Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam rất cần có thêm các đối tác, nhà cung cấp sản xuất linh kiện bán dẫn nước ngoài đầu tư.
Việt - Ấn hợp tác phát triển ngành ô tô
Chiều 22/8, tại Hà Nội đã diễn ra diễn đàn “Gặp gỡ Doanh nghiệp Ấn Độ - Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp ô tô”.
Sự kiện do Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh Xúc tiến đầu tư quốc tế (Invest Global) và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) phối hợp tổ chức.
28 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội các Nhà sản xuất phụ tùng ô tô Ấn Độ (ACMA) và đại diện các bộ ngành, hiệp hội và các doanh nghiệp Việt Nam đã góp mặt tại diễn đàn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài- Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong bối cảnh Việt Nam và Ấn Độ đang hướng tới 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, diễn đàn mang ý nghĩa rất quan trọng, giúp thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực công nghiệp ô tô và giao lưu kinh tế thương mại.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, thị trường ô tô Việt Nam, nhất là phân khúc ô tô du lịch, đang tăng trưởng mạnh mẽ khi GDP bình quân đầu người tăng nhanh và nhu cầu sở hữu xe ô tô cá nhân ngày càng lớn.
Bộ Công thương cho biết, ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ sở hữu ô tô là khoảng 23 xe/1000 dân. Xu thế ô tô hóa được dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới.
Dù vậy, ông Tuấn cho biết, số lượng doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp ô tô tuy có gia tăng chưa được như kỳ vọng. Điều này, cộng với nhiều yếu tố khách quan khác, đã ảnh hưởng nguồn cung chip bán dẫn, khiến nghành công nghiệp ô tô, xe máy Việt Nam gặp khó khăn.
Do đó, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam rất cần có thêm các đối tác, nhà cung cấp sản xuất linh kiện bán dẫn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh, Việt Nam tự tin là một điểm đến an toàn, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
“Việt Nam đang cố gắng thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển nhằm thúc đẩy kinh tế số, tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia chuỗi trị toàn cầu”, - ông Tuấn nói.
Theo vị lãnh đạo, Việt Nam mong muốn sẽ ngày càng có nhiều đoàn doanh nghiệp Ấn Độ sang Việt Nam tìm hiểu và đầu tư kinh doanh lâu dài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp ô tô.
Hợp tác ô tô mang lại lợi ích cho cả hai phía
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch YBLF (thành viên của Hiệp hội các Nhà sản xuất phụ tùng ô tô Ấn Độ - ACMA) Yuvraj Kapuria đã giới thiệu khái quát về những thành tựu mà Ấn Độ đạt được trong nền công nghiệp sản xuất tô tô.
Theo ông, ngành công nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô của Ấn Độ lớn thứ 4 thế giới. Lĩnh vực này đóng góp khoảng 7,1% cho GDP của Ấn Độ, tạo công ăn việc làm cho khoảng 200 triệu người dân. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, Ấn Độ sẽ có 30% ô tô sản xuất trong nước chuyển sang chạy điện, thân thiện môi trường.
“Việt Nam đã thu hút nhiều đối tác hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghiệp ô tô. Vì vậy, ACMA mong muốn hợp tác tích cực với các doanh nghiệp trong ngành ô tô Việt Nam để cùng hợp lực, khám phá các thị trường mới hơn. Chúng tôi chấp nhận mọi phương thức hợp tác, bao gồm cả đầu tư vào Việt Nam”, - ông Yuvraj Kapuria chia sẻ.
Cũng theo ông, hợp tác trong lĩnh vực sản xuất ô tô và linh kiện, phụ tùng sẽ mang đến lợi ích thiết thực cho cả hai phía. Ông Yuvraj Kapuria mong rằng, doanh nghiệp hai nước sẽ cùng nhau trao đổi, giao lưu nhằm tìm kiếm những cơ hội và triển vọng hợp tác trong thời gian tới.
28 doanh nghiệp Ấn Độ sang Việt Nam bàn về phát triển ô tô
Tại sự kiện này, đại diện lãnh đạo Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đại diện các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Ấn Độ đã ký kết thỏa thuận hợp tác.
Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam cho biết, từ ngày 21-26/8, có 28 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội các Nhà sản xuất phụ tùng ô tô Ấn Độ (ACMA) sang thăm và làm việc tại Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư, thương mại và kinh doanh tại Việt Nam.
ACMA là hiệp hội hàng đầu tại Ấn Độ, đại diện cho toàn bộ ngành sản xuất phụ tùng ô tô, với trên 800 hội viên là các nhà sản xuất. Hiệp hội đóng góp hơn 85% doanh thu trong lĩnh vực ngành phụ tùng ô tô Ấn Độ.
Tại sự kiện lần này, ACMA mong muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư, thương mại và kinh doanh tại Việt Nam, gặp gỡ đại diện các bộ ngành, cơ quan xúc tiến đầu tư, hiệp hội ngành hàng, các nhà sản xuất ô tô và các doanh nghiệp thương mại trong ngành.