Liên quan vụ án xảy ra tại Thuduc House, Bộ Công an vừa có kết luận điều tra bổ sung.
Theo đó trong 60 bị can bị đề nghị truy tố có 17 cựu lãnh đạo, cán bộ Cục Thuế TPHCM bị đề nghị truy tố về 3 hành vi: thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và nhận hối lộ.
Đồng thời Cơ quan điều tra đề nghị Viện KSND Tối cao truy tố 60 bị can về 9 tội danh gồm: “Buôn lậu; Vận chuyển trái phép hàng hóa tiền tệ qua biên giới; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Nhận hối lộ; Sản xuất, buôn bán hàng giả; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trong số các bị can, có 18 người là lãnh đạo, cán bộ của Cục thuế TPHCM như, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Phó cục trưởng; Phạm Minh Tuấn, cựu Trưởng phòng Kê khai kế toán thuế; Cao Văn Tỵ, Trưởng phòng Thanh tra kiểm tra thuế số 5; Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng phòng Kiểm tra nội bộ; Đào Thị Nga, cán bộ Chi cục Thuế quận 1; Nguyễn Phương Nam, cán bộ Chi cục thuế quận 3; Ngô Huỳnh Luỹ, cán bộ Chi cục thuế Quận 5...
Từ năm 2017 đến 2019, Trịnh Tiến Dũng (đã bỏ trốn) điều hành nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước để lập hồ sơ mua bán lòng vòng, xuất nhập khẩu hàng hóa linh kiện điện tử.
Sau khi làm thủ tục xuất khẩu linh kiện điện tử đi Mỹ, Campuchia, UAE, Singapore, thông qua các đầu mối trung gian, Dũng cho tổ chức lập hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) để chiếm đoạt tiền của Nhà nước.
Theo kế hoạch, từ tháng 2/2018 đến tháng 6/2019, Dũng chỉ đạo cấp dưới Nguyễn Thiện Phú trực tiếp liên hệ với Nguyễn Văn Lành (các bị can bị khởi tố trong vụ án) móc nối với các bị can tại Thuduc House để lập, ký kết 334 hợp đồng kinh tế với các công ty nước ngoài (Avi, Fze, Lam, Wzh, Meas Channy, Abutech, Akchalnax…) để bán hàng hóa linh kiện điện tử.
Để hợp thức đầu vào, Thuduc House đã lập, ký 334 hợp đồng mua bán linh kiện điện tử trong nước với nhiều công ty với giá trị hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó có 10% tiền thuế GTGT. Thuduc House sau đó lập 17 bộ hồ sơ gửi Cục Thuế TPHCM đề nghị hoàn thuế GTGT hơn 365 tỷ đồng.
Khi tiếp nhận hồ sơ, Cục thuế TPHCM đã ban hành 17 quyết định hoàn thuế GTGT cho Thuduc House với tổng số tiền hơn 365 tỷ đồng.
Theo kết luận điều tra bổ sung, toàn bộ việc mua bán hàng trong nước, xuất khẩu đều do Trịnh Tiến Dũng điều hành, sắp xếp, Thuduc House và công ty con của Thuduc House chỉ ký thủ tục. Các công ty này không liên hệ với bất cứ đối tác nào phía nước ngoài để giao dịch, thỏa thuận thực hiện hợp đồng xuất khẩu hàng hóa, mà chỉ lập hồ sơ xuất khẩu. Thuduc House được hưởng lợi hàng chục tỉ đồng.
Cơ quan điều tra cho rằng, để xảy ra hành vi gian dối, lập hồ sơ khống để hoàn thuế GTGT còn có hành vi trái pháp luật về quản lý thuế của cán bộ Cục Thuế TPHCM trong việc kiểm tra, thanh tra, xét duyệt, quyết định hoàn thuế.
Cụ thể, các bị can tại Cục thuế TPHCM đã không tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý thuế, quy trình trong việc xét duyệt, thẩm định hoàn thuế GTGT. Nhóm cán bộ này còn không đối chiếu số liệu, không báo cáo dấu hiệu bất thường trong các bộ hồ sơ, không tổ chức thanh tra để phát hiện sai phạm.
Các hành vi này dẫn đến việc hoàn thuế không đúng, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 365 tỷ đồng.
Các hành vi này dẫn đến việc hoàn thuế không đúng, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 365 tỷ đồng.