Tàu hộ vệ tên lửa mạnh hàng đầu của Hải quân Việt Nam thăm Indonesia làm gì?

Tàu hộ vệ tên lửa 012-Lý Thái Tổ (Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân) vừa rời quân cảng Cam Ranh lên đường thăm Indonesia.
Sputnik
Mục đích chuyến vượt biển dài của tàu chiến mạnh và hiện đại hàng đầu Hải quân Việt Nam đến xứ vạn đảo là gì?

Tàu chiến Việt Nam thăm Indonesia

Thông tin đáng chú ý về hoạt động của tàu chiến Hải quân Việt Nam. Theo đó, tàu hộ vệ 012- Lý Thái Tổ vừa lên đường đến Indonesia nhằm giao lưu và luyện tập chung với Hải quân Indonesia, kết hợp với hành trình huấn luyện đi biển đường dài.
Theo thông tin từ Quân chủng Hải quân, sáng 26/8, tàu hộ vệ tên lửa 012-Lý Thái Tổ (thuộc Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân) cùng đoàn công tác đại diện Hải quân Việt Nam đã rời quân cảng Cam Ranh lên đường thực hiện chuyến thăm, giao lưu với Hải quân Indonesia.
Đại tá Nguyễn Văn Ngân, Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân làm trưởng đoàn.
Trước đó, hồi tháng 11 năm 2021, tàu 012-Lý Thái Tổ đã cùng đoàn công tác cũng do Đại tá Nguyễn Văn Ngân, Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân Việt Nam làm trưởng đoàn rời Quân cảng Cam Ranh tới Indonesia tham gia diễn tập Hải quân ASEAN-Nga (ARNEX) với chủ đề “Hợp tác bảo đảm an toàn cho các hoạt động kinh tế biển và hàng hải dân sự”.
Do đó, hành trình này là khá quen thuộc đối với bản thân Đại tá Nguyễn Văn Ngân cũng như nhiều thành viên thuỷ thủ đoàn tàu hộ vệ tên lửa Lý Thái Tổ.
Tàu hộ vệ tên lửa 012-Lý Thái Tổ (Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân) vừa rời quân cảng Cam Ranh lên đường thăm Indonesia

Mục đích chuyến thăm Indonesia của tàu chiến Việt Nam

Theo chương trình dự kiến, tàu hộ vệ tên lửa của Việt Nam 012-Lý Thái Tổ sẽ luyện tập chung trên biển với tàu hải quân Indonesia.
Đoàn thuỷ thủ tàu Lý Thái Tổ sẽ kết hợp chuyến công tác đến Indonesia lần này để tổ chức huấn luyện đi biển đường dài.
Mục đích huấn luyện là nhằm nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy hiệp đồng, khả năng sẵn sàng chiến đấu, trình độ thao tác làm chủ vũ khí, trang bị trong điều kiện hoạt động dài ngày trên biển.
Theo báo QĐND dẫn lời Đại tá Nguyễn Văn Ngân, Phó tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, trưởng đoàn công tác cho biết, mục đích chuyến thăm Indonesia là tăng cường giao lưu học hỏi, qua đó nâng cao năng lực trình độ.
Indonesia rất ngưỡng mộ và khâm phục Việt Nam

“Chuyến thăm, giao lưu và luyện tập chung lần này nhằm mục đích chính là tăng cường giao lưu, học hỏi”, - Đại tá Nguyễn Văn Ngân thông tin và cho biết thêm rằng, đoàn cán bộ, thuỷ thủ cũng sẽ tổ chức xây dựng các kế hoạch luyện tập chung, xử trí các tình huống trên biển.

Theo Phó tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, thông qua các hoạt động như chuyến thăm của tàu Lý Thái Tổ đến Indonesia lần này, là nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa quân đội và hải quân hai nước.
Đồng thời nâng cao khả năng phối hợp hiệp đồng trong ứng phó với các thách thức chung về an ninh hàng hải, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia ngày càng phát triển.

Sức mạnh tàu hộ vệ tên lửa Việt Nam do Nga sản xuất

Như đã biết, tàu chiến 012-Lý Thái Tổ là tàu hộ vệ tên lửa thuộc lớp Gepard 3.9 do Nga sản xuất và chuyển giao cho Việt Nam theo thoả thuận hợp tác quốc phòng song phương tốt đẹp giữa hai nước.
Đây cũng là một trong những chiến hạm tên lửa hiện đại nhất của Việt Nam hiện nay được trang bị hệ thống vũ khí tiên tiến, có khả năng hoạt động độc lập hoặc tác chiến theo đội hình, có khả năng tác chiến liên tục trong khoảng thời gian dài trên biển.
Tàu thuộc đề án 11661E “Gepard” được đưa vào biên chế Lữ đoàn 162, Hải quân Nhân dân Việt Nam từ tháng 8/2011.
Tàu hộ vệ tên lửa này của Việt Nam được trang bị nhiều khí tài hiện đại, do Nga sản xuất theo hợp đồng ký kết với Việt Nam với hệ thống vũ khí phòng vệ và tấn công mạnh mẽ có khả năng tác chiến cả trên không, dưới nước, trên mặt nước và đặc biệt là chống ngầm.
Lớp tàu hộ vệ Gepard 3.9 này được kỳ vọng góp công lớn trong quá trình hiện đại hoá Hải quân với mục đích xây dựng lực lượng hải quân chính quy, nâng cao năng lực bảo vệ biển đảo Tổ quốc của Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Tàu 012-Lý Thái Tổ có chiều dài 102 mét, chiều rộng 13,7 mét, lượng giãn nước 2.100 tấn, có thể chịu được sóng gió cấp 10 - 12.
Dù được biên chế cho Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân nhằm thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm, theo dõi và tiêu diệt các mục tiêu tàu chiến nổi, tàu ngầm (hạn chế), phòng không, hộ tống, tuần tra bảo vệ lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế tuy nhiên, tàu HQ-012 Lý Thái Tổ sở hữu sức mạnh đáng gờm nhờ được thiết kế với khả năng tàng hình, trang bị hệ thống phòng không phức tạp Palma-SU với hệ thống dẫn hướng quang-điện tử.
Bên cạnh đó sức mạnh của tàu còn đến từ hệ thống 8 ống phóng tên lửa chống hạm Kh-35 Uran E. Đầu đạn 145kg của Uran-E được đánh giá là đủ sức đánh chìm tàu chiến cỡ 4.000-5.000 tấn.
Như đã nêu, vũ khí chính của tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9 là 8 tên lửa chống hạm 3M24E với tầm bắn 130 km, một pháo hải quân AK-176MA cỡ nòng 76,2 mm, một tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Palma, hai pháo phòng thủ cực gần AK-630M.
Đặc biệt, mỗi tàu lớp Gepard này có thể mang theo một trực thăng Ka-28 để tăng khả năng phát hiện, tiêu diệt tàu ngầm đối phương.
Sự kiện Vịnh Bắc Bộ: Tự hào cách Hải quân Việt Nam đánh bại âm mưu của Mỹ
Nhờ tàu hộ vệ lớp Gepard của Việt Nam được ứng dụng nhiều công nghệ tàng hình, kết hợp giữa thân vỏ góc cạnh và sơn hấp thụ sóng radarnên có thể hạn chế tối đa diện tích phản xạ radar trước các hệ thống trinh sát của đối phương.
Cùng với đó, tàu 012 – Lý Thái Tổ cũng được trang bị các hệ thống gây nhiễu, tác chiến điện tử hiện đại, có khả năng phòng thủ và tác chiến mạnh mẽ.
Thảo luận