Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina

ASEAN cần được xem là một nhà trung gian hòa bình chân thành

HÀ NỘI (Sputnik) - Trên cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN 2022, Campuchia sẵn sàng cung cấp nền tảng cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraina bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN 40,41 và các hội nghị liên quan diễn ra tại Phnom Penh từ ngày 10 - 13/11/2022.
Sputnik

Sáng kiến đáng chú ý

Ngày 1/11 vừa qua, tờ Khmer Times đã dẫn lời ông Chum Sounry, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia về sáng kiến làm trung gian hoà giải nói trên. Theo đó, Thủ tướng Hun Sen đã mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự các hội nghị cấp cao liên quan của ASEAN. Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ Hoàng gia Campuchia cũng bày tỏ mong muốn với phía Ukraina.
Tuy nhiên, phía Nga xác nhận Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) sẽ diễn ra từ ngày 12-13/11 tới đây. Trong khi đó, do không phải là thành viên của hội nghị nên phía Ukraina sẽ không tham dự.
Hội nghị Cấp cao ASEAN 40, 41: Lập trường của Việt Nam được khẳng định ra sao?
Thay vào đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 9/11 đã tiếp Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba tại thủ đô Phnom Penh trước thềm chuỗi hội nghị cấp cao ASEAN. Một quan chức cấp cao Campuchia cho biết, ông Kuleba sẽ ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) trong bối cảnh Kiev tìm cách tăng cường quan hệ với ASEAN.
Chia sẻ với Sputnik về nhận định của mình về sáng kiến của Campuchia, TS. Võ Xuân Vinh, Viện phó Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, cho rằng:

“Thực tế, xung đột giữa Nga và Ukraina hiện nay đang có tác động rất lớn đến an ninh và ổn định của thế giới, việc tìm giải pháp nhằm chấm dứt cuộc xung đột một cách hòa bình là rất cần thiết. Tôi nghĩ sáng kiến của Campuchia trên cương vị là Chủ tịch ASEAN 2022 là rất đáng chú ý”.

Lần đầu tiên, Ukraina sẽ tham gia hội nghị cấp cao ASEAN và ký hiệp ước hữu nghị

Tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị liên quan diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực chứng kiến nhiều biến động, bất ổn. Đại dịch COVID-19 kéo dài, tình hình Biển Đông, Myanmar, xung đột Nga - Ukraina, bán đảo Triều Tiên diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều hệ lụy đối với hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển.
Theo TS. Võ Xuân Vinh, Viện phó Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, hiện chưa rõ sáng kiến trên thực chất là quan điểm của riêng Campuchia hay là quan điểm tập thể của các nước ASEAN. Tuy nhiên với vai trò hoà giải trung gian, nhà nghiên cứu nhận định:

“Nếu đây thực sự là quan điểm của tập thể các nước ASEAN thì tôi cảm thấy ASEAN đang muốn duy trì và thúc đẩy vai trò trung tâm của mình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vai trò mà ASEAN đã khẳng định trong khuôn khổ của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) từ năm 1995. Ngày 8/4/2022, ASEAN đã ra một thông cáo chung liên quan đến cuộc xung đột này".

Lục quân ASEAN đi đầu trong ứng phó thách thức an ninh khu vực
Những nỗ lực trên cho thấy lập trường của cả Campuchia và ASEAN ủng hộ hòa bình và các cuộc đàm phán hòa bình. Việc này thể hiện vai trò, vị thế của ASEAN ra sao trong việc tăng cường và thúc đẩy hòa bình, phát triển trong khu vực và trên thế giới?
Về vấn đề này, TS. Võ Xuân Vinh cho biết trong khoảng hai thập kỷ qua, ASEAN không chỉ quan tâm đến vấn đề của khu vực Đông Nam Á mà còn bày tỏ quan điểm về các điểm nóng ở khu vực như Syria hay Bắc Triều Tiên thông qua các Tuyên bố của các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hay Tuyên bố Chủ tịch của các Hội nghị cấp cao ASEAN.

“Như đã đề cập ở trên, việc ASEAN ra thông cáo chung về vấn đề này vào ngày 8/4/2022 hay Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 55 diễn ra ngày 3/8/2022 dành một nội dung đề cập tình hình ở Ukraina thể hiện sự tiếp tục quan tâm của ASEAN đối với hòa bình và an ninh của thế giới. Nếu ASEAN đứng trên quan điểm trung lập để tổ chức các cuộc đàm phán giữa Nga - Ukraina thì có thể nói, ASEAN sẵn sàng mở rộng vai trò trung tâm của mình không chỉ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà còn trên phạm vi toàn thế giới. Đây là nỗ lực mới của ASEAN trong việc nâng cao vai trò của mình trên trường quốc tế", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Sáng kiến của Campuchia còn chỉ ra rằng, trong suốt 55 năm hình thành và phát triển, ASEAN đã thành công trong tạo ra môi trường để các nước thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, tăng cường hợp tác, ngăn ngừa sự cố, giải quyết khác biệt, tranh chấp, qua đó thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực.
Thảo luận