Hơn 100 tấn sầu riêng lần đầu tiên đi đường chính ngạch sang Trung Quốc

Lần đầu tiên trong lịch sử, hơn 100 tấn sầu riêng Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới.
Sputnik
Đây là kết quả sau nhiều nỗ lực đàm phán của các cơ quan chức năng hai nước, với sự đồng hành của người nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng Việt Nam.

Hơn 100 tấn sầu riêng xuất khẩu chính ngach sang Trung Quốc

Chiều 17/9, tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk đã diễn ra lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư sang Trung Quốc.
Có 5 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lô sầu riêng đầu tiên của Việt Nam theo đường chính ngạch sang Trung Quốc. Tổng cộng, có 6 container sầu riêng với trọng lượng đạt hơn 100 tấn.
Có mặt tham dự buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, ngày 17/9, lô hàng sầu riêng tươi đầu tiên đã sẵn sàng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, theo Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật, ký ngày 11/07/2022 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Ngoại giao sầu riêng? Trung Quốc dùng "trái cây vua" để tăng cường quan hệ với Đông Nam Á
Đây là kết quả sau nhiều nỗ lực đàm phán suốt thời gian dài của các cơ quan chức năng hai nước, cùng với sự đồng hành của cộng đồng những người sản xuất và xuất khẩu sầu riêng Việt Nam.
Đây không chỉ là niềm tự hào của người trồng sầu riêng Đắk Lắk, mà còn là niềm vui chung của người dân vùng Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất trên thế giới. Việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang nước này sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với một thị trường rộng lớn, mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân và doanh nghiệp.

Phải vượt qua nhiều khâu kiểm tra kỹ lưỡng

Để được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phải trải qua rất nhiều khâu kiểm tra của cơ quan chuyên môn hai nước, đáp ứng yêu cầu về kiểm soát sinh vật gây hại, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, còn phải đóng gói hợp quy cách, đảm bảo truy xuất nguồn gốc chính xác.
"Chúng tôi đã mất 3 năm để chuẩn bị cho đợt xuất hàng lần này. Đầu tiên là vùng nguyên liệu, rồi vùng nguyên liệu này phải được cấp mã số vùng trồng theo quy định. Bên cạnh đó chúng tôi phải chuẩn bị mã số xưởng, nhà máy đóng gói theo những quy định nghiêm ngặt từ phía đối tác”, - ông Nguyễn Vũ Thắng, Giám đốc vận hành công ty TNHH xuất nhập khẩu Vạn Xuân Phát, một trong năm doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng trong đợt này, chia sẻ tại sự kiện.
Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn “nắm dao đằng chuôi”
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, không riêng gì trái sầu riêng, bất kỳ một loại nông sản nào muốn đi xa, tạo thị trường bền vững, thì mọi cá nhân trong chuỗi giá trị nông sản phải cùng nhau hợp tác để đi lên.
Nông dân, doanh nghiệp, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp chặt chẽ để giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư để xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam trở nên nổi bật trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, phải có ý thức xây dựng và giữ gìn hình ảnh nền nông nghiệp Việt Nam minh bạch, trách nhiệm đối với người tiêu dùng.

Trao chứng thư kiểm dịch thực vật

Diện tích trồng sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk hiện đạt trên 15.000 ha. Đây là tỉnh có diện tích sầu riêng lớn thứ 2 Việt Nam, chỉ sau tỉnh Tiền Giang. Năm 2022, sản lượng thu hoạch ước đạt 170.000 tấn, dự kiến đạt trên 300.000 tấn năm 2025.
Đắk Lắk đã được Tổng cục Hải Quan Trung Quốc phê duyệt 4 mã cơ sở đóng gói sầu riêng và 23 mã số vùng trồng (chiếm 45% mã số vùng trồng cả nước được phê duyệt), với diện tích 1.500 ha (chiếm 18,3% diện tích sầu riêng cho thu hoạch của tỉnh).
Đắk Lắk xuất khẩu chính ngạch chuyến hàng sầu riêng đầu tiên sang Trung Quốc
Tổng cục Hải quan Việt Nam ghi nhận, trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sầu riêng đạt 84,38 triệu USD, tăng 90,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 2,86 triệu USD, tăng 123%.
Số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, sản lượng sầu riêng cả nước năm 2021 ước đạt 642.600 tấn, tăng 15% so với năm 2020. Sầu riêng chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng múi đã tách vỏ và cấp đông.
Dù đã chính thức được thông quan chính ngạch, việc này có thể bị đình chỉ bất cứ lúc nào nếu các doanh nghiệp Việt Nam không tuân thủ những yêu cầu quy định của thị trường nhập khẩu.
Tại buổi lễ hôm 17/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã trao chứng thư kiểm dịch thực vật cho 5 doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng chính ngạch.
Thảo luận