Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao chỉ đến khi vụ cháy thảm khốc xảy ra ở karaoke An Phú, nhà chức trách Bình Dương mới phát hiện hàng loạt vi phạm liên quan về phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn.
Khởi tố 2 cựu công an
Ngày 8/10, đại tá Trịnh Ngọc Quyên, giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết đã chỉ đạo cơ quan điều tra củng cố hồ sơ, chứng cứ nhằm làm rõ vụ án liên quan đến vụ cháy cơ sở karaoke An Phú tại phường An Phú, thành phố Thuận An.
"Khi có các thông tin chính thức, Công an tỉnh sẽ công bố trên cổng thông tin của Công an tỉnh với quan điểm là minh bạch, không giấu giếm", - ông Quyên nhấn mạnh.
Công an tỉnh Bình Dương cho biết, sau khi khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy", đến ngày 6/10, cơ quan chức năng đã quyết định điều tra bổ sung về hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Sau khi Công an tỉnh tiến hành kỷ luật, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can đối với hai cựu cán bộ công an thuộc Đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Công an thành phố Thuận An (quản lý địa bàn).
Theo đó, khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra cựu đại úy Nguyễn Văn Võ (37 tuổi, cựu cán bộ, ngụ phường Thuận Giao, thành phố Thuận An). Khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với cựu trung tá Nguyễn Duy Linh (41 tuổi, cựu đội trưởng, ngụ khu dân cư Chánh Nghĩa, thành phố Thủ Dầu Một).
Hai cựu cán bộ nói trên bị điều tra về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Các quyết định và lệnh liên quan đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương phê chuẩn.
Liên quan đến vụ việc trên, cơ quan điều tra đã khởi tố tổng cộng 3 bị can. Trước đó, ông Lê Anh Xuân (42 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM, chủ cơ sở karaoke An Phú) cũng bị khởi tố để điều tra tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”.
Theo Công an tỉnh Bình Dương, cơ sở kinh doanh karaoke An Phú được cấp phép hoạt động từ năm 2016.
Vào khoảng 20h15 ngày 6/9, một vụ cháy đã bùng phát do chập điện tại tầng hai của cơ sở karaoke An Phú (gồm một trệt, hai lầu và sân thượng).
Phải đến tối hôm sau (7/9), tất cả 32 thi thể nạn nhân mới hoàn toàn được đưa ra khỏi hiện trường vụ cháy.
Vì sao sai phạm không bị phát hiện?
Trong vụ việc này, nhiều người đặt câu hỏi, vì sao trước đó, các đơn vị quản lý địa bàn không phát hiện vi phạm liên quan về phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn.
Chỉ đến khi vụ cháy xảy ra với hậu quả quá thảm khốc, khi có chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền, công an đồng loạt kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện (bao gồm karaoke) thì mới phát hiện đến gần một nửa các cơ sở được kiểm tra tại Bình Dương có vi phạm về phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn và các quy định khác.
Theo đó, chỉ trong 2 tuần, từ ngày 9 đến 22/9, Bình Dương đã cho tổng rà soát, kiểm tra 630 cơ sở kinh doanh có điều kiện trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã phát hiện, xử phạt 273 cơ sở. Đặc biệt, có tới 51 cơ sở bị tạm đình chỉ. Tổng số tiền xử phạt trong 2 tuần kiểm tra lên đến hơn 4 tỉ đồng.
Về phần cơ sở karaoke An Phú, cơ sở này đã được kiểm tra và cấp hàng loạt chứng nhận, giấy phép đối với lĩnh vực kinh doanh có điều kiện: giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy do Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh Bình Dương cấp tháng 2/2017, văn bản xác nhận nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy tháng 7/2017.
Từ khi đi vào hoạt động, mỗi năm cơ sở karaoke An Phú đều được Đội Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Công an thành phố Thuận An kiểm tra.
Cho đến khi xảy ra sự cố, đã có tổng cộng 5 lần karaoke An Phú được kiểm tra, trong đó có 4 lần xử phạt với tổng số tiền phạt gần 35 triệu đồng. Đáng chú ý, trong những vi phạm đó không hề có nội dung xử phạt nào liên quan vi phạm phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn.
Các lần kiểm tra, xử phạt chỉ bao gồm các nội dung như hoạt động karaoke quá giờ được phép, không giao kết hợp đồng lao động với nhân viên, không cung cấp biển tên cho người lao động.