Để phá thế bế tắc cho thị trường trái phiếu, chứng khoán, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính cần công bố lộ trình cam kết, cách thức giải quyết các vấn đề liên quan tới tâm lý của nhiều nhà đầu tư sau các vụ án lớn Tân Hoàng Minh, FLC, Vạn Thịnh Phát.
Việt Nam sắp tổ chức họp về trái phiếu, chứng khoán
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc sẽ chủ trì cuộc họp về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 23/11 tại trụ sở của Bộ Tài chính.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi và lãnh đạo UBCK, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cũng cùng tham dự. Đặc biệt, còn có lãnh đạo các công ty chứng khoán, các doanh nghiệp thực hiện phát hành TPDN, thông tin trên TTXVN cho biết.
Đây là động thái quan trọng của các nhà làm chính sách khi cả thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản đều chịu nhiều biến động mạnh, phức tạp khi nhà đầu tư bị mất niềm tin, đổ xô bán tháo khiến nhiều chỉ số lao dốc.
Trước thềm cuộc họp quan trọng của Bộ Tài chính giải quyết khó khăn về thị trường chứng khoán, trái phiếu, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia nhìn nhận, Chính phủ, các bộ ngành cần sớm giải quyết nhanh nhất có thể những vụ việc “lùm xùm” về trái phiếu doanh nghiệp vừa qua để các nhà đầu tư an tâm hơn.
“Cần công bố lộ trình cam kết, cách thức giải quyết các vấn đề liên quan tới tâm lý của nhiều nhà đầu tư sau các vụ án lớn Tân Hoàng Minh, FLC, Vạn Thịnh Phát”, ông Lực thẳng thắn.
Nhận định vấn đề liên quan đến quyền lợi của trái chủ chưa bao giờ nóng như thời điểm hiện nay, theo TS. Cấn Văn Lực, điều này là do nhiều nhà đầu tư đã bỏ số tiền không nhỏ vào thị trường này, nhất là đang sở hữu trái phiếu của Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh.
Trong khi đó, ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh nêu quan điểm, về phía cơ quan chức năng thì ai phát hành người đó trả tiền. Tuy nhiên, để có cái nhìn thấu đáo cần có góc nhìn cụ thể đối với từng trường hợp.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thời gian qua, Bộ Tài chính đã rất quyết liệt trong việc chủ động nhận diện đánh giá tình hình về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bàn thảo để đưa ra một số giải pháp giải quyết các vụ việc hiện nay trên thị trường trái phiếu, nhất là đối với thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, nhân buổi làm việc ngày mai (ngày 23/11) của Bộ Tài chính, theo TS. Cấn Văn Lực, Chính phủ, các bộ, ngành cần tiếp tục rà soát Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ để tạo sự thông thoáng phù hợp cho nhà đầu tư và nhà phát hành thị trường trái phiếu riêng lẻ để thị trường TPDN phát triển hiệu quả hơn.
“Liên quan tới điều kiện là nhà đầu tư chuyên nghiệp, Bộ Tài chính đã quy định tại Nghị định 65 nhưng cần có lộ trình phù hợp, nới lỏng hơn điều kiện đối với nhà đầu tư, chủ đầu tư, đối với các bên đầu tư, có thể không siết chặt quá trong bối cảnh hiện nay, tất nhiên vẫn phải kiểm soát rủi ro”, chuyên gia lưu ý.
Ông Lực cũng kiến nghị phải rà soát lại điều kiện phát hành ra công chúng, tạo sự thông thoáng hơn nhằm thu hút thêm nhà đầu tư. Đây là kênh đầu tư quan trọng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay.
“Đặc biệt, chủ đầu tư và nhà phát hành cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như tuân thủ cam kết hoàn trả đủ gốc, lãi cho nhà đầu tư, cơ cấu lại danh mục đầu tư của mình, cái gì cấp bách làm trước”, ông Cấn Văn Lực khuyến nghị.
Phá thế bế tắc
Đối với vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, trong trường hợp, ví dụ doanh nghiệp mất khả năng thanh toán trái phiếu đúng hạn, có thể đàm phán với nhà đầu tư cho phép giãn hoãn nợ, nợ gốc, mức lãi của trái phiếu. Bên cạnh đó, có thể cơ cấu lại danh mục dự án, thậm chí tái cấu trúc, bán đi một vài dự án để có tiền giải quyết nhu cầu trả nợ cho nhà đầu tư trước mắt. Phương án này khả thi hơn là doanh nghiệp đi vay mức lãi cao bên ngoài.
Có một số quan điểm nêu rằng, thị trường trái phiếu hiện cần có được sự chia sẻ và đồng hành tiếp tục của trái chủ là trách nhiệm khi đi đầu tư vào một tài sản có rủi ro cao.
Sự chủ động của doanh nghiệp là tổ chức phát hành trong việc thực hiện nghĩa vụ nợ và minh bạch thông tin. Bên cạnh đó, sự chủ động tham gia của các định chế tài chính trung gian với các biện pháp cụ thể và rõ ràng hơn thì mới có thể tháo gỡ những rủi ro của trái phiếu doanh nghiêp.
Để phá thế bế tắc của thị trường trái phiếu, tại cuộc gặp gỡ với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mới đây, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cũng đã kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân không phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” được đầu tư, mua trái phiếu riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định.
HoREA đề nghị cho phép các doanh nghiệp có quy mô lớn, có uy tín thương hiệu, công ty đại chúng, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán được xếp hạng tín nhiệm thì được phát hành riêng lẻ chào bán cho nhà đầu tư cá nhân không phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”.
Đồng thời, cho phép các nhà đầu tư cá nhân này được ủy thác cho công ty chứng khoán, các tổ chức đảm bảo năng lực bằng các hợp đồng thương mại để đầu tư trái phiếu theo quy định.
Đóng băng
Trong báo cáo cập nhật triển vọng thị trường trái phiếu của FiinRatings mới đây, đơn vị này cho biết, sau quý III/2022 giảm đều về số đợt lẫn quy mô, thị trường thị trường trái phiếu tháng 10/2022 chỉ ghi nhận một đợt phát hành riêng lẻ nội địa.
Tháng 9/2022, thị trường trái phiếu cũng chỉ ghi nhận duy nhất đợt phát hành riêng lẻ nội địa bởi Công ty Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo với giá trị phát hành đạt 210 tỷ đồng trong kỳ hạn 5 năm.
Mục đích của đợt phát hành này nhằm thanh toán toàn bộ gốc của 2 lô các trái phiếu trước đó đáo hạn vào 25/9.
“Hoạt động phát hành trái phiếu gần đây hoàn toàn vắng bóng 2 nhóm phát hành chủ lực là bất động sản và tổ chức tín dụng”, theo Fiin.
Báo cáo của FiinRatings lý giải: Cả hai ngành bất động sản lẫn tín dụng đều đang gặp các yếu tố bất lợi như môi trường lãi suất tăng cao, những yêu cầu mới của Nghị định 65 và sự "quay đầu" của nhà đầu tư đối với trái phiếu sau những vụ việc vi phạm trên thị trường gần đây.
Chia sẻ tại Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam vừa rồi, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinGroup, cho biết, trái phiếu doanh nghiệp có vai trò quan trọng đặc biệt trong hai năm Covid-19 vừa qua.
“Nếu không có trái phiếu thì những khó khăn với nền kinh tế đến sớm hơn rất nhiều, không phải đợi đến lúc Fed tăng lãi suất”, theo quan điểm của ông Thuân.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phẩn FiinGroup lưu ý, hai năm vừa rồi tổng lượng tiền huy động từ trái phiếu khoảng hơn 1,5 triệu tỷ đồng. Riêng năm ngoái khoảng 670.000 tỷ đồng.
Nhìn lượng cung tiền tín dụng ra thị trường, năm ngoái tín dụng tăng trưởng 14-15%, cộng 3-4% nữa từ trái phiếu, cung tiền tăng khá tương đối.
Điều đó là cần thiết đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19, doanh nghiệp đặc biệt khó khăn về thanh khoản. Trong khi đó, quy mô của thị trường trái phiếu hiện nay, chủ yếu là trái phiếu riêng lẻ sau khi tăng lên khoảng 1,5 - 1,6 triệu tỷ đồng, quy mô còn khoảng 20% GDP.
Nhắc về việc cả tháng 10 chỉ có duy nhất 1 đợt phát hành, ông Thuân nhấn mạnh, “hiện nay thị trường phát hành đang bị gián đoạn”.
“Thị trường trái phiếu từng trải qua giai đoạn tăng trưởng rất mạnh (bình quân 45% trong 5 năm) sau đó giảm và đến nay đóng băng”, lãnh đạo Fiin nói.
Vấn đề này tác động rất lớn đến doanh nghiệp và nền kinh tế, lây sang cả cổ phiếu, thị trường chứng khoán, lây sang cả ngân hàng, chứng chỉ quỹ.
Theo quan điểm của một công ty chứng khoán, hiện Nghị định 65 đã siết chặt điều kiện nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
“Nới lỏng Nghị định 65 tuy không thể giải quyết dứt điểm tình hình hiện nay, song sẽ là thông điệp cho thấy, cơ quan quản lý có ý định hỗ trợ thị trường”, đại diện công ty chứng khoán bày tỏ.