Nga có cơ hội lớn để xuất khẩu lương thực, thực phẩm sang Việt Nam
21:09, 16 Tháng Chín 2022
HÀ NỘI (Sputnik) – Nga và Việt Nam là những nước xuất khẩu nông sản ròng, song các mặt hàng xuất khẩu nông sản của Việt Nam và Nga không cạnh tranh trực tiếp mà bổ sung lẫn nhau. Đây được coi là tiền đề cơ sở để hai nước tiếp tục củng cố và mở rộng hợp tác về thương mại - sản xuất hàng nông sản.
SputnikNga dịch chuyển thương mại nông nghiệp sang châu Á
Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Nga ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với lĩnh vực hợp tác đa dạng, trong đó có sản xuất và nông nghiệp. Các doanh nghiệp hai nước ngày càng hiểu biết sâu sắc hơn về thị trường của nhau. Số lượng các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp được tiếp cận thị trường hai nước ngày càng tăng.
Cụ thể đến hết năm 2021, Liên bang Nga đã cho phép 50 doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nga. Ở chiều ngược lại, 55 doanh nghiệp Nga được xuất khẩu thịt và 77 doanh nghiệp Nga được
xuất khẩu thủy sản sang Việt Nam.
Với mong muốn kết nối và hợp tác kinh doanh với các đối tác Việt Nam, trong thời gian gần đây đại diện nông nghiệp hai nước liên tục trao đổi xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường.
Mới đây, tại hội chợ Triển lãm Nông nghiệp Quốc tế AgroViet 2022, lần đầu tiên Trung tâm giao dịch và giới thiệu sản phẩm Liên bang Nga có mặt tham dự giới thiệu sản phẩm. Giám đốc Trung tâm giao dịch và giới thiệu sản phẩm Liên bang Nga tại Việt Nam, ông Trần Đức Quyền chia sẻ với Sputnik:
“Năm nay là lần đầu tiên chúng tôi tham dự hội chợ này và đây là cơ hội rất tiềm năng. Hiện chúng tôi đang tìm kiếm các nhà nhập khẩu liên quan đến thực phẩm của Nga. Thị trường nông sản Việt Nam rất rộng lớn, các đối tác từ phía Nga có rất nhiều sản phẩm như bột mì, dầu ăn, phân bón,...Chúng tôi hy vọng thông qua hội chợ này có thể tìm được các nhà nhập khẩu tiềm năng, đồng thời kết nối giữa nhà sản xuất của Nga và nhà nhập khẩu Việt Nam”.
Ông Quyền cũng nhấn mạnh thêm,
Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga có chiến lược dịch chuyển sang thị trường châu Á. Việt Nam là thị trường rất tiềm năng và cơ hội để thúc đẩy kim ngạch nông sản hai chiều.
“Tại Việt Nam, chúng tôi có 2 đối tác chính. Thứ nhất là nhà phân phối nhập khẩu lớn, thứ hai là nhà sản xuất lớn họ muốn nhập khẩu nguyên liệu từ Nga về Việt Nam để sản xuất sản phẩm cuối. Đã có công ty chuyên sản xuất bột mì tại Việt Nam nhập nguyên liệu lúa mì từ Nga, chúng tôi cũng đã có kết nối và có thông tin ban đầu khai mở thị trường. Dầu ăn, bánh kẹo, trứng cá của Nga chúng tôi đã tìm thấy nhà nhập khẩu và đã có những chuyến hàng đầu tiên.”
Xuất khẩu hàng nông sản từ Việt Nam sang Nga năm 2021 đạt 612,7 triệu USD, tăng 25% so với năm 2020; từ Nga sang Việt Nam đạt 523,1 triệu USD, tăng 21% so với năm 2020. Việt Nam là nước cung cấp hàng đầu cho Liên bang Nga nhiều sản phẩm như: cà phê 163 triệu USD (21% kim ngạch nhập khẩu của Nga), thủy sản 151 triệu USD (7,2%), hạt điều 55 triệu USD (88%), hạt tiêu 24,6 triệu USD (43%), chè 22 triệu USD (5,1%)...
Trao đổi với Sputnik, bà Victoria Gorshkova, đại diện Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga tại Việt Nam cũng cho biết thêm:
“Hiện nay, Nga quan tâm đến các mặt hàng của Việt Nam như cafe, gạo, gia vị, trà. Tại triển lãm Nông nghiệp Quốc tế AgroViet 2022, tôi thấy rất nhiều công ty Việt Nam sản xuất trà. Theo tôi, trà Việt Nam sẽ tìm được chỗ đứng trên thị trường Nga nếu đi đúng định hướng phát triển và đầu tư”.
Nông nghiệp Việt - Nga còn rất nhiều tiềm năng để phát triển
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, có 3 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang Nga tăng, đó là gạo tăng tới 90,48%, mặt hàng cao su tăng 65,87%, cà phê tăng 34% so với 6 tháng đầu năm 2021.
Trong tháng 6/2022 cho thấy đã có tín hiệu hồi phục so với các tháng trước, đặc biệt là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như hàng thủy sản, hạt điều, cà phê, chè, hạt tiêu,... Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Nga trong 6 tháng năm 2022 đạt 1,08 tỷ USD, tăng 22,38% (tương đương 216 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2021.
Đánh giá về dư địa xuất nhập khẩu nông sản hai nước, trao đổi với Sputnik, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT Việt Nam) cho hay:
“Nga là một cường quốc về xuất khẩu nông sản và Việt Nam nằm trong top 15 xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới với thặng dư hàng năm lên tới 5-6 tỷ đô. Tuy nhiên, điều kiện khí hậu, dư địa khác nhau nên các mặt hàng xuất khẩu nông sản của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà bổ sung lẫn nhau. Bởi vậy, chúng tôi coi đây là cơ hội giao thương giữa Nga – Việt. Mặc dù, chúng tôi là những nước xuất khẩu nông sản ròng, nhưng hoàn toàn có thể bổ sung các nhóm hàng cho nhau và có thể hợp tác hỗ trợ lẫn nhau”.
Cùng chung quan điểm, bà Victoria Gorshkova, đại diện Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga tại Việt Nam cũng cho rằng:
“Chúng tôi đánh giá tiềm năng xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước rất cao và hiện tại chưa khai thác hết tiềm năng đó. Bởi nông sản hai nước không phải là mặt hàng cạnh tranh mà bổ sung cho nhau, tức là Nga có thể cung cấp cho Việt Nam những mặt hàng Việt Nam đang thiếu và ngược lại. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới hợp tác giữa hai bên sẽ vượt kỳ vọng”.
Thị trường Việt Nam được cho là có sức hút với các doanh nghiệp Liên bang Nga nhờ mối quan hệ
hữu nghị truyền thống lâu đời giữa 2 nước và nền kinh tế phát triển năng động với 99 triệu dân. Trong khi đó, đối với Việt Nam, Nga là thị trường rộng lớn của Nga với hơn 140 triệu dân và có thu nhập cao.
“Thị trường Việt Nam có nhu cầu đối với các mặt hàng nông sản chủ lực của Nga như lúa mì, lúa mạch, các sản phẩm từ sữa, các sản phẩm chăn nuôi, các sản phẩm hoa quả ôn đới. Ngược lại, đối với thị trường Nga, đây là thị trường hết sức tiềm năng đối với nhóm sản phẩm như thủy sản, trái cây nhiệt đới, các nhóm về gia vị, hồ tiêu hay cafe và các nhóm hạt khác”, ông Nguyễn Minh Tiến cho hay.
Phía Việt Nam luôn xác định, Nga là thị trường tiềm năng lớn để thúc đẩy, đưa nông sản có thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Nga. Ngược lại, Việt Nam là nước nhiệt đới, có nhu cầu cao đối với các sản phẩm ôn đới mà nước Nga có thế mạnh. Bởi vậy, đây là tiền đề cơ sở để hai nước tiếp tục củng cố và mở rộng hợp tác về
thương mại - sản xuất hàng nông sản trong thời gian tới giúp kim ngạch song phương vượt kỳ vọng.
Theo số liệu của “Agroexport”, giá trị nông sản xuất khẩu từ Nga trong thời gian tới có thể đạt đến 1,5 tỷ đô la Mỹ và sẽ là nền tảng tốt để thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại với Việt Nam.