Việt Nam ghi danh trên bản đồ công nghệ chip thế giới

HÀ NỘI (Sputnik) – Lực lượng làm công nghệ thông tin của Việt Nam lúc này đang ở mức tương đương nhiều quốc gia phát triển, dần khẳng định chủ quyền công nghệ “Make in Vietnam”. Chip vi mạch đầu tiên do kỹ sư Việt thiết kế đã có khách hàng tại nước ngoài. Sự thật, Việt Nam đã có tên ở trên bản đồ số thế giới.
Sputnik

Giấc mơ thương mại hóa linh kiện bán dẫn bởi trí tuệ Việt đã thành hiện thực

Thế giới đang khủng hoảng chip bán dẫn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh. Trong khi Mỹ coi việc sản xuất chip là an ninh quốc gia, thì Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc hay bất cứ quốc gia nào cũng đều muốn tham gia, đặt chân vào chuỗi sản xuất chip toàn cầu.
Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Điều này càng cấp thiết hơn trong cuộc đua chuyển đổi số. Nếu như trước đây, Việt Nam đã từng có nhà máy bán dẫn vào năm 1979 gắn liền với nhà máy Z181, một đơn vị cung ứng nhiều thiết bị bán dẫn cho thị trường Đông Âu. Nay, việc thành lập FPT Semiconductor - Công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch (thuộc FPT Software - công ty thành viên Tập đoàn FPT) càng minh chứng rõ hơn cho tham vọng của Việt Nam trong cuộc đua chip bán dẫn toàn cầu.
Đáng chú ý, mới đây FPT Semiconductor (thuộc Tập đoàn FPT, Việt Nam) đã chính thức ghi danh trên bản đồ công nghệ chip thế giới bằng việc chính thức cho ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) trong lĩnh vực y tế với tiêu chí “chip Make in Vietnam, Made by FPT”.
Có thể nói, việc ra mắt chip vi mạch đầu tiên có ý nghĩa đột phá trong bước tiến mới trên hành trình khẳng định trí tuệ Việt, cũng như đóng góp không nhỏ vào chương trình “Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam” do Bộ Thông tin Truyền thông phát động.
“Chúng tôi tự hào là tổ chức đầu tiên vừa thiết kế toàn diện chip vừa thương mại hoá chúng. Toàn bộ đội ngũ thiết kế, sáng tạo dòng chip này đều là kỹ sư người Việt Nam”, ông Nguyễn Vinh Quang - Giám đốc điều hành FPT Semiconductor bày tỏ niềm tự hào khi chia sẻ với Sputnik.
Nhìn từ góc độ ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, đây sẽ là tín hiệu mừng cho những thành công ban đầu.

Chiến lược đưa Việt Nam trở thành quốc gia “có nền công nghiệp bán dẫn”

Những năm gần đây, ngành công nghiệp điện tử, vi mạch nước ta phát triển mạnh, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Việt Nam hiện đứng thứ 9 trên thế giới ở lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, điện thoại và linh kiện điện tử có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 39,6 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo đến năm 2024, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD.
Việt Nam có đủ năng lực sản xuất chip và chất bán dẫn?
Được biết, dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) trong lĩnh vực y tế do đội ngũ kỹ sư người Việt thiết kế và đặt cấu trúc ở Việt Nam. Sau đó, được chuyển tới nhà máy đặt tại Hàn Quốc để sản xuất và đóng gói.
Trước câu hỏi của phóng viên Sputnik về việc có bao nhiêu phần trăm thị phần công nghệ Mỹ trong chip vi mạch này, Giám đốc điều hành FPT Semiconductor cho hay, tạm thời chưa công bố thông tin trong thời điểm này.
Được biết, dự kiến trong 2 năm tới, FPT sẽ cung ứng 25 triệu chip ra thị trường toàn cầu. Tiếp theo dòng chip IoT Y tế, FPT sẽ tung thêm 7 dòng chip trong các lĩnh vực khác trong năm 2023.
“Theo các dự báo và đánh giá của các tổ chức lớn như Gatner thì tiềm năng của sản phẩm chip bán dẫn tới hơn 600 tỷ USD, chắc chắn khả năng xuất khẩu của nó hấp dẫn hơn bao giờ hết. Chúng tôi đã và đang thương mại hoá chip bán dẫn của chúng tôi ở nhiều quốc gia như Úc, Trung Quốc... tương lai gần là Nhật, Đài Loan. Nhưng thị trường trong nước cũng là nơi chúng tôi muốn đem tâm huyết của mình để phục vụ cho nhiều doanh nghiệp Việt”, ông Nguyễn Vinh Quang nói thêm với Sputnik.
Như vậy, trước mắt FPT tập trung thương mại chip tại thị trường nước ngoài, sau đó mới đến thị trường Việt Nam. Bởi vậy, những nhà sản xuất, kinh doanh chip trên thế giới ghi nhận FPT là nhà sản xuất chip là điều quan trọng. Và thực tế, thế giới đã công nhận khi FPT Semiconductor đã có khách hàng tại nước ngoài.
Còn nhớ tháng 10/2019, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel cho biết, đơn vị này đang hợp tác với nhiều đối tác của Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ về chipset và phần cứng, phần mềm cho 5G.
Lịch sử Việt Nam chưa bao giờ làm được con chip từ đầu đến cuối. Khi nói đến việc Việt Nam sẽ sản xuất chipset thì nhiều người không tin. Nhưng chỉ sau 3 năm, Viettel đã làm được chip. Còn với FPT, Tập đoàn này đã đưa ra chiến lược sản xuất chip với thời gian 10 năm và đang đi từng bước khá thận trọng. Có lẽ, thời gian sẽ là câu trả lời cho những ai chưa thực sự tin tưởng vào chủ quyền công nghệ “Make in Vietnam”.
Việt Nam rộng đường chinh phục ngành sản xuất chip bán dẫn
Có thể thấy, để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có "nền công nghiệp bán dẫn” vẫn còn nhiều chông gai. Song, với những gì Việt Nam đã và đang làm, chắc chắn giấc mơ “con đường bán dẫn Việt Nam” sẽ trở thành hiện thực.
Và nếu Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất chip lớn trong khu vực, thì các ngành công nghiệp khác sẽ có nguồn chip sản xuất nội địa, qua đó giúp giảm chi phí logistics, và còn là cơ hội để Việt Nam tự phát triển các công nghệ tiên tiến, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển.
Thảo luận