Các kỹ thuật tiêu chuẩn để phục hồi chức năng hậu COVID-19 có thể không phù hợp với tất cả bệnh nhân, các chuyên gia của Đại học Y khoa quốc gia T (TyumSMU) lưu ý. Thực tiễn cho thấy rằng, mỗi bệnh nhân là một trường hợp duy nhất, vì thế phải có cách tiếp cận riêng. Chính bởi vậy cần phải cải tiến các phương pháp phục hồi chức năng hậu COVID-19.
Theo kết quả của các nghiên cứu nhiều giai đoạn, các nhà khoa học TyumSMU xác định rằng, một trong những di chứng hậu COVID phổ biến nhất và không thể phát hiện được là sự thay đổi cơ chế điều hòa thần kinh của các mạch máu, gây ra nguy cơ phá vỡ các phản ứng thích ứng chung của cơ thể.
Di chứng trên hệ thống tim mạch
Các chuyên gia của đại học TyumSMU gọi những thay đổi như vậy là "dấu vết" trên hệ thống mạch máu. Các nhà khoa học chắc chắn rằng, cần phải tìm kiếm những cách tiếp cận sâu hơn để phục hồi sức khỏe sau khi nhận được thông tin về các quá trình trong hệ thống mạch máu của bệnh nhân.
“Chúng tôi đã tiến hành các nghiên cứu liên quan đến nhiều nhóm bệnh nhân ở những độ tuổi khác nhau đã khỏi COVID-19. Hóa ra là 30% sinh viên sau một đợt bệnh nhẹ đã bị rối loạn chức năng vi mạch. Và ở những người từ 60 tuổi trở lên, những biến chứng này được ghi nhận trong 60% trường hợp. Nguy cơ chính của những di chứng như vậy là sự thay đổi của các phản ứng trong cơ thể đối với hoạt động thể chất và sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ. Tức là, nếu một người với di chứng này bắt đầu tích cực tham gia các hoạt động thể thao ngay sau khi hồi phục, anh ta có nguy cơ cao mắc bệnh huyết khối với tất cả các hậu quả của nó, và có nguy cơ tử vong", - Giáo sư Elena Turovinina, trưởng khoa phòng chống bệnh và phục hồi chức năng của TyumSMU giải thích.
Giáo sư Elena Turovinina thu hút sự chú ý đến thực tế rằng, phản ứng của hệ thống mạch máu đối với tác động bên ngoài có thể biến dạng do một số loại phục hồi chức năng, đặc biệt là liệu pháp balne trị liệu và vật lý trị liệu. Đó là lý do tại sao cần phải lựa chọn các phương pháp tập vật lý trị liệu để bệnh nhân không cần tiếp xúc với nhiệt hoặc chỉ với một loại nhất định của nó. Giáo sư Turovinina nhấn mạnh rằng, các bệnh mà bệnh nhân đã mắc trước đây cũng ảnh hưởng đến đặc điểm của các di chứng hậu COVID.
Để xác định "dấu vết", các nhà khoa học nghiên cứu vi tuần hoàn máu và các chỉ số về stress oxy hóa trong mạch máu, những dữ liệu này cho thấy các đặc điểm về tác động kéo dài của coronavirus lên cơ thể.
"Trong quá trình chẩn đoán, chúng tôi sử dụng thiết bị laser nội mạch không xâm lấn để ghi lại tín hiệu từ các tế bào hồng cầu đang di chuyển, điều đó giúp chúng tôi đánh giá lưu lượng máu ở một số vùng nhất định trên da. Ngoài ra, chúng tôi sử dụng các bước sóng khác nhau, nhờ đó thiết bị laser đặt các nguyên tử ở trạng thái kích thích, làm nổi bật các dấu ấn sinh học nhất định trong các vi mạch trên lớp da. Trước đây, thiết bị này chỉ được sử dụng trên trạm vũ trụ ISS để theo dõi sức khỏe của các phi hành gia. Đây là lần đầu tiên thiết bị này được sử dụng trong thực tiễn y khoa để giải quyết một nhiệm vụ cụ thể", - bác sĩ Turovinina nói thêm.
Theo nhà khoa học, thiết bị chẩn đoán này không đủ nhỏ gọn và không đủ chức năng, vì thế nó không thể được sử dụng thường xuyên trong các phòng khám. Do đó, các nhà nghiên cứu của TyumSMU có kế hoạch phát triển một phiên bản di động của thiết bị với tất cả các chức năng cần thiết để chẩn đoán các di chứng hậu COVID. Các chuyên gia của trường đại học đang phát triển các phức hợp điều trị để đưa ra khuyến nghị cá nhân sau khi chẩn đoán vi tuần hoàn trong mạch.
Giáo sư Turovinina nói thêm rằng, những người đã khỏi bệnh Covid nhẹ vẫn có thể gặp hàng loạt triệu chứng và di chứng hậu COVID-19. Đồng thời, việc điều trị bệnh hoặc di chứng hậu COVID bằng các phương pháp dân gian có thể dẫn đến tình trạng bệnh xấu đi không thể hồi phục. Cách hiệu quả nhất để duy trì sức khỏe của bạn trong thời kỳ coronavirus là đến gặp bác sĩ kịp thời, và sau khi hồi phục, hãy chú ý đến sức khỏe của bạn và chú ý đến những khám phá mới nhất về căn bệnh này.