Việt Nam có đủ năng lực sản xuất chip và chất bán dẫn?

© Sputnik / Alexey Kudenko / Chuyển đến kho ảnh Chip Micron
 Chip Micron - Sputnik Việt Nam, 1920, 06.09.2022
Đăng ký
Thời gian qua, nhiều ông lớn nước ngoài từ Intel, Samsung, đến Synopsys đã có động thái mở rộng đầu tư nghiên cứu và sản xuất chip cũng như chất bán dẫn tại Việt Nam.
Thực tế, đây là một tin vui đối với lĩnh vực sản xuất công nghệ cao tại Việt Nam, đòi hỏi nhà nước và các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt để tiến lên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tin vui dồn dập với Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất chip

Vừa qua, như Sputnik đã thông tin, tờ Nikkei Asia có bài viết cho biết, gã khổng lồ thiết kế sản xuất chip Synopsys (Mỹ) dự định đào tạo kỹ sư điện tại Việt Nam, cũng như hỗ trợ Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) thành lập trung tâm thiết kế chip thông qua chương trình tài trợ phần mềm.
Synopsys nằm trong số ít những công ty Mỹ thống trị thị trường tự động hóa thiết kế điện tử (EDA), hoặc phần mềm thiết kế chip. Công ty có 2 văn phòng tại TP.HCM và hai tại Đà Nẵng với hơn 400 nhân viên. Synopsys dự kiến sẽ tuyển dụng thêm khoảng 300 - 400 người nữa.
Động thái mới nhất của Synopsys là một tin vui với Việt Nam. Trước đó, Apple và Panasonic cũng đang mở rộng quy mô tại Việt Nam, tuy nhiên, tăng trưởng trong ngành công nghiệp chip vẫn tương đối chậm. Điều này chỉ bắt đầu cải thiện vào 2 năm trước, khi Intel và Samsung bắt đầu thu hồi vốn đầu tư.
Ông Robert Li, Phó chủ tịch phụ trách bán hàng cho Synopsys tại Đài Loan và Nam Á, cho biết qua mối quan hệ đối tác với các công ty nước ngoài, Việt Nam có thể thiết kế các vi mạch tích hợp (IC), ví dụ như IC cho tủ lạnh, máy điều hòa không khí, để từ đó nâng cao chuỗi giá trị của toàn ngành.
khoa học  - Sputnik Việt Nam, 1920, 28.08.2022
Gã khổng lồ chip Mỹ Synopsys quay sang Việt Nam vì thất vọng với Trung Quốc
Trước đó, đầu tháng 8, tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Roh Tae-moon, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Samsung Việt Nam đạt 34,3 tỷ USD, tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm 2021. Trong năm 2022, Samsung kỳ vọng đưa kim ngạch xuất khẩu đạt 69 tỷ USD, đầu tư thêm 3,3 tỷ USD và tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Đáng chú ý, Samsung cũng đang chuẩn bị sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà từ tháng 7/2023 tại nhà máy Samsung Electro-Mechanics tại Thái Nguyên.
Samsung cũng sẽ khánh thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội vào cuối năm 2022, đầu năm 2023. Trung tâm này không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả khu vực Đông Nam Á. Hiện tiến trình đã hoàn thành khoảng 85%.
Trước Samsung, Việt Nam có Công ty Intel Products Vietnam (IPV) là nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất trong mạng lưới của Tập đoàn Intel. Thời gian qua, IPV hoạt động ổn định, có nhiều đóng góp sáng tạo giúp hãng bù đắp thiếu hụt về chất bán dẫn. Việc Intel và Samsung (hiện là 2 trong 3 nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới) đầu tư sản xuất các thiết bị, linh kiện bán dẫn tại Việt Nam có thể xem là bước tiến chưa từng trong lĩnh vực FDI công nghệ cao.
Hồi đầu năm 2022, Công ty Amkor Technology (Hàn Quốc) đã ký thỏa thuận phát triển dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại khu công nghiệp Yên Phong 2C (Bắc Ninh), với tổng vốn đầu tư đến năm 2035 là 1,6 tỷ USD.
Amkor là công ty chuyên sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn, cung cấp cho các đối tác chiến lược như Qualcomm, Samsung, NVIDIA, Foxconn, Broadcom, LG, SK Hynix. Đến cuối năm 2023, dự án sẽ đưa vào vận hành.
Một trường hợp khác có thể kể đến là Công ty thiết kế Renesas Việt Nam thuộc Tập đoàn Renesas Electronics (Nhật Bản). Doanh nghiệp này đã có mặt từ nhiều năm qua, chuyên thiết kế, nghiên cứu và phát triển LSI chip và phần mềm nhúng cho điện thoại di động, xe hơi, máy chụp ảnh,…

Việt Nam cần lưu ý gì?

Đánh giá về xu hướng này, ông Đỗ Khoa Tân, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, cho rằng việc các tập đoàn sản xuất chip, bán dẫn vào Việt Nam là điểm sáng cho ngành công nghệ cao.
Theo chuyên gia phân tích trên báo Thanh Niên, mọi thiết bị điện tử đều cần có linh kiện bán dẫn, đặc biệt là những sản phẩm gia dụng. Nhu cầu về chip hiện tăng cao. Ví dụ, một chiếc xe hơi điện sẽ hầu như chỉ dùng chip để điều khiển. Đại dịch Covid-19 đã làm nguồn cung chip bị đứt gãy, đặc biệt là sản phẩm sử dụng cho xe hơi. Điều này khiến nhiều quốc gia bắt đầu đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội - Sputnik Việt Nam, 1920, 16.08.2022
Viettel muốn sản xuất chip và nâng tầm công nghiệp quốc phòng Việt Nam
Dù thị trường rất rộng, phần lớn chuỗi cung ứng vẫn tập trung vào 3 nhà sản xuất chính là TSMC (Đài Loan), Samsung và Intel. Mỗi tập đoàn trong 3 ông lớn trên có một thế mạnh chuyên môn riêng về chip cho máy tính, chip nhớ hay chip cho thiết bị di động… Lấy ví dụ, tại Việt Nam, khi triển khai làm căn cước công dân điện tử cần con chip để ghi nhớ tất cả thông tin của người dân. Đây là loại chip đơn giản nhất, nhưng hiện Việt Nam vẫn chưa thể sản xuất được vì giá thành đắt đỏ nhưng số lượng lại không lớn.
“Để làm được chip, cần phải nắm giữ được công nghệ, đầu tư rất lớn và cuối cùng là trình độ lao động”, chuyên gia lưu ý.
Theo ông Tân, Việt Nam đã mở các trung tâm vi mạch, có khoa đào tạo vi mạch ở trường đại học nhưng cũng chỉ mới dừng lại ở lĩnh vực thiết kế. Trong khi đó, việc đầu tư lớn để sản xuất hàng loạt là rất khó.
“Việt Nam cần nhanh chân thu hút các tập đoàn mở rộng đầu tư trong ngành công nghệ cao này”, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam nói.
Muốn vậy thì phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, nếu chỉ đào tạo độc lập sinh viên ra trường cũng sẽ không thể tìm việc làm vì các nhà máy sản xuất không nhiều. Các trường đại học, trung tâm đào tạo cần phải liên kết chặt chẽ với các tập đoàn để đào tạo theo đơn đặt hàng với nội dung phù hợp mục tiêu, dự án của doanh nghiệp.
Nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch của Việt Nam hiện đã được đánh giá cao. Tuy vậy, vẫn là chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của nhiều tập đoàn khi họ mở rộng sản xuất ở Việt Nam.

Không thiếu người giỏi

Trong khi đó, theo GS.TS. Đặng Lương Mô, nhà khoa học về vi mạch tại Nhật, nguồn nhân lực thiết kế, làm được chip tại Việt Nam đã khá đông, hoạt động rất mạnh, khoảng 40 - 50 doanh nghiệp, với hàng ngàn kỹ sư giỏi. Tuy nhiên, quan trọng nhất đối với ngành này là chế tạo, cần có nguồn vốn đầu tư rất lớn từ hàng tỉ đến hàng chục tỉ USD.
Theo GS. Mô, đã có nhiều người Việt, nhiều công ty Việt được đào tạo và có chuyên môn cao trong thiết kế vi mạch. Họ đã và đang thiết kế vi mạch cho những công ty điện tử lớn tại Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Thụy Điển,… Tuy nhiên, để xây dựng một nền công nghiệp chip bài bản, cần phải có nhà máy đầu tư và thị trường.
“Ngành công nghiệp chế tạo chip của ta chậm so với các nước do thiếu nhà đầu tư còn thị trường nội địa không thiếu. Hiện dân số của ta đông… Việt Nam lại đang đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng thành phố văn minh… việc đầu tư không lo thiếu thị trường”, GS.TS. Đặng Lương Mô nhấn mạnh.
Ông Mô bày tỏ, bàn câu chuyện làm chíp “made in Vietnam” lúc này có thể chậm, nhưng nếu bỏ qua thì sẽ để chậm mất mấy nhịp khi tham gia vào cuộc cách mạng số 4.0”.
“Giấc mơ làm được con chíp bán ra thế giới có thể được hình thành từ thời ông Trần Đại Nghĩa nghiên cứu những năm 1975, nhưng chúng ta không làm được vì không có điều kiện. Nay việc Samsung nói sẽ làm chíp bán dẫn tại Việt Nam là quá tốt, đó là cơ hội của Việt Nam”, GS.Mô nói.

“Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực”

Đối với việc Việt Nam tham gia sản xuất chip, chất bán dẫn, nhiều chuyên gia cũng tỏ ra lạc quan về khả năng làm chủ công nghệ và phát triển lĩnh vực quan trọng này của quốc gia Đông Nam Á.
Đặc biệt, mới đây, Viettel còn đề xuất với Thủ tướng Phạm Minh Chính cho phép giữ đầu tàu trong việc nghiên cứu, sản xuất chip để phục vụ đắc lực, hiệu quả cho quá trình chuyển đổi số của đất nước. Thủ tướng cũng đề nghị tập đoàn này giữ vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi số; làm trung gian thanh toán chuyển mạch, bù trừ điện tử.Nếu Viettel thành công, sẽ có thêm một trang sử mới cho Việt Nam.
Lắp ráp chip. - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.08.2022
Việt Nam cần làm gì để tận dụng cơ hội trong cuộc đua chip toàn cầu?
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Công nghệ và Vi mạch TP.HCM chia sẻ quan điểm trên báo Pháp luật TP.HCM cho hay, Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực để thiết kế chip, điều còn thiếu hiện nay là xây dựng nhà máy sản xuất chip. Chuyên gia nhấn mạnh, có đủ hai vấn đề này, Việt Nam có thể gia nhập nhóm sản xuất chip trên thế giới.
Chủ tịch Hội Công nghệ và Vi mạch TP.HCM dẫn chứng nhóm chuyên gia người Việt Nam làm việc tại các trung tâm nghiên cứu, trường đại học nước ngoài đã nghiên cứu thành công hệ thống chip 2.5D có tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và IoT (Internet vạn vật). Sản phẩm này có nhiều ưu điểm như mức đầu tư thấp, phù hợp và tương hỗ với ngành công nghệ phần mềm đã phát triển tại Việt Nam. Hệ thống chip này đã được ứng dụng thành công trong việc nuôi thủy hải sản tại Nha Trang.
“Tôi tin Viettel đủ năng lực cho điều này nếu nhìn về chặng đường phát triển công nghệ của họ từ trước đến nay”, ông Tuấn tin tưởng.
Chuyên gia lưu ý, cuộc cạnh tranh trên thị trường chip rất khốc liệt. Do đó, Việt Nam cần phải tính toán rất cẩn trọng trong chiến lược chọn loại chip nào để thành công về mặt đầu tư cũng như thương mại hóa. Hiện các hãng công nghệ lớn trên thế giới như Samsung, TMSC đã tiến hành sản xuất chip 5nm và nghiên cứu đến chip 3nm. Tuy nhiên, Việt Nam không thể đi theo con đường này vì đầu tư vào đây đòi hỏi nguồn tiền rất lớn lên đến cả trăm tỷ USD, chưa kể công nghệ sản xuất này Việt Nam khó có thể theo được.
Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cần có chiến lược trung và dài hạn để hướng đến tự chủ công nghệ chip bán dẫn, thu hút một lượng lớn các tập đoàn công nghệ gia tăng đầu tư trực tiếp, thành lập hoặc mở rộng trung tâm nghiên cứu và sản xuất các thiết bị công nghệ ngay tại Việt Nam.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала