Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris sẽ đến thăm Philippines vào tuần tới. Bà Harris sẽ đến thăm quần đảo Palawan của Philippines nằm gần khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Tại Palawan, Phó Tổng thống Mỹ Harris dự kiến sẽ gặp người dân, các nhà lãnh đạo xã hội dân sự và đại diện của Lực lượng Tuần Duyên Philippines. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết rằng, Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ đến thăm quần đảo Palawan để thể hiện “cam kết sát cánh" với Philippines trong việc duy trì trật tự hàng hải quốc tế dựa trên luật lệ ở Biển Đông. Phó Tổng thống Mỹ sẽ tái khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, thương mại tự do và tự do hàng hải ở Biển Đông, quan chức Mỹ cho biết thêm.
Chuyến công du Palawan của Phó Tổng thống Mỹ dự kiến vào ngày 22/11. Kamala Harris sẽ trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới thăm chuỗi đảo tiếp giáp với quần đảo Trường Sa mà một phần của quần đảo này cũng được Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Phó Tổng thống Mỹ dự kiến cũng sẽ đến thăm Căn cứ Không quân Antonio Bautista tại Puerto Princesa trong thời gian ở thăm Palawan. Một trong những cơ sở của căn cứ đang được xây dựng như một phần của thỏa thuận hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Philippines. Bộ chỉ huy quân sự của Philippines được đặt tại căn cứ không quân, có nhiệm vụ giám sát việc bảo vệ và tuần tra các vùng lãnh thổ trên Biển Đông ở khu vực quần đảo Palawan. Trả lời phỏng vấn của Reuters, ông Gregory Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, Mỹ, đưa ra dự đoán về việc bà Harris sẽ đến thăm căn cứ này.
Mục đích chuyến công du của bà Harris
Một trong những mục đích trong chuyến thăm Palawan của bà Harris là khiêu khích Trung Quốc và kiểm tra sức mạnh của quốc gia này, - chuyên gia Chen Bingxian, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Philippines của Đại học Quảng Tây, Trung Quốc, nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Sputnik:
“Phó Tổng thống Hoa Kỳ Harris sẽ đến thăm khu vực nhạy cảm về địa lý là quần đảo Palawan của Philippines. Bằng cách này Hoa Kỳ muốn thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế tới vấn đề Biển Đông. Mục đích thứ hai là bày tỏ sự ủng hộ đối với Philippines và củng cố mối quan hệ đồng minh với nước này. Hỗ trợ như vậy thực sự trông rất rẻ. Còn có một mục đích khác là khiêu khích và thử sức mạnh của Trung Quốc”, - chuyên gia lưu ý.
Sau cuộc gặp trực tiếp tại Bali giữa nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm xoa dịu căng thẳng, chuyến công du của bà Harris có thể phản tác dụng. Theo Daria Panarina, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và Châu Đại Dương, Viện Nghiên cứu Phương Đông, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, chuyến công du của bà Harris tới quần đảo Palawan nằm ngay gần khu vực tranh chấp sánh được với hành vi khiêu khích của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi thực hiện chuyến công du tới Đài Loan.
“Cả hai chuyến công du đều thể hiện xu hướng chung trong chính sách của Hoa Kỳ nhằm kiềm chế Trung Quốc. Rất có thể chuyến thăm của bà Harris cũng là một phần trong phản ứng của Hoa Kỳ đối với thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và quần đảo Solomon. Người Mỹ đang tăng cường hiện diện trong khu vực, họ sẽ bảo vệ lợi ích của mình và lợi ích của các đồng minh. Chuyến thăm này là một lời gợi ý cho Trung Quốc về sự cần thiết phải “từ bỏ tham vọng” trong khu vực. Và phản ứng cứng rắn nhất của Bắc Kinh có thể là việc triển khai các loại vũ khí hiện đại hơn trên quần đảo Trường Sa”, - chuyên gia Daria Panarina nói.
Liệu Mỹ có thành công trong việc khiêu khích Trung Quốc?
Về phần mình, chuyên gia Chen Bingxian tỏ ra nghi ngờ về khả năng của Mỹ khiêu khích Trung Quốc.
“Vẫn còn phải xem liệu Hoa Kỳ có đạt được các mục tiêu của mình hay không. Kể từ đầu năm nay, Philippines phải đối phó với nhiều vấn đề. Cuộc xung đột Nga-Ukraina do Mỹ gây ra đã khiến giá năng lượng và giá lương thực trên thế giới tăng mạnh. Ngoài ra, Philippines đang phải dồn sức ứng phó với hậu quả đại dịch. Trong điều kiện này, công luận Philippines và các quan chức chính phủ đánh giá khách quan về vấn đề Biển Đông cần phải nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Vì vậy, sự kích động của Hoa Kỳ không phải là điều mà người dân Philippines mong muốn."
Ngoài ra, tại cuộc gặp với ông Tập Cận Bình ở Bali, Tổng thống Hoa Kỳ Biden đã nói rằng, ông không có ý định kiềm chế Trung Quốc. Đồng thời, Mỹ cử phó tổng thống tới thăm đảo Palawan của Philippines để đưa ra chỉ đạo về vấn đề Biển Đông, mặc dù Hoa Kỳ không phải là một nước trong khu vực. Đây là hành vi không nhất quán phải ánh tính hai mặt của Mỹ mà cộng đồng thế giới không thể xem xét nghiêm túc”, - ông Chen Bingxian nói.
Những bước tiến mới trong vấn đề Biển Đông đe dọa lợi ích của Mỹ
Các cuộc gặp gần đây tại Phnom Penh của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường với các đối tác ASEAN cũng như kết quả của hội nghị cấp cao ASEAN cho thấy tiến triển trong quá trình tìm kiếm sự đồng thuận về vấn đề Biển Đông. Tất cả các bên đều bày tỏ ý muốn bảo đảm ổn định trong khu vực để giải quyết vấn đề Biển Đông mà không có sự can thiệp từ các bên ngoài khu vực. Tất nhiên, động lực tích cực này trong quá trình giải quyết các vấn đề lãnh thổ đang đe dọa lợi ích của Mỹ trong khu vực, chuyên gia Daria Panarina lưu ý.
“Nếu các bên đạt tiến bộ thực sự trong đàm phán về các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, thì Hoa Kỳ sẽ không thể sử dụng vấn đề này như một đòn bẩy gây áp lực lên Trung Quốc. Hoa Kỳ coi mình là người bảo vệ quyền chủ quyền của các quốc gia có liên quan đến tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Đó không phải chỉ là Philippines. Nếu một thỏa hiệp đạt được trên cơ sở song phương hoặc đa phương làm hài lòng cả CHND Trung Hoa và tất cả các bên khác tham gia tranh chấp, loại trừ Hoa Kỳ khỏi chuỗi này, thì tất nhiên, điều này rất bất lợi cho Hoa Kỳ. Bởi vì Mỹ sẽ mất cơ hội gây ảnh hưởng đến các quốc gia trong khu vực có lợi ích ở Biển Đông”, - Daria Panarina giải thích.
Không phải ngẫu nhiên mà Hoa Kỳ lại vội vàng tăng cường quan hệ quân sự với các đồng minh của họ trong khu vực và đang kích thích quá trình này bằng mọi cách có thể. Ví dụ, gần đây, người phát ngôn Arsenio Andolong của Bộ Quốc phòng Philippines cho biết, Philippines sẽ đẩy nhanh tiến trình thực hiện Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) với Mỹ ký năm 2014, cho phép Lầu Năm Góc duy trì hiện diện luân phiên và tiếp cận căn cứ quân sự địa phương thời gian dài, cũng như xây dựng và vận hành các cơ sở tại các căn cứ của họ ở Philippines. Hôm thứ Ba, Manila cho biết rằng, Washington sẽ chi 66,5 triệu USD để tiến hành nâng cấp 3 căn cứ quân sự tại nước này. Theo đó, các công trình phục vụ công tác huấn luyện và nhà kho sẽ được xây dựng tại các căn cứ trên dựa trên thỏa thuận hợp tác an ninh được ký vào năm 2014.