trị quan tâm đến việc chăm lo, chăm sóc nạn nhân. Mặc dù Đảng, Nhà nước rất quan tâm tuy nhiên vẫn còn có những khoảng cách. Thứ hai, chúng tôi phải phối hợp điều tra, khảo sát số nạn nhân chất độc da cam, nhất là thế hệ thứ ba, thứ tư”.
Cũng theo Trung tướng, Việt Nam mới sửa đổi pháp lệnh về người có công, tuy nhiên chưa đưa vào việc hưởng chính sách nhà nước cho nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ ba.
“Vì vậy, trong thời gian tới chúng tôi sẽ có phối hợp điều tra, khảo sát, đề nghị có sự quan tâm vì các văn bản của Đảng, nghị quyết của Chính phủ cũng nêu vấn đề đến việc quan tâm đến con và cháu của các thành phần hoạt động kháng chiến. Trong đó con thì có rồi nhưng cháu thì chưa được. Chính vì thế, chúng tôi sẽ sớm đề xuất với các cơ quan chức năng của Chính phủ và Quốc hội để sớm giải quyết”, Trung tướng Đặng Nam Điền nhấn mạnh.
Mặt khác, trong thực hiện chính sách với nạn nhân chất độc da cam, nhất là những người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc da cam vẫn còn một số điều chưa thực sự hợp lý. Do đó vẫn cần điều tra khảo sát để kiến nghị.
“Ví dụ, trong gia đình có nhiều nạn nhân nặng, người chăm sóc hiện nay chưa có chế độ chính sách. Mục bảo hiểm chỉ mang tính chất tự nguyện như bảo hiểm y tế. Chúng tôi mong muốn họ phải có tiếng nói để làm sao trở thành chính sách chung. Đối với nạn nhân da cam nặng không nơi nương tựa, bố mẹ mất. Vấn đề đặt ra phải có cơ sở nuôi dưỡng của Nhà nước, chứ không thể xã hội hóa như kinh nghiệm trước đây đã chỉ ra. Đấy là những vấn đề chính sách mà VAVA phải tham mưu, chủ động đề xuất để giải quyết vấn đề này.”. Phó Chủ tịch VAVA nêu rõ.
Vận động nguồn lực cũng là vấn đề mà VAVA sẽ tập trung triển khai trong thời gian tới, đặc biệt là từ doanh nghiệp. Tuy có nhiều cố gắng nhưng trong hai năm đại dịch, việc vận động nguồn lực này bị giảm sút so với trước.
“Vì vậy, phải có cách làm mới, mở rộng diện vận động, hợp tác với doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì tới đây chúng tôi sẽ hướng tới. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tập trung vào huy động nguồn lực đóng góp sức từ các bạn trẻ, những người hăng hái làm công việc từ thiện”, Trung tướng Đặng Nam Điền chỉ ra.
Ngoài ra, VAVA cũng sẽ tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp để đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân da cam không những trong nước mà còn ở nước ngoài.
“Đây cũng là kế hoạch 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 2215 ngày 28/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin trong chiến tranh Việt Nam giai đoạn 2021-2030”, Phó chủ tịch VAVA kết luận.