Thế giới bất ổn, Việt Nam vẫn thăng hạng

Moody’s Investors Service vừa đưa ra cảnh báo rủi ro của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á ngày 13/9, tuy nhiên, có vẻ, Việt Nam hiện vẫn được coi là “ngoại lệ”.
Sputnik
Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục thăng hạng bất chấp khu vực đối mặt với rủi ro, thách thức bao quanh và toàn cầu hiện còn nhiều bất ổn.
The Edge dẫn kết quả cuộc thăm dò của Moody’s Investors Service khẳng định, lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng là những rủi ro lớn nhất trong vòng 12 đến 18 tháng tới ở các nền kinh tế mới nổi tại châu Á.

Moody’s nêu rủi ro với các nền kinh tế mới nổi ở châu Á

Bộ phận Đầu tư của Moody’s (tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới), Moody’s Investors Service ngày 13 tháng 9 đã công bố báo cáo về kết quả thăm dò ý kiến tại Hội nghị các thị trường mới nổi ở châu Á với nhiều nội dung đáng chú ý.
Trong tuyên bố được đưa ra vào hôm thứ Ba ngày 13/9, Moody’s đánh giá hai rủi ro lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng này xảy ra sau tác động tiềm tàng của chu trình lãi suất tăng rần rần và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại (hay xu hướng suy thoái kinh tế) thời gian qua.
Bà Jacintha Poh, Phó Chủ tịch cấp cao của Moody’s nhận định, do gián đoạn chuỗi cung ứng, số lượng những tập đoàn đa quốc gia (MNC) có ý định di dời nhiều ngành sản xuất rời khỏi Trung Quốc ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, Moody’s cũng lưu ý rằng Trung Quốc sẽ vẫn tham gia vào nhiều chuỗi cung ứng do những lợi thế so sánh khó thay thế của Bắc Kinh.

“Tuy nhiên, các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ ngày càng được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng khi ngày càng có nhiều tập đoàn đa quốc gia (MNC) áp dụng chiến lược 'Trung Quốc +1'”, - Jacintha Poh khẳng định.

Bộ phận Đầu tư của Moody’s nêu quan điểm, tác động tiềm tàng của việc tăng lãi suất và tăng trưởng kinh tế chậm hơn cũng là một trong những rủi ro mà các nền kinh tế mới nổi ở châu Á dự kiến sẽ phải đối mặt trong 12-18 tháng tới, với các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn dự kiến sẽ hạn chế nhu cầu tài trợ cho cơ sở hạ tầng lớn trong giai đoạn 12-18 tháng tới đây.
Jacintha Poh cũng đồng thời bày tỏ quan ngại về sự gián đoạn nguồn cung do xung đột giữa Nga-Ukraina đã đẩy giá than, nhiệt điện, dầu và khí đốt lên mức kỷ lục thời gian qua, gây nguy cơ khủng hoảng năng lượng ở nhiều quốc gia, khu vực. Theo Bộ phận Đầu tư của Moody’s, các nhà sản xuất hàng hóa được xếp hạng ở khu vực châu Á đều có báo cáo doanh thu và dòng tiền mạnh mẽ, được sử dụng để giảm nợ, tăng tái đầu tư hoặc chia lợi yức cho cổ đông. Theo Moody’s, những khoản doanh bội thu này đã hỗ trợ các nhà sản xuất trong bối cảnh rủi ro về quy định và những lo ngại về môi trường, xã hội và quản trị gia tăng hiện nay.
Cùng với đó, dù giá hàng hóa không còn lập đỉnh như cách đây vài tháng, Moody’s dự kiến nguồn cung hàng hóa bổ sung sẽ bị hạn chế trong bối cảnh nhu cầu tăng cao vào mùa đông sắp tới. Mặc dù vậy, trong dài hạn, nguy cơ tăng trưởng toàn cầu bị suy yếu sẽ làm giảm nhu cầu đối với hầu hết mặt hàng, điều này có thể giúp hạ nhiệt giá cả.
Moody’s cũng lo việc các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn sẽ làm giảm hoạt động tài chính và sự đa dạng trong việc cấp vốn phục vụ cho quá trình cải thiện cơ sở hạ tầng thị trường mới nổi châu Á trong vòng 12 đến 18 tháng tới.

“Các thị trường mới nổi ở khu vực châu Á sẽ chịu gánh nặng từ nhiều tác động so với các khu vực khác trên thế giới”, - theo Moody’s Investors Service.

Do vậy, ngân hàng phát triển đa phương, các định chế tài chính quốc tế, Chính phủ mỗi nước ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở những nền kinh tế châu Á mới nổi nhằm bù đắp khó khăn về tín dụng và cải thiện tâm lý nhà đầu tư tới khu vực này, theo Moody’s.
Không phải Ấn Độ, Việt Nam mới là “đích nhắm” đầu tư số 1

Thăng hạng tín nhiệm, Việt Nam vẫn là ngoại lệ

Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, bất chấp các cảnh báo rủi ro thách thức về những tác động từ quá trình tăng lãi suất, cũng như gián đoạn chuỗi cung ứng, Việt Nam vẫn đi là “ngoại lệ”, đi ngược xu thế suy thoái kinh tế chung.
Đầu tháng 9 này, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s cũng đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên Ba2, thay đổi triển vọng từ “tích cực” đến “ổn định”, như Sputnik cập nhật trước đó. Đặc biệt, trong bối cảnh khu vực châu Á đang có nhiều khó khăn, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở APAC và là một trong 4 quốc gia trên thế giới được tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm 2022 đến nay.
Việc Moody’s nâng hạng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức Ba2 phản ánh đánh giá của tổ chức xếp hạng hàng đầu thế giới này về sức mạnh kinh tế ngày càng được tăng cường và khả năng chống chịu của Việt Nam trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài. Việc nâng hạng tín nhiệm cũng thể hiện sức mạnh kinh tế và sức mạnh nội lực của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận và đánh giá tốt hơn so với các nước cùng mức xếp hạng tín nhiệm thể hiện hiệu quả chính sách được cải thiện.
Moody’s đánh giá cao sức mạnh kinh tế của Việt Nam và cho rằng nó được củng cố bởi năng lực cạnh tranh ngày càng nâng cao và việc tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Năng lực cạnh tranh tăng trong khu vực sản xuất chế biến chế tạo của Việt Nam thể hiện hiệu quả vượt trội so với các quốc gia cùng mức xếp hạng trong khu vực và đã góp phần cải thiện thu nhập ngày càng tăng của người dân”, - Moody’s cho biết.

Đồng thời, việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại song phương và khu vực đã khẳng định vị thế ngày càng mở rộng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Moody’s đánh giá các hiệp định thương mại tự do này sẽ giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam đối với danh mục hàng hóa với giá trị gia tăng thấp hơn, đồng thời củng cố vững chắc vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng đối với mặt hàng công nghệ với giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, hiệu quả thực thi chính sách tài khóa của Việt Nam được Moody’s ghi nhận là một trong những yếu tố chính đóng góp vào quyết định nâng hạng.
Nền tảng tài khóa vững chắc được hỗ trợ bởi chi phí vay được kiểm soát ở mức hợp lý, điều hành chính sách tài khóa cẩn trọng và thanh khoản của danh mục nợ Chính phủ được cải thiện. Điều này cũng phản ánh xu hướng Chính phủ chuyển đổi dần từ vay ưu đãi nước ngoài sang huy động vốn vay trên thị trường trong nước với chi phí thấp và kỳ hạn dài hơn. Moody’s cùng tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhờ vào những cơ hội từ việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng, đa dạng hóa xuất khẩu và tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực sản xuất.

Chuyên gia: Được Moody’s nâng hạng, Việt Nam lợi nhiều

Trao đổi với báo chí xung quanh việc Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's - một trong ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín thế giới - nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên Ba2 với triển vọng ổn định, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đánh giá, việc được Moody’s nâng hạng tín nhiệm có nghĩa là tổ chức này đã đánh giá Việt Nam “tốt hơn so với trước đây”.

“Việc Việt Nam được Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm đồng nghĩa với việc chúng ta được tổ chức này đánh giá tốt hơn so với trước đây. Cho nên chi phí đi vay sẽ giảm đi bao gồm cả khu vực nhà nước và khu vực của doanh nghiệp khi bước chân vào thị trường”, - ông Trương Hùng Long nhận xét.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), việc Moody’s nâng định mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động và thách thức là “hết sức tích cực”, thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam để ổn định và phục hồi kinh tế vĩ mô, củng cố nền tảng chính trị - xã hội; nỗ lực của Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan trong việc truyền tải các chính sách, thành tựu của Việt Nam đến các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và tổ chức quốc tế.

“Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp dẫn đến hơn 30 lượt hạ bậc tín nhiệm trên thế giới trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, và là một trong bốn quốc gia trên toàn thế giới, được Moody’s nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay”, - ông Long nhắc lại.

Theo đại diện Bộ Tài chính, có hai yếu tố quan trọng trong việc Moody’s nâng hạng cho Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 là sức mạnh kinh tế và nền tảng về chính sách tài khóa. Ông Trương Hùng Long phân tích, sức mạnh kinh tế được thể hiện ở khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng, kiểm soát lạm phát.

Khả năng chống chọi của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài của Việt Nam đoạn vừa qua nó tốt hơn hẳn các nước đồng hạng”, - ông Long nói.

Yếu tố thứ hai là nền tảng về chính sách tài khóa. Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại nêu rõ, Việt Nam đã thực hiện chính sách tài khóa thận trọng. Lạm phát, bội chi được hạn chế, giảm xuống, nợ công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ cũng như là tái cơ cấu nợ công rất hiệu quả, chi phí đi vay của Việt Nam đang thấp xuống và đang chuyển dần từ vay nước ngoài sang vay trong nước là chính. Đây là hai yếu tố hai yếu tố cơ bản để đánh giá trong thời gian vừa qua để nâng hạng Việt Nam.
Nhận định về tác động của việc được Moody’s nâng hạng giúp làm lợi cho quá trình thu hút đầu tư nước ngoài thời gian tới, ông Trương Hùng Long lưu ý, khi các quốc gia đánh giá mức độ tín nhiệm cao hơn đồng nghĩa với việc sẵn sàng đầu tư vốn vào Việt Nam với niềm tin lớn hơn khi mà khả năng mất vốn thấp đi thì sẽ tập trung vốn vào nhiều hơn với chi phí sẵn sàng sẽ rẻ hơn. Cho nên, theo đại diện Bộ Tài chính, việc Việt Nam được nâng hạng tín nhiệm sẽ giúp cho việc huy động các nguồn vốn từ khu vực bên ngoài vào trong nước tốt hơn. Đối với khu vực Nhà nước, việc nâng hạng đồng nghĩa với việc huy động vốn bên ngoài sẽ rẻ hơn giúp các doanh nghiệp dựa trên mức sàn của Chính phủ sẽ huy động vốn rẻ hơn và các nhà đầu tư sẽ đầu tư vào các khu vực của nền kinh tế.
Nói đến giải pháp nhằm đạt mục tiêu nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam thời gian tới, ông Trương Hùng Long cho biết, từ nay đến năm 2030, Chính phủ Việt Nam đã chủ động có đề án để từng bước tiến tới xếp hạng Đầu tư vào năm 2030.

“Tôi nghĩ rằng với nền tảng về kinh tế, với quyết tâm về chính trị của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng như với với các bước đi đã được định hình, cùng sự quyết tâm bền bỉ, kiên trì chúng ta sẽ đạt được mục tiêu xếp hạng lêm mức “Đầu tư” vào năm 2030. Và khi chúng ta đạt mức Đầu tư có nghĩa nhà đầu tư sẽ tin tưởng đủ khả năng trả nợ”, - ông Long cho hay.

“Việt Nam đang gây xôn xao”
Theo chuyên gia Trương Hùng Long, với các tiêu chí của Moody’s thì Việt Nam còn có 2 bậc nữa, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P) S còn 1 bậc và Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings là 2 bậc. Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) tin tưởng rằng trong thời gian tới dưới sự chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ, toàn hệ thống chính trị sẽ quyết tâm để đạt được mục tiêu đề ra.

“Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Moody’s, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng như tổ chức quốc tế khác để tiếp tục có đánh giá đầy đủ và cập nhật về hồ sơ tín dụng của Việt Nam”, - ông Trương Hùng Long khẳng định.

Thảo luận