Theo quan điểm của họ, an ninh lương thực toàn cầu chỉ có thể đảm bảo được thông qua việc áp dụng rộng rãi các công nghệ mới nhất vào tất cả các khâu sản xuất lương thực. Bài khoa học được đăng trên tạp chí "Information Society".
Theo các nhà khoa học từ Học viện Quan hệ Quốc tế Nhà nước Mátxcơva (MGIMO), bất chấp những thành tựu ấn tượng của khoa học và công nghệ hiện đại, cuộc chiến chống nạn đói trên hành tinh chúng ta trong những thập kỷ gần đây vẫn chưa mang lại nhiều kết quả tích cực.
Làm thế nào để giải quyết nạn đói trên thế giới
Các tác giả của bài khoa học chắc chắn rằng, nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu ngày nay và trong tương lai chỉ có thể thực hiện được nếu nhiều công nghệ mới được ứng dụng rộng rãi trong tất cả các bộ phận của ngành công nghiệp thực phẩm và nông nghiệp. Người máy sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.
“Các hệ thống robot tiên tiến không chỉ tạo cơ hội tăng năng suất lao động trên các cánh đồng và các trang trại, mà còn đảm bảo chất lượng cao của các thành phẩm nhờ độ chính xác cao của các hoạt động được thực hiện, đảm bảo an toàn sinh học của chính sản phẩm và chất lượng của bao bì thực phẩm”, - các nhà nghiên cứu của đại học MGIMO cho biết.
Các loại Agrobot - robot nông nghiệp - đang được sử dụng để gieo hạt giống cây trồng, tưới nước, cắt cỏ, chăm sóc cây ăn quả và cây bụi, thu hoạch, giám sát môi trường và phân tích đất. Trong chăn nuôi gia súc và gia cầm, người máy cũng có thể làm được nhiều việc, ví dụ, vắt sữa và cho ăn, dọn dẹp các bụi bẩn.
Theo các nhà khoa học của MGIMO, việc sử dụng robot giúp nâng cao năng suất và hiệu quả lao động lên một tầm cao mới, đơn giản hóa việc kiểm soát chất lượng và cho phép đạt được mức độ an toàn vệ sinh cao hơn. Ở tất cả các giai đoạn của chu kỳ sản xuất, robot có thể thay thế con người trong các công việc nặng nhọc được thực hiện thường xuyên, cũng như giảm chấn thương trong công nghiệp.
Robot thông minh hỗ trợ hữu ích hay gây cản trở?
Các nhà khoa học MGIMO cho rằng, các nghiên cứu hiện đại không phản ánh đầy đủ những rủi ro liên quan đến quá trình robot hóa. Theo họ, robot không chỉ tạo ra lợi thế cạnh tranh mà còn làm trầm trọng thêm vấn đề bất bình đẳng về công nghệ giữa các quốc gia và khu vực.
Ngoài ra, các nhà khoa học của đại học MGIMO lưu ý đến tác động tiêu cực của quá trình robot hóa đối với tình hình lao động việc làm và sự bất bình đẳng xã hội ngày càng sâu sắc. Vấn đề của những người cảm thấy mình "vô dụng" được thấy rõ trong các ngành công nghiệp có khối lượng lớn các công việc quen thuộc, làm hàng ngày .
“Cái bẫy tự động hóa” này có tầm quan trọng đặc biệt ở những vùng mà lao động nông nghiệp và chế biến thực phẩm là nền tảng của cơ cấu kinh tế và xã hội.
Các vấn đề liên quan đến giới hạn quyền hạn của các hệ thống AI cũng là một mối nguy hiểm nhất định. Ở đây nói về việc sử dụng các phương tiện không người lái và các nhiệm vụ xác định các đối tượng mà các loại robot công nghiệp đang thực hiện, bài báo lưu ý.
Đối với Nga đây là điểm cộng
Các nhà khoa học của đại học MGIMO nhấn mạnh rằng, giảm nhu cầu lao động thông qua việc sử dụng robot mang lại lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các quốc gia có cả tài nguyên đất đai rộng lớn và mật độ dân số thấp. Nga là một trong những "người may mắn".
Theo các tác giả của nghiên cứu, các khu vực có lợi thế như vậy có thể sử dụng robot như lực lượng bổ sung. Theo cách tiếp cận này, mục tiêu chính của quá trình robot hóa là "không phải để thay thế, mà là để hỗ trợ".
"Những lợi ích rõ ràng của quá trình robot hóa ở giai đoạn này là việc nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực sản xuất nguyên liệu thô, tăng sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng trong lĩnh vực chế biến, giảm thời gian ngừng hoạt động và cải thiện việc sử dụng các cơ sở ở tất cả các cấp của chuỗi sản xuất, cũng như giảm hoạt động rủi ro", - các nhà nghiên cứu lưu ý.
Cách hoạt động của robot công nghiệp
Các nhà nghiên cứu lưu ý, nhờ sự phát triển của các công nghệ nhận dạng và máy học, độ chính xác trong hoạt động của robot không ngừng được cải thiện. Nhờ đó các hệ thống robot có thể làm việc với các sản phẩm ngày càng tinh tế.
Ngày nay, robot thực hiện khoảng một phần ba hoạt động sản xuất và hơn 90% nhiệm vụ đóng gói trong một số lĩnh vực của ngành công nghiệp thực phẩm, theo các tác giả của bài khoa học.
Các nhà nghiên cứu của MGIMO lưu ý rằng, hiện tại, nhu cầu lớn nhất về các công nghệ robot được ghi nhận trong các đơn vị công nghiệp đã được robot hóa một phần. Việc ứng dụng các hệ thống robot đồng bộ là một mục tiêu trong tương lai.