Vụ 42 người Việt trốn khỏi casino Campuchia: Có dấu hiệu tội buôn người

Liên quan đến vụ 42 người Việt trốn khỏi casino Campuchia vừa qua, nhà chức trách Việt Nam đã yêu cầu phía Campuchia điều tra nguyên nhân vụ việc, hỗ trợ tìm kiếm người mất tích.
Sputnik
Cơ quan chức năng nhận định, vụ việcnghiêm trọng nói trên có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều người và có dấu hiệu của tội phạm mua bán người, trong đó có việc ép nạn nhân lao động quá sức, không lương.

Đề nghị phía Campuchia vào cuộc điều tra

Ngày 19/8, liên quan đến vụ 42 người Việt vừa trốn khỏi casino Campuchia rồi vượt biên về Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo có chỉ đạo về vấn đề này.
Theo đó, Bộ Ngoại giao yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia khẩn trương liên hệ cơ quan chức năng sở tại làm rõ thông tin, kiểm tra sòng bạc này, đồng thời đề nghị phía Campuchia hỗ trợ tìm kiếm người mất tích cũng như điều tra nguyên nhân vụ việc, nhanh chóng triển khai các biện pháp bảo hộ công dân.
Vừa qua, nhà chức trách Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, nhất các địa phương giáp biên giới với Campuchia và các cơ quan chức năng Campuchia tiếp nhận thông tin, xác minh, triển khai nhiều biện pháp bảo hộ công dân gặp khó khăn, hoạn nạn, qua đó đưa hơn 500 công dân về nước an toàn, hỗ trợ thủ tục cho hàng ngàn công dân khác.
Trước đó, như Sputnik đã đưa tin, Đồn Biên phòng Long Bình (thuộc Biên phòng tỉnh An Giang) cho biết, vào khoảng 9h45 ngày 18/8, chốt quản lý bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19 số 21 (khóm Tân Khánh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú) phát hiện, tạm giữ 40 người (35 nam, 5 nữ) bơi qua sông Bình Di nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Bước đầu, cơ quan chức năng xác nhận có 42 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, trong đó chốt bảo vệ biên giới giữ được 40 người, nhưng một người bị bắt trở lại và một người mất tích.

Đã bố trí chỗ nghỉ ngơi

Ngay trong ngày 19/8, lực lượng chức năng tỉnh An Giang và UBND H.An Phú đã phối hợp, bố trí cho 40 người ở tạm tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Đa Phước để chờ làm các thủ tục cần thiết. Nhà chức trách cũng lo vấn đề cơm nước, chăn màn… cho những công dân nói trên để họ an tâm nghỉ ngơi. Hiện vẫn chưa tìm thấy người mất tích.
Được biết, cả 40 người đều trong độ tuổi khá trẻ, chỉ từ 20 đến hơn 30, đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước. Những người này cho biết, họ bị người khác lôi kéo xuất cảnh trái phép từ biên giới các tỉnh phía Nam để sang Campuchia theo hợp đồng và làm việc tại casino.
Tại Campuchia, công việc hằng ngày của họ là làm game online, trực trên các trang mạng làm theo sự chỉ đạo của chủ casino. Tuy nhiên, vì không được nghỉ ngơi, không được trả lương như thỏa thuận, nên mọi người đã tìm cách thoát casino và bơi qua sông Bình Di, nhập cảnh vào Việt Nam.
Cơ quan biên phòng nhận định, vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều người và có dấu hiệu của tội phạm mua bán người.
Chiều 19/8, cơ quan chức năng tỉnh An Giang đã làm việc với phía Campuchia để trao đổi về việc bảo vệ cho các lao động Việt Nam đang làm việc tại casino nước bạn.
An Giang: Bắt giữ 40 người vượt sông nhập cảnh trái phép vào Việt Nam

Muôn kiểu lừa đảo người sang Campuchia

Một ngày sau khi vụ việc xảy ra, người dân địa phương vẫn tụ tập nghe ngóng tình hình những người còn sót lại ở Campuchia ra sao.
Hiện nhà chức trách vẫn đang điều tra vụ việc và liên hệ phía Campuchia để giải cứu những người còn kẹt lại.
Chia sẻ với báo chí, ông Lê Bình Hổ (43 tuổi, ngụ thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cho biết, khi đang chuẩn bị đi công việc thì ông thấy mấy chục người nhảy xuống sông Bình Di.
Ngay lập tức, ông Hổ liền thông báo cho cán bộ biên phòng và dân quân tự vệ đang trực chốt cùng tiếp cứu.

"Sông này nhỏ nên khi họ bơi tới giữa sông cũng kịp lúc tôi chạy vỏ lãi đến. Nhưng họ đông quá, phải mất 3 lần chúng tôi mới đưa hết 40 người lên bờ", - ông nói.

Theo anh H., hiện đang làm việc tại một doanh nghiệp xuất khẩu cá sang Campuchia, đây là những nạn nhân bị lừa sang làm việc trên máy tính để dụ dỗ người khác chơi game online, lừa đảo nạp tiền. Những ai không làm được thì bị đánh đập, hành hạ.

"Vừa rồi tôi mới cứu con của người bạn tôi với giá 3.500 USD. Họ dụ dỗ làm "việc nhẹ lương cao" nhưng thực chất là lên mạng lừa đảo người khác. Nếu ai không làm thì sẽ bị dọa bán lấy nội tạng. Muốn về phải kêu gia đình nộp tiền chuộc", - anh H. nói.

41 công dân Việt Nam tháo chạy khỏi Campuchia

Vẫn còn 11 người bị kẹt lại

Liên quan đến vụ việc trên, chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Hòa Hợp cho biết, trong số 40 nói trên, có 4 người đến từ An Giang, còn lại chủ yếu là người dân đến từ các vùng miền khác, thậm chí có người ở tận Tây Bắc.
Một lãnh đạo Công an tỉnh An Giang cho biết, đơn vị và biên phòng đã làm việc với chính quyền tỉnh Kan Danl (Campuchia). Lãnh đạo tỉnh Kan Danl thống nhất sẽ rà soát lại tất cả lao động bất hợp pháp đang bị giữ tại casino để trao trả về Việt Nam.

"Họ thông tin bước đầu tại casino Rich World còn 11 người Việt nữa. Phía bạn sẽ làm việc để trao trả 11 người này trong thời gian sắp tới. Còn chúng tôi đang chỉ đạo lực lượng điều tra tập trung xử lý những người có hành vi lừa đảo mua bán người trong vụ việc này. Riêng những người tháo chạy khỏi casino là nạn nhân, nhưng họ cũng có hành vi xuất cảnh trái phép nên sẽ bị xử lý theo quy định", - vị lãnh đạo này cho biết.

Cơ quan công an xác định, trong số 40 người nói trên, người làm việc ít nhất cho casino là 2 tháng, nhiều nhất là 7 tháng. Họ bị buộc phải ngồi máy tính để dụ dỗ nhiều người chơi game, nạp tiền hoặc lừa đảo trúng thưởng.

"Cơ quan điều tra Công an tỉnh đã xét nghiệm 40 người này, kết quả đều âm tính COVID-19 và âm tính về ma túy. Hiện nay đơn vị đang khẩn trương điều tra vụ án. 40 người này có dấu hiệu là nạn nhân của nạn mua bán người, đặc biệt là việc ép nạn nhân lao động quá sức, không lương", - Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, cho biết.

Thảo luận