Gỡ ‘vòng kim cô’. Việt Nam - Thái Lan bắt tay nhau nâng giá gạo, Bộ Nông nghiệp phản ứng
Bộ Nông nghiệp và Nông thôn lên tiếng về thông tin “Việt Nam – Thái Lan bắt tay nhau nâng giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới”.
SputnikĐại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2022 dự kiến đạt 3,2 – 3,3 tỷ USD.
Phản ứng của Bộ Nông nghiệp về tin Việt Nam – Thái Lan cùng nâng giá gạo
Bộ Nông nghiệp và Nông thôn chính thức lên tiếng về việc Thái Lan đề nghị Việt Nam cùng bắt tay nâng giá gạo xuất khẩu, dự kiến sẽ thuyết phục cả Ấn Độ cùng chung tay đẩy giá gạo xuất khẩu lên trong thời gian tới.
Tại buổi họp báo diễn ra chiều 5/9, liên quan tới thông tin có hay không việc Việt Nam bắt tay Thái Lan nâng giá gạo, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Việt Nam tuân thủ theo quy luật thị trường giá.
Theo ông Cường, khi tham gia vào Tổ chức thương mại quốc tế (WTO), tham gia các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam luôn tuân thủ quy định thương mại quốc tế và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
“Đối với vấn đề giá lúa gạo, Việt Nam cam kết tuân theo quy luật thị trường và luôn thể hiện sự minh bạch cũng như trách nhiệm với vấn đề an ninh lương thực quốc tế”, - Cục trưởng Cục Trồng trọt nhấn mạnh.
“Tháo vòng kim cô”
Trước đó, như Sputnik đã thông tin, hôm 4/9, Bangkok Post dẫn lời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan Chalermchai Sri-on cho biết Việt Nam đã “đồng ý” hợp tác về xuất khẩu gạo toàn cầu.
Đồng thời, thỏa thuận đạt được sau các cuộc thảo luận giữa hai nước về giá gạo xuất khẩu gần đây. Hai nước sẽ lập tức thành lập nhóm triển khai ý tưởng này tại mỗi nước.
“Thái Lan và Việt Nam đã nhất trí thúc đẩy hợp tác tăng giá gạo xuất khẩu, bảo đảm công bằng hơn trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng cao”, - Bộ trưởng Chalermchai nói.
Quan chức Thái cho rằng, người nông dân sản xuất lúa gạo ở cả Việt Nam và Thái Lan đang chịu tác động kép của đại dịch Covid-19 và
xung đột Nga-Ukraina, trong khi giá xuất khẩu gạo cơ bản không thay đổi trong thời gian qua. Do đó, thúc đẩy giá gạo xuất khẩu ở mức công bằng hơn là nhiệm vụ và trách nhiệm của tất cả các quốc gia xuất khẩu hiện nay.
Theo Bộ trưởngChalermchai, các cuộc gặp sắp tới sẽ thảo luận về thỏa thuận giá gạo giữa Việt Nam và Thái Lan để tất cả các bên hiểu rõ hướng nâng giá gạo xuất khẩu.
“Thỏa thuận là bước đầu tiên trong hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan để giúp các nông dân có được giá xuất khẩu công bằng hơn, sử dụng cơ chế giá cả trên thị trường toàn cầu”, - người đứng đầu Bộ Nông nghiệp Thái Lan nêu rõ.
Ông Alongkorn Ponlaboot, cố vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan được bổ nhiệm làm Trưởng đoàn đàm phán về giá của Thái Lan.
Bộ Nông nghiệp Thái Lan cũng được giao trọng trách tiến hành các cuộc họp nội bộ với sự tham dự của Hiệp hội nông dân, Hiệp hội xay xát, doanh nghiệp xuất khẩu và các công ty liên quan khác trước khi tổ chức cuộc họp với phía Việt Nam trong thời gian tới để đẩy giá gạo tăng lên.
Tại họp báo, đề cập đến việc giá lúa gạo lúc lên lúc xuống và quan điểm tháo “vòng kim cô” đó là giảm diện tích lúa gạo, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Như Cường cho hay, Việt Nam là đất nước nông nghiệp, do đó, việc tối thiểu trong trồng trọt đó là phải đảm bảo an ninh lương thực cho 100 triệu dân Việt Nam.
“Vì vậy, cần phải đảm bảo một diện tích nhất định để đảm bảo vấn đề này không chỉ trong thời gian trước mắt và trong một thời gian dài”, - ông Cường lưu ý.
Theo Cục trưởng Cường, hiệu quả kinh tế, thậm chí
lợi nhuận cho người nông dân trồng lúa không thấp, tuy nhiên, đời sống của người người dân trồng lúa còn nhiều khó khăn.
“Nguyên nhân do quy mô sản xuất của chúng ta còn nhỏ lẻ, manh mún. Nếu mỗi hộ nông dân Việt Nam có từ 5-10 triệu ha đất trồng lúa thì tôi có thể khẳng định rằng những hộ nông dân trồng lúa sẽ là những người có mức thu nhập cao, cuộc sống khá giả”, - ông Nguyễn Như Cường bày tỏ.
Lãnh đạo Cục Trồng trọt cũng thông tin, tại thời điểm này, theo số liệu của Tổng cục Thống kê và của Bộ Tài nguyên Môi trường thì Việt Nam đang có khoảng 3,9 triệu ha đất trồng lúa.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, cũng như các kết luận của Trung ương về việc giữ 3,5 triệu ha đất trồng lúa đến 2030. Do vậy, từ nay đến năm 2030 Việt Nam có thể chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất công nghiệp hay chuyển đổi sang các cây trồng khác khoảng 400.000 ha.
“Việc chuyển đổi này cần có quá trình. Đây là sự chuyển đổi linh hoạt, hiệu quả để vừa ổn định được ngành nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực cũng như xuất khẩu”, - ông Cường nhắc lại.
Xuất khẩu gạo dự kiến sẽ đạt trên 3 tỷ USD
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, luỹ kế đến trung tuần tháng 8, xuất khẩu gạo đạt trên 2,3 tỷ USD, tăng 18,1% về lượng và tăng 8,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam vẫn đảm bảo kế hoạch gieo trồng hơn 7,2 triệu ha, sản lượng dự kiến trên 43 triệu tấn thóc, do đó sản lượng xuất khẩu năm 2022 từ 6,5 đến 6,7 triệu tấn gạo “hoàn toàn đảm bảo”.
“Tuy nhiên, giá cả sẽ phụ thuộc vào thị trường thế giới”, - ông Cường thừa nhận.
Theo vị lãnh đạo, hiện trên thị trường thế giới, giao dịch lúa mì khoảng trên 500 triệu tấn, tuy nhiên, giao dịch thị trường lúa gạo chỉ khoảng 40 - 50 triệu tấn và tập trung ở vùng châu Á.
Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt 479 USD/tấn, giảm hơn 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, việc thị trường các nước EU, Hoa Kỳ tăng nhập khẩu gạo Việt Nam, giá lúa gạo tại các thị trường này mà tăng, thì chắc chắn giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có nhiều thuận lợi.
Theo Thứ trưởng Tiến, khi đó, xuất khẩu gạo không những đạt được những thành tích mà ngành lúa gạo cũng cần nhiều giải pháp để nâng cao sản lượng, chất lượng, xây dựng thương hiệu.
“Nếu không có những bất thường về thời tiết, dịch bệnh, chúng ta đủ lượng 6,5 – 6,7 triệu tấn gạo để xuất khẩu và dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3,2 - 3,3 tỷ USD”, - ông Phùng Đức Tiến thông tin.