Buông lỏng lãnh đạo: Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam bị kỷ luật

HÀ NỘI (Sputnik) - Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV), bị kỷ luật cảnh cáo do có những vi phạm, khuyết điểm và đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật Đảng.
Sputnik
Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định số 1421 ngày 15/11 về việc thi hành kỷ luật đối với ông Lê Minh Chuẩn, chủ tịch hội đồng thành viên TKV.
Quyết định nêu rõ việc thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Lê Minh Chuẩn do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác.
Thời gian thi hành kỷ luật tính từ thời điểm công bố quyết định số 580 ngày 30/6/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về thi hành kỷ luật đảng.
Bộ trưởng Nội vụ: Hơn 20.000 cán bộ bị kỷ luật, chiếm 1%, cao nhất từ trước đến nay
Trước đó, cuối tháng 6, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy TKV nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025. Ba cá nhân bị cảnh cáo gồm ông Lê Minh Chuẩn (Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên); Đặng Thanh Hải (Phó bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc); Nguyễn Ngọc Cơ (Phó tổng giám đốc, nguyên Đảng ủy viên Tập đoàn).
Cụ thể, các vi phạm liên quan tới việc thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát. Hậu quả là Hội đồng thành viên, một số lãnh đạo tập đoàn và đơn vị cấp dưới vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư một số dự án; trong quản lý, khai thác than tại tỉnh Quảng Ninh. Nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, một số bị xử lý hình sự.
Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng; ảnh hưởng xấu đến kết quả sản xuất, kinh doanh, đến uy tín của tổ chức đảng và tập đoàn.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ban thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025 và ông Lê Minh Chuẩn, ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ khối doanh nghiệp trung ương, bí thư Đảng ủy, chủ tịch hội đồng thành viên.
Khám xét nơi ở và làm việc, bắt tạm giam Phó chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu

Tồn tại tiêu cực, trục lợi trong ngành than

Trước đó, trong báo cáo Bộ Công thương gửi Thủ tướng về tình hình thực hiện chỉ thị 29 về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than và cung cấp than cho sản xuất điện.
Đánh giá hoạt động khai thác than, Bộ Công thương cho rằng vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn với hoạt động này.
Cụ thể, có tình trạng một số doanh nghiệp khai thác than thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc và một số địa phương chưa chấp hành nghiêm các quy định về khoáng sản và bảo vệ môi trường.
Trong đó, có những vi phạm, hạn chế liên quan tới các điều kiện về kỹ thuật, an toàn trong quá trình khai thác mỏ, một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra gây chết người.
Đơn cử các doanh nghiệp có vi phạm như Công ty than Uông Bí; Công ty tuyển than Cửa Ông; Công ty tuyển than Hòn Gai, Công ty than Vàng Danh, Công ty Khai thác khoáng sản, Công ty 45…
Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi như lợi dụng giấy phép khai thác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng hợp đồng bóc xúc đất đá thải, chế biến than… để trộm cắp, tham ô.
Cũng có trường hợp lợi dụng thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để khai thác than trái phép, vận chuyển than bằng các xe gắn logo, mang biển kiểm soát giả của các đơn vị ngành than... gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, phòng ngừa, đấu tranh của các lực lượng chức năng.
Vụ khai thác lậu 1,5 triệu tấn quặng apatit, lộ văn bản trái luật của UBND tỉnh Lào Cai
Theo Bộ Công thương, hai doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính trong thực hiện quy hoạch phát triển ngành than là TKV và Tổng công ty Đông Bắc dù đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu về sản xuất than, nhưng một số dự án khai thác than đưa vào sản xuất chậm tiến độ, điều kiện khai thác mỏ xuống sâu và đi xe, nên tăng chi phí khai thác, giá thành sản xuất tăng.
Việc đóng cửa mỏ của các đơn vị còn chậm với nhiều tồn tại, dẫn tới tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng tiến hành khai thác, tập kết trái phép khoáng sản tại các khu vực đang làm thủ tục đóng cửa mỏ gây thất thoát tài nguyên, phức tạp về an ninh trật tự.
Đáng chú ý, ngành than còn để xảy ra một số tiêu cực, vi phạm như lợi dụng các hợp đồng thuê ngoài để thông đồng, cấu kết với các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân để tiêu cực, tham nhũng, trục lợi, lập hồ sơ, chứng từ nâng khống khối lượng đất đá thải sau sàng tuyển, chế biến để tư lợi cá nhân…
Trong khi đó, về công tác quản lý, phối hợp giữa các cơ quan liên quan còn bất cập trong cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng. Việc kiểm tra, đấu tranh hoạt động sản xuất, kinh doanh than trái phép còn gặp nhiều khó khăn do phương thức, thủ đoạn của đối tượng ngày càng tinh vi...
Thảo luận