Trước đó, Quốc hội nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về nội dung này.
Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và nhân dân theo dõi.
Tại Phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả giám sát. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã 4 lần cho ý kiến đối với báo cáo của các cơ quan về lĩnh vực này. Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp dự buổi làm việc của Đoàn Giám sát với một số bộ, ngành, địa phương.
Một số lĩnh vực trọng tâm của chuyên đề giám sát này là: Hoàn thiện các cơ chế, chính sách; công tác tham mưu ban hành, tổ chức thực hiện các chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hằng năm và 5 năm; quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng vốn nhà nước; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ, tài sản công; sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên viễn thông; công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; thực hiện các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước.
Tới nay, các bộ, ngành, địa phương đã gửi đủ các báo cáo theo yêu cầu của Đoàn giám sát. Quá trình giám sát, các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc tiếp thu và báo cáo bổ sung theo yêu cầu.
Báo cáo giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của đoàn giám sát Quốc hội cho biết, theo số liệu chưa đầy đủ, giai đoạn 2016 - 2021 có 3.085 dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí.
Báo cáo chỉ rõ: năm 2016 là 590 dự án, năm 2017 là 840 dự án, năm 2018 là 422 dự án, năm 2019 là 125 dự án, năm 2020 là 923 dự án, năm 2021 là 185 dự án.
Theo báo cáo, một số dự án đầu tư công có sai phạm, phải xử lý hình sự. Trong số 1.086 trường hợp đã đưa ra xét xử gây thất thoát, lãng phí khoảng 31.795,2 tỉ đồng.
Đoàn giám sát của Quốc hội cũng “điểm danh” nhiều địa phương có số dự án phát hiện thất thoát, lãng phí nhiều, như: Bắc Giang năm 2018 có 196 dự án, năm 2020 có 864 dự án năm 2020; Thanh Hóa năm 2019 có 52 dự án, năm 2020 có 19 dự án, năm 2021 có 90 dự án; Phú Thọ năm 2018 có 111 dự án; Quảng Ngãi năm 2018 có 58 dự án; Lạng Sơn năm 2021 có 48 dự án; Hà Tĩnh năm 2020 có 34 dự án; Sơn La năm 2019 có 33 dự án; Nghệ An năm 2019 có 20 dự án,...
Báo cáo còn chỉ rõ, các bộ, ngành, địa phương cơ bản không báo cáo công trình, dự án đã nghiệm thu nhưng không phát huy hiệu quả đầu tư hoặc không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là danh mục công trình, dự án đã nghiệm thu nhưng không phát huy hiệu quả đầu tư, lãng phí, thất thoát.
"Qua giám sát số liệu báo cáo không đầy đủ đã có chi tiết danh mục hàng nghìn dự án chậm tiến độ, không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, thậm chí bỏ hoang, gây lãng phí nhưng chưa được các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện dự án", báo cáo nêu.
Trong kiến nghị, đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu có liên quan và thực hiện các giải pháp khắc phục đối với 3.085 dự án sử dụng vốn nhà nước trong giai đoạn 2016 - 2021 có thất thoát, lãng phí.
Đoàn giám sát cũng kiến nghị xử lý các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí, trước mắt là 52 dự án, cụm dự án đầu tư công và sử dụng vốn nhà nước khác không hiệu quả; 21 dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực dầu khí, điện, than chậm tiến độ; 18 dự án đất đai hoang hóa, lãng phí, có khó khăn vướng mắc; và 908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng với tổng diện tích lên tới 30.000 ha.