“Việt Nam đang gây xôn xao”

Việt Nam không chỉ gây xôn xao khi hàng loạt ông lớn công nghệ hàng đầu thế giới từ Samsung đến Apple đều muốn đổ về quốc gia Đông Nam Á này tạo lập ‘cứ điểm sản xuất’, mà nền kinh tế đất nước hình chữ S hoàn toàn có thể bứt phá tăng tốc vượt mốc GDP 7%.
Sputnik
Giới phân tích cũng đánh giá, với một quốc gia đang vươn mình mạnh mẽ như Việt Nam, xét từ vị thế địa chính trị, uy tín, niềm tin cho tới nguồn lực lao động, Việt Nam hội tụ không ít lợi thế để bứt phá trong thời gian tới để đạt các mục tiêu tăng trưởng thần tốc thời gian tới.

“Việt Nam đang gây chú ý”

Việt Nam đang gây xôn xao và ngày càng chuyển mình mạnh mẽ.
“Việt Nam đang tạo được tiếng vang và gây chú ý. Các công ty công nghệ toàn cầu từ Tập đoàn Điện tử Samsung đến hãng đồ chơi lắp ráp Lego đều đang nô nức mở các nhà máy lớn ở Việt Nam”, - theo đánh giá của Bloomberg ngày 18/8.
Để dẫn chứng về độ “gây chú ý xôn xao” của Việt Nam, ấn phẩm Mỹ nhấn mạnh việc Apple Inc. đang đàm phán để lần đầu tiên có thể chuyển sản xuất đồng hồ Apple Watch và MacBook ở quốc gia Đông Nam Á này. Chưa hết, Việt Nam còn khẳng định được giá trị của mình khi các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng của các Big Tech lớn từ Đài Loan và Trung Quốc của gã khổng lồ công nghệ Apple (điển hình như Foxconn và Luxshare) phải cạnh tranh để giành chiến thắng trong công cuộc c tìm kiếm nhân tài tại địa phương.
WB: Kinh tế Việt Nam tăng tốc, sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 7,5% năm 2022
Bloomberg cho rằng, việc Chính phủ Việt Nam chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm nay là khá ít ỏi so với mức tăng trưởng thần ký hai con số mà Trung Quốc đạt được trong thời kỳ bùng nổ xuất khẩu vào đầu những năm 2000.
“Việt Nam có thể làm tốt hơn rất nhiều”, - Bloomberg khẳng định khi đặt lên bàn cân kế hoạch tăng trưởng GDP 7% của Việt Nam.

Điểm nghẽn cản trở sự tăng trưởng thần kỳ của Việt Nam

Hiện nay, dù đã có nhiều cuộc đàm phán, thỏa thuận về việc chuyển đổi chuỗi cung ứng, tuy nhiên, tiến độ chuyển dây chuyền sản xuất hàng loạt các sản phẩm công nghệ tiên tiến hơn sang Việt Nam dường như vẫn còn chậm hơn so với mong đợi.
“Điểm nghẽn ở đây là cơ sở hạ tầng còn chưa đáp ứng”, - ấn phẩm Mỹ nhìn nhận.
Quốc gia hình chữ “S” được cho là vẫn đang dựa chủ yếu vào hệ thống giao thông – kết cấu hẹp, tắc nghẽn và gập ghềnh. Có đến 3/4 lượng hàng hóa và 90% lưu lượng hành khách được vận chuyển qua hệ thống đường bộ chưa thực sự phát triển tiên tiến của Việt Nam. Ngoài ra, không phải tất cả các cảng biển đều có thể sử dụng phục vụ hệ thống tàu container cỡ lớn cũng gây trở ngại cho lưu thông hàng hóa, kích thích tăng trưởng kinh tế.
Để so sánh, Bloomberg dẫn chứng ngay cả khi Thượng Hải đang phong toả vì đại dịch Covid-19 vừa qua, cảng Ninh Ba gần đó vẫn tiếp tục hoạt động và xuất khẩu hàng hoá với khối lượng rất lớn. Theo báo Mỹ, việc hiện đại hóa hệ thống đường bộ dù luôn được coi là ưu tiên quốc gia hàng đầu của Việt Nam nhưng thực tế, hạ tầng giao thông còn phát triển chậm. Dự án đường cao tốc Bắc-Nam đã được quy hoạch, được đánh giá là xương sống giao thông trong tương lai, lại liên tục bị trì hoãn kéo dài, do Chính phủ phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến chi phí nguyên vật liệu gia tăng dẫn đến chậm tiến độ hay đẩy vốn đầu tư tăng cao. Không chỉ các nhà xuất khẩu, những người phải chịu chi phí vận chuyển cao hơn, mà nỗi lo giá cả vận chuyển tăng cao cũng lan sang lĩnh vực dịch vụ.
Nhiều dự án giao thông trọng điểm khác của Việt Nam hiện cũng rơi vào tình trạng trì trệ. Tại TP. HCM (hay Sài Gòn), hệ thống đường sắt đô thị đầu tiên (metro Bến Thành- Suối Tiên), bắt đầu khởi công từ năm 2012 và dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2018, phải lùi kế hoạch vận hành tới năm 2023. Dự án metro Bến Thành – Suối Tiên đã đội vốn khoảng 1,3 tỷ USD (cao hơn tổng vốn dự kiến ban đầu) và cần được chấp thuận bởi Quốc hội Việt Nam. Điều này hạn chế tiềm năng phát triển của khu vực phía Đông thành phố, một đầu của tuyến đường sắt, chưa thể được khai thác triệt để.
Tương lai xán lạn của nền kinh tế Việt Nam
Nhiều dự án khác trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như đường vành đai cũng đã được lên kế hoạch từ hơn chục năm trước và bị chậm tiến độ hay trì hoãn vì nhiều nguyên nhân. Báo Mỹ cũng nhắc về nỗ lực chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với việc người đứng đầu Đảng ví cuộc chiến này như một “lò thiêu tham nhũng” đang mang lại những hiệu quả tích cực và rõ rệt, nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Giải ngân vốn đầu tư công chậm cũng là một nút thắt đáng lưu ý của Việt Nam. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt hơn 34%, trong khi 90% nguồn vốn đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng tới từ nguồn ngân sách Nhà nước. Nếu như quá trình giải ngân chậm, tiến độ các dự án, công trình cũng không thể đẩy nhanh.
Bloomberg đề cập đến dự án Grand Park của Vinhomes, đơn vị thành viên tập đoàn Vingroup. Doanh nghiệp của tỷ phú giàu nhất Việt Nam tự hào khi thiết kế dự án gồm khu đô thị hiện đại, hấp dẫn nhưng thực tế là trong mùa mưa và các đợt triều cường, việc di chuyển của người dân TP.HCM vào khu vực nội thành hết sức khó khăn. Dân Sài Gòn đang từng ngày mong ngóng dự án metro sớm được hoàn thành để hệ thống giao thông đô thị được cải thiện hơn.

Việt Nam hội tụ nhiều lợi thế

Tờ báo Hoa Kỳ cho rằng, không thể phủ nhận những nỗ lực cải thiện tình hình từ phía Chính phủ cũng như các địa phương của Việt Nam. Chẳng hạn, Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), có hiệu lực vào năm 2021, là một bước tiến lớn.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần được Việt Nam giải quyết triệt để. Ví dụ, nhà thầu thường dựa vào các điều khoản chia sẻ rủi ro đối với nhà nước và ít mặn mà với các dự án có điều khoản tất toán một lần sau khi hoàn thành. Điều này dẫn tới việc nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chậm tiến độ. Tính tới tháng 2, một hợp phần của dự án Cao tốc Bắc-Nam dài 50 km, được thực hiện bằng vốn đầu tư tư nhân, chỉ hoàn thành được 1,5% tiến độ. Chính phủ hiện đang nỗ lực đẩy nhanh giải quyết vấn đề này.
“Có thể khẳng định chắc chắn, Hà Nội đang cố gắng”, - Bloomberg nhấn mạnh.
Rõ ràng là Trung Quốc đã xây dựng rất nhiều đường xá, đường sắt, sân bay và metro. Bắc Kinh đặc biệt chú trọng đến việc nâng cấp cải thiện cơ sở hạ tầng. Thượng Hải, một trong những “hình mẫu” trung tâm kinh tế - tài chính, thương mại mà Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn vươn tới đã hoàn thành các tuyến tàu điện ngầm đúng tiến độ.
PVN tiếp tục khẳng định vị thế khó lung lay trong nền kinh tế Việt Nam
“Từ vị thế địa chính trị cho tới nguồn lực lao động, Việt Nam hội tụ không ít lợi thế để bứt phá trong thời gian tới. Điều mà quốc gia Đông Nam Á này đang thiếu là khả năng tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến một số quy định pháp lý, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh các dự án xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng”, - Bloomberg nhận định.

Phải loại bỏ tâm lý sợ sai

Như Sputnik đã thông tin, vừa qua, báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng tin tưởng, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng mức 7,5% năm nay. Theo WB, quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam tăng tốc trong sáu tháng vừa qua, nhờ khu vực chế tạo chế biến đứng vững và các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ. Tăng trưởng GDP được dự báo tăng mạnh từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm 2022, còn lạm phát được dự báo tăng trung bình 3,8%.
Trong khi đó, công ty xếp hạng tín nhiệm Moody's Analytics đưa ra mức đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Theo đó, Moody's cho rằng Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư chuyển hướng do những bất ổn chính sách ở Trung Quốc. Thậm chí, một trong những tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới này đã nâng dự báo tăng trưởng năm nay của Việt Nam lên 8,5% - mức cao nhất trong số các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam cũng là nền kinh tế duy nhất trong khu vực được Moody's điều chỉnh mức tăng trưởng theo hướng mũi tên tích cực.
Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đang tăng tốc, đặc biệt ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào cũng đóng vai trò là động lực quan trọng cho tăng trưởng của Việt Nam.

“Sự chần chừ lưỡng lự trong quyết định các chính sách ở Trung Quốc sẽ hướng dòng vốn đầu tư vào Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác”, - Moody's Analytics nhấn mạnh.

Việt Nam sẽ nằm trong top 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới
Bàn về điểm nghẽn đầu tư công, thực tế, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực rất lớn. Trong 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt nhưng kết quả giải ngân vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021. Thực tế, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bình quân trong 7 tháng đầu năm mới chỉ đạt mới chỉ đạt hơn 34,47%, thấp hơn so với năm 2021, thậm chí có bộ, ngành, địa phương tiến độ giải ngân chưa đến 10%.
Các nguyên nhân được Bộ, ngành chỉ là là quy định pháp luật vẫn còn trùng lắp dẫn đến cách hiểu chưa thống nhất, chậm triển khai, hay xuất phát từ các yếu tố chủ quan, chẳng hạn, công tác chuẩn bị dự án chưa kỹ nên khi triển khai gặp vướng mắc, không giao được vốn hoặc giao vốn nhưng không giải ngân được. Bên cạnh đó, công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, trách nhiệm chưa cao, một số các bộ, cơ quan, địa phương chưa thực sự quyết liệt, chưa sâu sát trong nắm bắt tình hình cụ thể của từng dự án để có phương án xử lý dứt điểm, một số Ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu còn yếu kém về năng lực nên chưa đáp ứng được nhu cầu.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính chia sẻ quan điểm trên Vietnambiz mặc dù Chính phủ đã có những giải pháp rất cụ thể để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công song rõ ràng việc giải ngân vẫn chưa thực sự được như kỳ vọng. Trong số các nút thắt đáng lưu ý như công tác giải phóng mặt bằng, vấn đề về vật liệu xây dựng, giá cả nguyên vật liệu tăng cao, năng lực nhà thầu, nhà đầu tư, ông Long vấn đề quan trọng nhất vẫn là thiếu đi sự quyết liệt của người đứng đầu.
“Nếu người đứng đầu quyết liệt, nút thắt nào cũng sẽ được gỡ, vướng mắc cũng sẽ được xử lý”, - PGS. TS Ngô Trí Long nhấn mạnh và cho rằng, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ cần mạnh tay hơn nữa.
Theo ông Long, Chính phủ đã có những chế tài quy định nếu bộ, ngành, địa phương nào chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ điều chuyển sang dự án khác tuy nhiên những vấn đề này liệu có thực hiện được hay không thì vẫn là vấn đề muôn thuở. Đồng thời, chính phủ cần quyết liệt xử lý những dự án chậm tiến độ, điều chuyển vốn của các dự án chậm triển khai cho những địa phương, dự án khác cần vốn hơn.
“Nếu không tăng chế tài trong việc xử lý những bộ, ngành, địa phương chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thì sẽ có tâm lý ngồi yên, không làm vì nếu làm sợ sai”, - do đó, theo PGS.TS Ngô Trí Long, phải mạnh tay xử lý các trường hợp này bởi nền kinh tế đang cần vốn mà không chịu giải ngân thì cũng là một cái tội.
Thảo luận