Các cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào LB Nga sẽ diễn ra từ ngày 23 đến ngày 27 tháng 9 tại CHND Donetsk (DNR) và CHND Lugansk (LNR), cũng như ở các khu vực Kherson và Zaporozhye hiện do Nga kiểm soát.
Ngày 21 tháng 2, Nga đã công nhận DNR và LNR là các quốc gia độc lập. Vào ngày 24 tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina để đáp lại thỉnh cầu giúp đỡ từ hai nước Cộng hòa tự tuyên bố độc lập mà cư dân chủ yếu là người nói tiếng Nga đang phải đối phó với những cuộc tấn công tàn bạo từ phía Kiev. Chế độ dân tộc chủ nghĩa lên nắm quyền nhờ kết quả từ cuộc đảo chính do phương Tây hậu thuẫn vào năm 2014 đã làm hàng nghìn dân thường bị giết hại trong 8 năm, còn mọi nỗ lực nhằm giải quyết xung đột bằng con đường hoà bình như Nga đề xuất đều bị giới chức Ukraina phá hoại.
Trong quá trình chiến dịch đặc biệt, đã giải phóng được những khu vực quan trọng của DNR và toàn bộ lãnh thổ của LNR. Quân đội Nga cũng giành quyền kiểm soát vùng Kherson và phần Priazovsky thuộc vùng Zaporozhye, chính quyền mới được thành lập ở cả hai vùng. Từ đó trở đi, các kênh truyền hình và đài phát thanh của Nga đã bắt đầu phát sóng ở các địa phương này, và liên hệ thương mại-vận tải với Crưm đã được khôi phục.
Ngày 20 tháng 9, DNR và LNR thông báo kế hoạch đồng thời tiến hành trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga, đáp ứng đề nghị từ các Hội đồng Công dân. Các khu vực Zaporozhye và Kherson do Nga kiểm soát cũng công bố kế hoạch tổ chức cuộc trưng cầu dân ý tương tự, với hy vọng rằng sáng kiến này sẽ dẫn đến củng cố hợp nhất lãnh thổ khu vực, mở ra «những cơ hội mới để trở lại đời sống hòa bình trọn vẹn».
Dưới đây là cái nhìn chi tiết về những khu vực đang phân định tương lai của họ.
Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DNR)
CHND Donetsk nằm ở phía nam vùng đồng bằng Đông Âu. Về phía nam là Biển Azov, giáp giới với Ukraina (các vùng Dnepropetrovsk, Zaporozhye và Kharkov), Nga và CHND Lugansk.
Diện tích lãnh thổ (trong địa giới vùng Donetsk) là 26.500 km vuông. Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê DNR, tính đến ngày 1 tháng 3 năm 2022, dân số của nước Cộng hoà này gồm khoảng 2,198 triệu người.
Thành phố Donetsk phát triển từ một làng quê khai thác mỏ vào đầu những năm 1860. Donetsk nhận được quy chế đô thị vào tháng 5 năm 1917, và đến cuối năm đó, trong tiến trình cách mạng, chính quyền Xô-viết được thành lập ở thành phố.
Từ tháng 1/tháng 2 đến tháng 3 năm 1918, Donetsk thuộc thành phần Cộng hòa Xô viết Donetsk-Krivorozhky của CHXHCN Xô-viết Nga (RSFSR). Tại Đại hội Xô viết toàn Ukraina lần II vào ngày 17-19 tháng 3 năm 1918, Donetsk nhập vào thành phần của Cộng hoà Xô-viết Ukraina. Cho đến cuối năm 1918, thành phố vẫn thuộc quyền Hetman Pavlo Skoropadsky của Nhà nước Ukraina. Vào tháng 12 năm 1919, trong cuộc tấn công của Hồng quân ở Donetsk, chính quyền Xô-viết đã được khôi phục.
Từ cuối thế kỷ 19, trong khu vực bắt đầu cuộc phát triển bùng nổ về công nghiệp, mọc lên các cơ sở luyện kim và chế tạo máy, đường sắt và hầm mỏ được xây dựng.
Trong thời kỳ Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, ngày 20 tháng 10 năm 1941 Donetsk bị quân Đức chiếm đóng. Có ước tính là 92.000 người đã bỏ mạng trong ba trại tập trung do bọn phát-xít Đức lập ra trong thành phố và vùng ngoại vi. Ngày 8 tháng 9 năm 1943, Donetsk được quân đội Liên Xô giải phóng trong chiến dịch tấn công Donbass. Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, lãnh thổ của CHND Donetsk hiện nay trở thành một phần của Ukraina.
Tuy nhiên, vào năm 2014, những cuộc biểu tình của quần chúng bắt đầu bùng lên ở khu vực đông-nam, cư dân ngày càng bất mãn vì ban lãnh đạo mới của Ukraina sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ trong cuộc đảo chính do Washington và Brussels dàn dựng, dẫn đến khủng hoảng Ukraina và châm ngòi cho cuộc nội chiến ở Donbass.
Ngày 13 tháng 4 năm 2014, quyền Tổng thống Ukraina là Aleksandr Turchynov tuyên bố mở "chiến dịch chống khủng bố quy mô lớn», huy động quân đội chống lại cư dân các khu vực đông-nam chủ yếu là người nói tiếng Nga.
Ngày 11 tháng 5 năm 2014, trong bối cảnh lo ngại rằng các chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc sẽ trấn áp quyền tự do sử dụng tiếng Nga, ở vùng Donetsk đã diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự chủ. Ngày 12 tháng 5, trên cơ sở tuyên ngôn về chủ quyền ngày 7 tháng 4, CHND Donetsk tuyên bố độc lập. Cùng với Nga còn có CHND Lugansk, Cộng hòa Abkhazia, Cộng hòa Nam Ossetia, Bắc Triều Tiên và Syria đã công nhận nền độc lập của CHND Donetsk.
Từ ngày 24 tháng 2 năm 2022, phần lớn địa bàn DNR trong ranh giới hành chính của nó, gồm cả thành phố cảng cỡ lớn Mariupol, đã được giải phóng khỏi các lực lượng của chế độ Kiev.
Năm 2020, cơ sở của nền kinh tế DNR là ngành luyện kim (36%) và công nghiệp điện (27%). Ngành công nghiệp thực phẩm chiếm 12%, khai thác tài nguyên chiếm 9%.
Cộng hòa nhân dân Lugansk (LNR)
CHND Lugansk trải ra ở phía nam đồng bằng Đông Âu, giáp với Ukraina (vùng Kharkov), Nga và CHND Donetsk. Diện tích lãnh thổ là 26.700 km vuông. Dân số của LNR (tính đến ngày 1 tháng 5 năm 2022, theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê Nhà nước LNR) gồm khoảng 1,39 triệu người.
Thành phố Lugansk ra đời vào năm 1795-1796 như một làng dân thuộc Xưởng đồ sắt Lugansk theo sắc chỉ của Nữ hoàng Ekaterina II.
Ngày 8 tháng 11 năm 1917, chính quyền Xô-viết được xây dựng tại Lugansk. Trong thời kỳ Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại ngày 17 tháng 7 năm 1942 Lugansk bị quân Đức chiếm đóng. Được giải thoát khỏi ách phát-xít vào ngày 14 tháng 2 năm 1943. Sau khi Liên Xô tan rã, lãnh thổ của CHND Lugansk hiện tại nằm trong thành phần Ukraina.
Năm 2014, hành động của ban lãnh đạo mới của Ukraina đã gây bất bình trong cư dân khu vực Luhansk tương tự như ở khu vực Donetsk, và những cuộc biểu tình nổ ra ở vùng đông-nam của đất nước. Ngày 11 tháng 5 năm 2014, cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết được tổ chức ở vùng Lugansk, và nền độc lập được tuyên bố vào ngày 12 tháng 5 năm 2014. Nhờ kết quả chiến dịch đặc biệt của Nga từ sau ngày 24 tháng 2, toàn bộ lãnh thổ trong ranh giới hành chính của nước Cộng hòa đã được giải phóng.
Năm 2021, 73% xuất khẩu của LNR là các sản phẩm luyện kim, trong đó Krasnodonugol, Rovenkiantrarsite và Nhà máy luyện kim Alchevsk là doanh nghiệp hàng đầu.
Vùng Kherson
Vùng Kherson nằm trong vùng thảo nguyên, có ranh giới địa lý ở phía bắc với khu vực Dnepropetrovsk của Ukraina, phía nam là bán đảo Crưm, khu vực Zaporozhye ở phía đông và khu vực Nikolaev của Ukraina ở phía tây.
Tổng diện tích là 28.500 km vuông. Kherson, Nova Kakhovka, Kakhovka là một trong những thành phố lớn nhất của khu vực.
Nữ hoàng Ekaterina II quyết định lập ra thành phố Kherson vào ngày 29 tháng 6 năm 1778 trên địa điểm pháo đài do quân Nga xây dựng trong cuộc chiến Nga-Thổ (1735-1739). Năm 1785-1794, tại Kherson bố trí Cơ quan quản lý Hạm đội Biển Đen (năm 1794 chuyển đến Nikolaev cùng với việc đóng tàu chiến).
Chính quyền Xô-viết được thành lập vào cuối tháng 1 năm 1918. Trong những năm Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, Kherson bị quân Đức chiếm đóng vào ngày 19 tháng 9 năm 1941, rồi được quân đội Liên Xô giải phóng vào ngày 13 tháng 3 năm 1944.
Trong thời kỳ trước cách mạng, địa bàn này là khu vực nông nghiệp điển hình, hoạt động công nghiệp chủ yếu là chế biến nguyên liệu nông nghiệp, đóng tàu cỡ nhỏ và chế tạo nông cụ. Trong những năm CNXH, vùng Kherson biến thành một khu vực công-nông nghiệp với các ngành kỹ thuật, lọc dầu, công nghiệp nhẹ và chế biến thực phẩm rất phát triển. Địa phương này được đảm bảo cung cấp điện từ nhà máy thủy điện Kakhovskaya và nhà máy nhiệt điện Kherson.
Nhờ thành quả chiến dịch đặc biệt do Nga tiến hành ở Ukraina, các quân nhân Nga đã giành quyền kiểm soát vùng Kherson.
Vùng Zaporozhye
Vùng Zaporozhye giáp giới với các vùng Kherson, Dnepropetrovsk và Donetsk, chiếm diện tích 27.200 km vuông. Phía nam là Biển Azov, đường bờ biển có ranh giới khu vực vượt quá 300 km. Các thành phố lớn của vùng này là Zaporozhye, Melitopol, Berdyansk, Tokmak, Energodar.
Sau công trình những năm 1927-1932 xây dựng Nhà máy Thủy điện Dnepr, cơ sở thủy điện lớn nhất trên sông Dnepr, Zaporozhye đã trở thành một trong những trung tâm luyện kim màu và năng lượng lớn nhất ở Liên Xô.
Khởi đầu Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, các doanh nghiệp của thành phố chuyển hướng sang sản xuất quân sự. Những năm 1941-1943 thành phố bị quân đội Đức chiếm đóng, hơn 44.000 cư dân thiệt mạng, toàn bộ các công trình công nghiệp đều bị phá hủy. Thành phố được quân đội Liên Xô giải phóng khỏi ách phát-xít Đức vào năm 1943. Kể từ năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, vùng Zaporozhye nằm trong thành phần Ukraina.
Vùng Zaporozhye là một trong những nơi sản xuất sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm lớn nhất. Không dưới 12% lúa mì và 16% lúa mạch của Ukraina được trồng cấy ở khu vực này, nơi rất giàu đất đen phì nhiêu chứa tỷ lệ mùn cao.
Trong khu vực phát triển các ngành luyện kim đen và luyện kim màu, chế tạo máy, năng lượng, hóa chất và hóa dầu, thực phẩm và công nghiệp nhẹ, nông sản và chế biến dược phẩm. Tại đây có hơn 160 doanh nghiệp công nghiệp lớn đang hoạt động, bao gồm cả Liên hiệp luyện kim «Zaporizhstal». Khu vực này cũng đảm trách sản xuất khoảng 25% điện năng của Ukraina.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye toạ lạ cở thành phố Energodar. Cơ sở này được kiến thiết vào những năm 1980. Kể từ thời điểm đưa tổ máy điện thứ sáu vào vận hành năm 1996, nhà máy điện hạt nhân này đã trở thành cơ sở điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu và lớn thứ ba trên thế giới.
Nhà máy điện hạt nhân đã bị quân đội Kiev bắn phá liên tục trong gần hai tháng, bất chấp lời kêu gọi của Matxcơva về việc ngăn chặn thảm họa hạt nhân. Lực lượng của Kiev pháo kích chủ thể này, cố dàn dựng vụ cuộc khiêu khích và đổ lỗi cho quân Nga.
Trong báo cáo gần đây về tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye, cơ quan IAEA đã kêu gọi chấm dứt những cuộc pháo kích vào địa bàn này trong bối cảnh quốc tế lo ngại về khả năng xảy ra tai nạn hạt nhân khủng khiếp.
Nhờ chiến quả từ quá trình chiến dịch quân sự ở Ukraina do Matxcơva phát động ngày 24 tháng 2, nhà máy điện hạt nhân và khu vực xung quanh nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Nga. Quân đội Nga cũng tuyên bố kiểm soát phần Azov của khu vực Zaporozhye, chiếm hơn 70% lãnh thổ của vùng này.