Việt Nam sẽ nằm trong top 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới
© Ảnh : TTXVN - Bùi Doãn TấnChủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chứng kiến lễ trao các thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp, địa phương hai nước.
© Ảnh : TTXVN - Bùi Doãn Tấn
Đăng ký
Tại Vương quốc Anh cho rằng, Việt Nam là ví dụ điển hình nhất về việc các quốc gia Đông Nam Á sẽ trở thành “động cơ tên lửa đẩy” cho nền kinh tế toàn cầu, và không nghi ngờ ghi khi Việt Nam sẽ nằm trong số 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào cuối thập kỷ này.
Chiều 29/6, theo giờ địa phương, tại thủ đô London, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự Tọa đàm cấp cao Việt Nam - Anh về kinh tế và thương mại.
Quan hệ Việt Nam – Vương quốc Anh đang rất tốt đẹp
Đây là sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại Việt Nam – Vương quốc Anh, một trong những trọng tâm trong chuyến thăm Anh của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Vương Đình Huệ dẫn đầu.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho rằng, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Anh đã có bước tiến quan trọng, góp phần vào kết quả phát triển kinh tế- xã hội của mỗi quốc gia.
“Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Anh chưa bao giờ tốt đẹp như giai đoạn hiện nay”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cụ thể, chỉ sau hơn 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt-Anh, các lĩnh vực hợp tác kinh tế, đối ngoại, an ninh quốc phòng, giao lưu nhân dân đều đạt được những kết quả quan trọng và ấn tượng, theo đại diện Chính phủ, rõ nét nhất là các lĩnh vực thương mại, đầu tư và giáo dục đào tạo. Điển hình như, năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt-Anh đạt 6,8 tỷ USD, tăng hơn 4 lần so với trước khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (năm 2009, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt- Anh là 1,65 tỷ USD). Tổng vốn FDI đầu tư trực tiếp của Anh vào Việt Nam đến năm 2021 là 4,15 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với trước khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (năm 2009, tổng vốn đầu tư của Anh vào Việt Nam mới đạt 2 tỷ USD).
Đặc biệt, quan hệ hợp tác giáo dục-đào tạo giữa hai nước đang phát triển rất mạnh mẽ. Hiện nay có trên 12.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang được đào tạo tại các trường đại học của Anh và Anh cũng là nước đầu tư lớn vào các cơ sở giáo dục đào tạo tại Việt Nam, theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.
Nâng kim ngạch Việt – Anh lên 10 tỷ USD
Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, Việt Nam đã kiên định thực hiện mục tiêu kép vừa duy trì sản xuất kinh doanh vừa phòng chống dịch, có gói hỗ trợ với tổng giá trị lên đến 8% GDP với chương trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19 đạt 347.000 tỷ đồng (5% GDP).
© Ảnh : TTXVN - Bùi Doãn TấnChủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chứng kiến lễ trao các thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp, địa phương hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chứng kiến lễ trao các thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp, địa phương hai nước.
© Ảnh : TTXVN - Bùi Doãn Tấn
Tốc độ tăng trưởng GDP quý I là 5,03%, quý II tăng 7,72%. GDP 6 tháng đầu năm 2022 đạt 6,42%. Dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 vượt mục tiêu kế hoạch 7%. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, tỉ lệ lạm phát 6 tháng đầu năm là 2,45%. Kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ. Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3%, kim ngạch nhập khẩu đạt 185,23 tỷ USD, tăng 15,5%. Việt Nam tiếp tục duy trì là một trong 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
Theo Phó Thủ tướng Việt Nam, Vương quốc Anh là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Quy mô thương mại của Anh cũng nằm trong top 10 quốc gia lớn nhất toàn cầu. Đặc biệt, Anh có rất nhiều thế mạnh về các lĩnh vực tài chính ngân hàng, chuyển đổi số, công nghệ thông tin, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, năng lượng sạch, dược phẩm, dầu khí, phát triển cơ sở hạ tầng, chế biến chế tạo...
“Việt Nam luôn coi Vương quốc Anh là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu ở khu vực châu Âu và thế giới, có vị trí ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý.
Theo đại diện Chính phủ, với tiềm năng, lợi thế của các bên, trên nền tảng các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương mà hai bên đã ký kết, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã có hiệu lực, Hiệp định CPTPP sẽ được các bên tích cực triển khai trong thời gian tới, đây là cơ hội lớn để Việt Nam và Anh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược.
Phó Thủ tướng Việt Nam cho rằng, hai bên cần khai thác tối đa những lợi thế từ Hiệp định UKVFTA đã được ký kết. Các cơ quan hữu quan hai nước cần khuyến khích và thúc đẩy dòng đầu tư và thương mại hai chiều trên cơ sở cùng có lợi; tăng cường hỗ trợ tạo điều kiện cho các đoàn khảo sát tìm hiểu thị trường hàng hóa, kết nối kinh doanh (nhất là hàng hóa của Anh như mỹ phẩm, thời trang, thiết bị cơ khí… là những mặt hàng ưa chuộng của người Việt Nam nhưng hiện nay chưa đáp ứng; ngược lại nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam có chất lượng cao chưa có mặt ở thị trường Anh).
“Chúng ta phải đặt ra mục tiêu phấn đấu tới năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt trên 10 tỷ USD. Đây là mục tiêu rất có ý nghĩa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Anh vào năm 2023”, ông Thành nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng khẳng định quyết tâm chính trị rất cao của Việt Nam thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP26.
“Việt Nam mong muốn doanh nghiệp, Chính phủ Anh quan tâm đầu tư, hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, tài chính và nguồn nhân lực, nhất là trong quá trình chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch, chuyển đổi các ngành sản xuất công nghiệp, phát triển giao thông công cộng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, ông Thành nêu rõ.
Đặc biệt, đối với một số lĩnh vực Anh đang có lợi thế, Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Anh quan tâm đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào các lĩnh vực như tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, chế biến, chế tạo, tài chính, ngân hàng, giáo dục, đào tạo, đổi mới sáng tạo, dược phẩm. Đây đều là những lĩnh vực mà Việt Nam đã và đang xây dựng các khung khổ pháp lý và cơ chế chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư.
“Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất cho các doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định.
“Động cơ tên lửa đẩy và Việt Nam sẽ vào top 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế Anh - bà Anne Marie Trevelyan nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những nền kinh tế đầy hứng khởi trên thế giới.
Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay, thu hút ngày càng nhiều đầu tư nước ngoài với ngày càng nhiều công ty mang tầm toàn cầu. Thêm vào đó, Việt Nam đã có danh tiếng về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
“Không mấy ngạc nhiên khi Việt Nam đang đi đầu trong sự chuyển đổi đầu tư trên thế giới. Việt Nam là ví dụ điển hình nhất về việc các quốc gia Đông Nam Á sẽ trở thành “động cơ tên lửa đẩy” cho nền kinh tế toàn cầu”, Bộ trưởng Trevelyan khẳng định.
© Ảnh : TTXVN - Bùi Doãn TấnChủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chứng kiến lễ trao các thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp, địa phương hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chứng kiến lễ trao các thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp, địa phương hai nước.
© Ảnh : TTXVN - Bùi Doãn Tấn
Đáng chú ý, quan chức Vương quốc Anh cũng tin tưởng rằng, với “động cơ tên lửa đẩy”, Việt Nam sẽ lọt top 30 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu vào cuối thập kỷ này.
“Theo phân tích của chúng tôi, cuối thập kỷ này, Việt Nam sẽ nằm trong số 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Với câu chuyện phát triển của Việt Nam trong thế kỷ XXI sẽ là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất và Anh muốn là một phần của điều này”, bà Anner Marie Trevelyan tin tưởng.
Cũng theo Bộ trưởng Trevelyan, quan hệ thương mại với Việt Nam đang đóng vai trò rất quan trọng trong chính sách thương mại của Anh.
Cũng tại tọa đàm, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh đề cập đến thỏa thuận thương mại tự do Anh Quốc- Việt Nam (UKVFTA) đã được thực hiện vào đầu năm nay. Đến năm 2027, thỏa thuận này sẽ tự do hóa 99% các dòng thuế quan. Hiện nay UKVFTA đã tạo ra một nền tảng vững chắc để có thể loại bỏ thuế quan, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của hai nước.
Bộ trưởng Anne Marie Trevelyan vui mừng chứng kiến các nhà tiêu dùng và các nhà sản xuất của Việt Nam nằm trong danh sách của nhà xuất khẩu của Anh; đồng thời hy vọng các ngành công nghiệp xanh của Anh như năng lượng gió và năng lượng điện mặt trời sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ Việt Nam trên chặng đường hướng tới một tương lai năng lượng sạch.
“Các doanh nghiệp tài chính xanh hàng đầu thế giới của Anh cũng đang bắt đầu vào cuộc. Các doanh nghiệp và thị trường vốn của Anh có thể cung cấp nguồn vốn vào Việt Nam để thực hiện những tham vọng của mình”, nữ Bộ trưởng cho biết.
Đặc biệt, Anh cũng muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong kế hoạch phát triển TP Hồ Chí Minh thành một trung tâm tài chính đầy đủ, thông qua những cải cách tài chính, cải cách thị trường; hợp tác về việc thiết kế cơ sở hạ tầng số; hợp tác trong giáo dục đào tạo… và cho rằng, đây chỉ là một “bức tranh nhỏ”, “một lát cắt” trong quan hệ hợp tác của Việt Nam – Anh.
Anh mong muốn tăng cường tương tác với khu vực ở Ấn Độ, Thái Bình Dương, theo Bộ trưởng, và Việt Nam đóng vai trò thiết yếu cho việc giúp Vương quốc Anh trở thành một đối tác đối thoại của ASEAN đầu tiên, hợp tác chặt chẽ hơn với khu vực.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh bày tỏ sự biết ơn những những hỗ trợ của Việt Nam trong việc Anh tham gia CPTPP, đồng thời khẳng định, cuộc tọa đàm là một cơ hội tuyệt vời để hai bên xây dựng một mối quan hệ nồng ấm hơn giữa hai nước, giữa hai người bạn, đó là mối quan hệ mang lợi ích cho người dân hai nước.
Điều kỳ lạ của kinh tế Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trực tiếp trao đổi, trả lời câu hỏi của các đại biểu, doanh nghiệp Anh trong khuôn khổ cuộc tọa đàm.
Đối với băn khoăn Việt Nam đã có sự chuẩn bị như thế nào để vượt qua những thách thức trong năm 2022 và 2023 trong bối cảnh thế giới hiện đối mặt với nhiều thách thức mới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thế giới đang thay đổi nhanh chóng, khó lường. Tình hình lạm phát leo thang do tác động kép của đại dịch và căng thẳng, xung đột đã tác động đến tất cả các nước, trong đó có Việt Nam. Theo ông Huệ, kà nền kinh tế có độ mở rất lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lớn gấp đôi quy mô GDP, cho nên bất cứ thay đổi nào của thế giới đều tác động tức thì đến Việt Nam.
“Tuy nhiên, điều kỳ lạ là kể cả cuộc đại suy thoái giai đoạn 2008-2009, hay thời kỳ dịch bệnh hoành hành nhất năm 2020-2021, thì Việt Nam vẫn tăng trưởng dương”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ông Huệ nhắc lại, năm 2020 là 2,91%, năm 2021 là 2,58% và bắt đầu có đà tăng trưởng mạnh năm nay, đây là cố gắng rất lớn của Việt Nam. Đặc biệt là khi thế giới đối mặt với lạm phát thì trong 6 tháng vừa qua, Việt Nam kiểm soát ở mức 2,45%, các cân đối vĩ mô được giữ ổn định. Việt Nam cũng có các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và mục tiêu đề ra đến năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 sẽ thành nước phát triển có thu nhập cao trên tinh thần tự cường và giúp đỡ, hợp tác quốc tế. Trên nền hai mốc đó, Việt Nam có chiến lược phát triển 10 năm và 5 năm, cùng với đó là kế hoạch cho tài chính, ngân sách, nợ công, đầu tư trung hạn 5 năm.
“Tính đến nay, Việt Nam không điều chỉnh các mục tiêu mà chỉ bổ sung các chính sách, giải pháp rất cụ thể”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định.
Theo ông Huệ, thời gian qua, Quốc hội Việt Nam đã trao cho Chính phủ những thẩm quyền đặc thù, đặc cách, đặc biệt chưa có tiền lệ, thậm chí là chưa được quy định trong luật pháp để phòng, chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế xã hội. Đó là hệ sinh thái mềm.
“Mặt khác, chúng tôi có sự hỗ trợ cả về tài khoá và tiền tệ, cả ngân sách Trung ương và địa phương, cả khu vực công và khu vực tư chiếm tới trên 8% GDP. Chúng tôi rút ra bài học quý giá là bằng giá nào cũng phải giữ được ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, giữ vững được lạm phát, tỷ giá, lãi suất”, ông Huệ bày tỏ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu giữ được ổn định kinh tế vĩ mô thì sẽ có tất cả. Và điều đó sẽ tạo ra niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo niềm tin trong nhân dân.